Hotline: +84 0777. 943. 888

Đang ăn cơm thấy đau ngực, buồn nôn, tưởng ngộ độc hóa ra nhồi máu cơ tim

02/11/2024 16:21

Đó là trường hợp của bà Đ.T.T. (60 tuổi, quê ở Vĩnh Long) vừa được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cứu khỏi cửa tử sau 2 lần ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp vào chiều ngày 25/7/2020.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân 2 lần ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp. Trước đó, bệnh nhân đang ăn cơm thì đau ngực, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh.

alobacsi nhồi máu cơ tim 2 lần ngưng timNữ bệnh nhân được cứu khỏi cửa tử sau 2 lần ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp

Bà T. có tiền sử bệnh tim phải dùng thuốc mỗi ngày hơn 10 năm nay. Khoảng một tuần nay, bà T. sang Cần Thơ thăm cháu ở Bình Thủy, đang trong lúc ăn cơm trưa cùng cháu nội, bà T. bất ngờ buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh, cảm thấy mệt, đau ngực và mỏi bả vai.

Ban đầu, gia đình bà T. tưởng bà bị trúng thực nhưng rất lo lắng nên đã đưa bà đến cơ sở y tế gần nhà để kiểm tra. Ngay lập tức, bà T. được hướng dẫn chuyển đến được đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ do nghi nhờ bà bị nhồi máu cơ tim.

Vào phòng cấp cứu của Bệnh viện, bà T. đột ngột rung thất ngưng tim, được bác sĩ cấp cứu xử lý tích cực xoa bóp tim, sốc điện giúp tuần hoàn trở lại. Sau kiểm tra, các bác sĩ xác định Bà T. bị nhồi máu cơ tim cấp, ST chênh lên, có biến chứng rung thất ngưng tim.

Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch vành, tuy nhiên khi vừa chuẩn bị can thiệp bà T. bị rung thất ngưng tim lần thứ 2. Ekip phải tiến hành xoa bóp tim, sốc điện một lần nữa, vừa hồi sức vừa can thiệp mạch vành bằng cách đặt 1 stent ở vị trí nhánh mũ, giúp tái thông mạch máu tắc huyết động, bệnh nhân ổn định dần.

alobacsi nhồi máu cơ tim DSA

BS.CK2 Trần Chí Dũng – Trưởng Khoa tim mạch cho biết:

Đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng rung thất ngưng tim thời gian vàng để không chết não chỉ có 5 phút. Chính vì vậy, việc xử lý nhanh, tích cực không những cứu sống bệnh nhân mà giúp bệnh nhân sau can thiệp không gặp di chứng nặng nề.

Trường hợp này, sau can thiệp khoảng 6 giờ, bệnh nhân đã hồi phục, tiếp xúc tốt, không yếu liệt, nói năng bình thường.

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, khi có các triệu chứng như mệt nặng ngực, đổ mồ hôi lạnh, nôn ói, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là cơ sở y tế có cấp cứu chuyên khoa, để bác sĩ đánh giá xác định có gặp phải cơn nhồi máu cơ tim hay không. Vì khi nhồi máu cơ tim cấp, việc can thiệp nhanh sẽ giúp ích rất lớn cho bệnh nhân tránh những biến chứng xấu.

Hơn nữa, việc can thiệp trong một giờ đầu khi có dấu hiệu bệnh lý sẽ mang đến cơ hội phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vì vây, bệnh nhân cần đến cơ sở có can thiệp tim mạch càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, khi bước qua tuổi 45, người dân cần nên tầm soát các bệnh lý về mạch vành, để từ đó giúp phát hiện sớm, xử lý kịp thời, tránh trường hợp xảy ra rung thất ngưng tim sẽ nhanh chóng diễn tiến tử vong. (Nguồn alobacsi.com)

Kim Cương – ảnh Đức Thịnh