Điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính
Điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư trong máu, bao gồm các loại bệnh như bạch cầu cấp tính (acute leukemia), u lympho ác tính (malignant lymphoma), đa u tủy xương (multiple myeloma),….
Phương pháp này có ưu nhược điểm gì? Đối tượng nào phù hợp với phương pháp điều trị này? Những lưu ý trong và sau khi thực hiện kỳ thuật là gì? ThS.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về vấn đề này.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, những bệnh nhân nào phù hợp và bệnh nhân nào không phù hớp với phương pháp điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Bệnh nhân có chỉ định điều trị hóa chất là các bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu ác tính như bạch cầu cấp dòng tủy hoặc dòng lympho, u lympho ác tính, đa u tủy xương, rối loạn sinh tủy,…; Bệnh nhân cần điều trị để tiêu diệt các tế bào ung thư trong máu đạt lui bệnh và có kế hoạch cho ghép tế bào gốc ở những bệnh nhân đạt tiêu chuẩn ghép.
Những bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp này bao gồm: Bệnh nhân có các bệnh lý nền nặng, phức tạp như suy tim, suy gan, suy thận mức độ nặng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng không kiểm soát được; Bệnh nhân không đủ sức khỏe để chịu đựng các tác dụng phụ của điều trị hóa chất.
Phóng viên: Điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính có những ưu và nhược điểm gì, thưa bác sĩ?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Ưu điểm của phương pháp này là giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong máu, tủy xương và các cơ quan khác, nơi mà tế bào ung thư lan tràn. Phương pháp điều trị này giúp đạt lui bệnh và giảm nguy cơ tái phát bệnh. Ngoài ra, điều trị hóa chất có thể kết hợp với liệu pháp miễn dịch hoặc ghép tế bào gốc để tăng hiệu quả điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư máu ác tính.
Hóa trị có thể mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát và tiêu diệt tế bào ung thư máu, cải thiện cơ hội sống sót và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể phụ thuộc vào loại ung thư máu, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì kỹ thuật này cũng có một số hạn chế nhất định. Tác dụng phụ của nó là có thể gây tổn thương tế bào bình thường, dẫn đến các tác dụng phụ như suy giảm miễn dịch, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bác sĩ Mai đi buồng chăm sóc bệnh nhân
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết, quy trình của kỹ thuật này gồm những bước gì?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính sẽ gồm 5 bước sau:
- Bước 1: Đánh giá và chẩn đoán - Bác sĩ tiến hành các xét nghiệm như xét nghiệm máu, tủy xương để chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn bệnh, đánh giá các bệnh lý phối hợp kèm theo.
- Bước 2: Lập kế hoạch điều trị - Xác định phác đồ hóa trị cụ thể, bao gồm loại thuốc, liều lượng, và thời gian điều trị.
- Bước 3: Thực hiện hóa trị - Hóa chất được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc uống theo từng đợt.
- Bước 4: Theo dõi và điều chỉnh - Theo dõi phản ứng của cơ thể với hóa trị, điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết.
- Bước 5: Hỗ trợ phục hồi - Cung cấp các biện pháp hỗ trợ như truyền máu, kháng sinh và chăm sóc dinh dưỡng để giúp bệnh nhân phục hồi.
Phóng viên: Khi có chỉ định sử dụng phương pháp điều trị hóa chất thì người bệnh cần chuẩn bị những gì, thưa bác sĩ?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Để quá trình điều trị được diễn ra an toàn và đạt tỷ lệ thành công cao, người bệnh cần được xét nghiệm toàn diện: Thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng cơ quan và chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.
Về tâm lý, bệnh nhân sẽ được tư vấn chi tiết nhằm chuẩn bị tâm lý cho quá trình điều trị dài với các tác dụng phụ có thể gặp phải. Bên cạnh đó, bệnh nhân và gia đình cần lên kế hoạch sinh hoạt với một lộ trình về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp để tăng cường sức đề kháng.
Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân và gia đình nên thảo luận chi tiết với bác sĩ để hiểu rõ quy trình, chuẩn bị tốt nhất về cả thể chất và tinh thần cho việc điều trị hóa chất trong bệnh ung thư máu ác tính.
Phóng viên: Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý những điều gì?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Việc đầu tiên, người bệnh và gia đình cần theo dõi sát các triệu chứng. Bệnh nhân cần báo cáo ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường như sốt, buồn nôn, hoặc dấu hiệu nhiễm trùng.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt nhất và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Để phòng ngừa biến chứng, chúng tôi sẽ cho người bệnh sử dụng kháng sinh dự phòng. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và suy giảm miễn dịch.
Bên cạnh việc điều trị thân bệnh thì yếu tố tâm bệnh cũng vô cùng quan trọng. Gia đình và đội ngũ y tế cần hỗ trợ tâm lý để bệnh nhân giữ vững tinh thần trong suốt quá trình điều trị.
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết người bệnh cần theo dõi và khám định kỳ thế nào sau khi rời viện trở về nhà?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Người bệnh cần được theo dõi định kỳ bằng các xét nghiệm máu để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các biến chứng.
Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, đau không thể kiểm soát hoặc dấu hiệu của nhiễm trùng.
Phóng viên: Kỹ thuật sẽ được tiến hành trong bao lâu và có gì khó chịu không, thưa bác sĩ?
Ths.BSNT. Nguyễn Thị Tuyết Mai: Mỗi đợt hóa trị có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, và toàn bộ liệu trình có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào phác đồ điều trị. Quá trình hóa trị thường không gây đau trực tiếp, nhưng bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ gây khó chịu như buồn nôn và mệt mỏi.
Theo Bệnh viện Bạch Mai