Trẻ khó thở, bác sĩ khám bệnh sẽ hỏi cha mẹ điều gì?
Trước một bệnh nhi khó thở, bác sĩ phải khai thác bệnh sử ra sao, cần quan sát và thăm khám những gì… Bài báo cáo “Tiếp cận bệnh nhi khó thở” của PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm hướng dẫn các bác sĩ hiểu rõ cần làm gì trong tình huống này.
Trước một bệnh nhi khó thở, bác sĩ phải khai thác bệnh sử ra sao, cần quan sát và thăm khám những gì… Bài báo cáo “Tiếp cận bệnh nhi khó thở” của PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm hướng dẫn các bác sĩ hiểu rõ cần làm gì trong tình huống này.
Khi một em bé khó thở, đó không chỉ là điều lo lắng của cha mẹ mà còn là nỗi “sợ hãi” của bác sĩ nhi đồng, bởi đường thở của trẻ nhỏ hơn nhiều so với người lớn, trẻ sẽ đối mặt với nguy hiểm nhiều hơn mỗi khi khó thở.
Vậy trước một bệnh nhi khó thở, bác sĩ phải khai thác bệnh sử ra sao, cần quan sát và thăm khám những gì… Bài báo cáo “Tiếp cận bệnh nhi khó thở” do PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nhi ĐHYD TPHCM trình bày tại Hội nghị thường niên Liên chi hội Hô hấp TPHCM giúp các bác sĩ hiểu rõ cần làm gì trong tình huống này.
PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm
Khó thở là cảm giác chủ quan của trẻ hay khách quan của cha mẹ, trẻ không thoải mái trong hô hấp bao gồm nguyên nhân thực thể và tâm lý, đôi khi khó đánh giá ở trẻ em. PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm cho biết khó thở có 3 nguyên nhân chính: hô hấp, tim mạch, chuyển hóa (nguyên nhân này đôi khi bị bỏ qua, cần chú ý nhiều hơn). Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác: thiếu máu, béo phì, tâm lý (hội chứng tăng thông khí)…
Em bé khó thở sẽ có các biểu hiện: thở nhanh, co lõm ngực, cánh mũi phập phồng, đầu gật gù, tiếng thở bất thường… Biểu hiện trên tim mạch: nhịp tim tăng, hạ huyết áp. Biểu hiện thần kinh từ nhẹ tới nặng: bứt rứt, co giật, hôn mê…
Để tìm ra tại sao trẻ khó thở, bác sĩ khám bệnh cần đặt ra các câu hỏi theo từng nguyên nhân.
– Khó thở do hô hấp bao gồm các tình trạng: tắc nghẽn hô hấp trên, co thắt phế quản, nhiễm trùng hô hấp, thuyên tắc phổi, bệnh phổi kẽ… Câu hỏi phát hiện khó thở do nguyên nhân hô hấp là:
+ Ho? Khạc đàm?
+ Ho máu?
+ Khò khè?
+ Thở bất thường?
– Khó thở do tim mạch bao gồm các tình trạng: suy tim, phù phổi, cao áp phổi, chèn ép tim, thiếu máu cơ tim… Câu hỏi phát hiện khó thở do nguyên tim mạch là:
+ Khó thở khi nằm?
+ Đau ngực? (trẻ lớn)
+ Đánh trống ngực? (trẻ lớn)
– Khó thở do bệnh chuyển hóa bao gồm các tình trạng: thiếu máu, toan chuyển hóa (tiểu đường, bệnh ống thận), thiếu nước, sốc nhiễm trùng, suy thận cấp… Hình ảnh lâm sàng của khó thở do bệnh chuyển hóa gồm: thở nhanh, thở kussmaul (hít vào sâu – ngừng thở ngắn – thở ra nhanh, sau đó ngừng thở kéo dài hơn rồi lại tiếp chu kỳ khác), không co kéo hay co lõm, phổi trong.
Câu hỏi phát hiện khó thở do nguyên nhân chuyển hóa là:
+ Vã mồ hôi?
+ Nôn ói?
+ Sụt cân?
+ Chóng mặt?
Các nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng khó thở
Bác sĩ có nhiều bước đánh giá tình trạng khó thở của trẻ. Đầu tiên là đánh giá theo ABCDE:
+ Airway: tắc nghẽn hay không?
+ Breathing: thở nhanh, thở bất thường, co lõm ngực, ngưng thở
+ Circulation: mạch không bắt được, nhịp tim nhanh – chậm
+ Disability: không đáp ứng kích thích, li bì, bứt rứt
+ Exposure: xanh, tím, tay chân lạnh, sốt, thời gian đổ đầy máu đầu chi (RCT), xuất huyết da
Về dấu hiệu tím tái, BS Diễm nhấn mạnh cần phân biệt tím ngoại biên (do chậm dòng máu đến hay do co mạch, do lạnh, sốc, thuyên tắc mạch, suy tim xung huyết) hay tím do nguyên nhân trung ương (giảm SpO2 hay Hp bất thường, bệnh lý hô hấp, tim bẩm sinh tím, rò động tĩnh mạch…)
Tiếp theo là hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh các vấn đề:
– Hoàn cảnh xuất hiện cơn khó thở: tự nhiên hay sau gắng sức, tiếp xúc dị nguyên, sau ăn…?
– Thời gian xuất hiện: đột ngột hay từ từ, lần đầu hay nhiều lần rồi?
– Đặc điểm: từng cơn hay liên tục, ngày càng tăng?
– Các dấu hiệu đi kèm: sốt, sụt cân, đau ngực?
– Các tiền sử gợi ý: tim bẩm sinh, dị ứng…?
Tùy theo tình huống nghi ngờ, các xét nghiệm cần làm ngay là: Xquang phổi; siêu âm tim, đo điện tim, khí máu động mạch, ion đồ máu, công thức máu.
Về xử trí khó thở, những việc cần làm ngay là đảm bảo hô hấp: thở oxy > thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) > đặt nội khí quản; đảm bảo tuần hoàn: chống sốc; dùng kháng sinh ngay nếu nghĩ nhiễm trùng; các bước xử trí tiếp theo sẽ tùy theo nguyên nhân.
Một trường hợp đáng chú ý mà BS Diễm đưa ra trong báo cáo là bé trai 7 tuổi ở Đồng Nai, nhập viện với tình trạng khó thở, khò khè, trước đó đã được chẩn đoán là suyễn. Sau 3 ngày bé than mệt nhiều, bác sĩ trực khám ghi nhận bé tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch 100 lần/phút, huyết áp 130/80mmHg, không ghi nhận phản xạ vùng hầu họng, lé trong mắt phải, thở không co kéo, phổi không ran… Các bác sĩ nhi đồng đã hội chẩn chuyên khoa Thần kinh và Tai mũi họng, chụp CT não thì phát hiện khối choán chỗ vùng cầu não – hành não, chèn ép não thất… và lập tức bé được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau cùng, PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm lưu ý những điều cần nhớ khi tiếp cận trẻ khó thở:
- Cần xác định khó thở cấp hay mạn
- Xác định khó thở do nguyên nhân hô hấp, tim mạch hay chuyển hóa
- Hỏi bệnh sử và khám cẩn thận sẽ giúp định hướng nguyên nhân
- Xquang ngực là cần thiết trong mọi trường hợp khó thở.
Bài báo cáo “Tiếp cận bệnh nhi khó thở” PGS.TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm là một trong những nội dung thu hút nhiều bác sĩ quan tâm tại Hội nghị thường niên Liên chi hội Hô hấp TPHCM và đào tạo y khoa liên tục lần 14 diễn ra tại TPHCM trong 2 ngày 3-4/7/2020 với trọng tâm là cấp cứu hô hấp nhi, quy tụ nhiều tên tuổi trong ngành, đề cập đến những vấn đề thiết thực giúp các bác sĩ có thể chắc tay xử trí tình huống cấp cứu hô hấp trong thực tế.
Hồng Nhung
Nguồn: Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com