Hotline: +84 0777. 943. 888

Dinh dưỡng cho người bệnh viêm ruột

14/11/2024 15:32

Suy dinh dưỡng làm xấu đi tiên lượng, tăng tỷ lệ biến chứng, tái phát, tỷ lệ tử vong và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh viêm ruột. Theo đó, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với người bệnh viêm ruột, giúp hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả điều trị bệnh.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với người viêm ruột

Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease: IBD), được đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính chủ yếu là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Trong những năm gần đây, bệnh viêm ruột tăng ở khu vực châu Á. Nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan các yếu tố bao gồm chế độ ăn uống, hút thuốc, ô nhiễm; di truyền, và nhiễm vi khuẩn, …

A close-up of the human digestive system Description automatically generated

Người bệnh viêm ruột có nguy cơ suy dinh dưỡng, giảm cơ, thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng, loãng xương do giảm lượng ăn vào, kém hấp thu, mất máu và chất dinh dưỡng mạn tính. Ngoài ra, có thể do quá phát vi khuẩn đường ruột, tăng nhu cầu dinh dưỡng, …Suy dinh dưỡng làm xấu đi tiên lượng, tăng tỷ lệ biến chứng, tái phát, tỷ lệ tử vong và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân với IBD và bao gồm phòng ngừa, phát hiệnđiều trị suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, phòng ngừa loãng xương. Người bệnh cần được khám sàng lọc phát hiện sớm suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng để có hướng điều trị, bổ sung phù hợp, kịp đời.

Chế độ dinh dưỡng trong bệnh viêm ruột

Người bệnh viêm ruột cần để ý và duy trì những nguyên tắc dinh dưỡng. Đảm bảo đủ năng lượng, không để bị thiếu cân hay thừa cân, béo phì. Thông thường 30 – 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Chất đạm (protein) thông thường 1g/kg/ngày, tăng lên với viêm ruột cấp 1,2 – 1,5g/kg/ngày. Đảm bảo cung cấp đủ chất béo, hạn chế các chất béo xấu. Nếu có tình trạng kém hấp thu chất béo cần điều chỉnh chế độ ăn. Với chất bột đường (Glucid) không cần phải tuân thủ theo chế độ ăn kiêng cụ thể nào trong giai đoạn thuyên giảm của viêm ruột. Nếu có sự thiếu hút lactase thì chế độ ăn hạn chế lactose. Đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất như: Sắt, canxi, vitamin D, Vitamin B12, Acid folic,… Đủ nước và đủ chất xơ trong khẩu phẩn ăn. Trường hợp có hẹp ống tiêu hóa cần hạn chế xơ.

Bên cạnh đó, bữa ăn, cách chế biến và vận động cũng cần lưu tâm. Chia nhiều bữa 5-6 bữa/ngày. Có thể phối hợp thực phẩm bổ sung dinh dưỡng qua đường uống (ONS). Vận độngkhuyến khích rèn luyện sức bền và hoạt động thể chất thích hợp.

Thực phẩm dành cho người viêm ruột

Việc sử dụng các loại thực phẩm hợp lý cũng rất quan trọng. Người bệnh viêm ruột cần lưu ý để đảm bảo dinh dưỡng cũng như hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả.

a. Thực phẩm nên dùng

  •  Nhóm cung cấp chất bột đường: Gạo, khoai củ và các sản phẩm chế biến.
  • Nhóm cung cấp chất đạm: Ăn đa dạng các loại: Thịt, Cá, trứng, đậu phụ,..
  • Nhóm cung cấp chất béo ; bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật. Dầu thực vật: dầu oliu, dầu hướng dương, dầu cải…
  • Quả chín: ăn đa dạng các loại quả: chuối, hồng xiêm, cam, xoài
  • Rau xanh: ăn đa dạng các loại (đặc biệt rau lá): rau ngót, su su, bắp cải, mướp….
  • Tăng cường các thực phẩm:

+ Giàu vitamin D: dầu cá, lòng đỏ trứng,…và tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

+ Giàu vitamin B12: thịt nạc, hải sản, trứng, …

+ Giàu sắt: nhóm chứa sắt nhân hem dễ hấp thu nguồn gốc động vật như thịt, cá. Cùng với chế độ giàu vitamin C như rau xanh thẫm, quả chín,…giúp tăng cường hấp thu sắt.

+ Giàu canxi: sữa và các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phomat, sữa tươi, sữa bột,…., ốc, cua, ghẹ, cá, tôm,…

+ Giàu acid folic: rau xanh như cải bắp, súp lơ,…, quả như đu đủ, chuối, cam, quýt, và các loại hạt,…

b. Thực phẩm hạn chế dùng

Người bệnh viêm ruột nên hạn chế:

- Ăn đồ sống: cá sống, thực phẩm sống chưa nấu chín

- Các loại gia vị cay nóng, thức ăn chua cay.

- Các món phủ tạng động vật: tim, gan, lòng, óc…

- Nước ngọt có gas, phẩm màu,…

- Dầu mỡ chiên rán nhiều lần đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.

c. Thực phẩm không nên dùng

Người bệnh viêm ruột nên hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè mạn đặc, các đồ ăn đồ uống có chất kích thích,….

BS. Cấn Thị Thu Hằng

Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai