Lặng lẽ gồng mình giữa “chợ đời”
Giữa phố xá, những người phụ nữ âm thầm đẩy những xe rác nặng trĩu, chở theo những thùng phế liệu cồng kềnh hay ngồi co ro bên sạp hàng nhỏ với vài mớ rau, quả trứng, cân khoai tây, kiếm từng đồng lẻ trang trải cuộc sống. Họ phần lớn đã bước qua tuổi trung niên, sức khỏe dần hao mòn theo năm tháng, nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng trên vai.
Gồng gánh cả "thủ phủ" phế liệu
Những người phụ nữ thu mua phế liệu thường xuất hiện cùng chiếc xe máy, xe đạp chở cả "núi" hàng giấy báo, sắt thép,... cồng kềnh sau lưng. Những bao tải phế liệu nặng nề, chằng chịt dây thừng che khuất cả người ngồi phía trước, gây khó khăn trong quá trình di chuyển của họ. Theo như họ chia sẻ, mỗi chuyến hàng chỉ đủ quy đổi ra một bữa cơm đạm bạc.
Người phụ nữ nhỏ bé chở cả gánh nặng cồng kềnh trên chiếc xe chật vật giữa phố. Ảnh: Thúy Hiền.
Chị Nguyễn Hòa (Hoàng Cầu, Hà Nội) đã làm nghề thu gom phế liệu hơn 10 năm. Suốt 10 năm, chuỗi ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm đi nhặt phế liệu khắp các con hẻm, khu chợ, công trình để chiều đi cân ở vựa rồi đem bán đến tối muộn. Chị tâm sự: “Có hôm may mắn thì gom được nhiều, có hôm lại chẳng có gì. Công việc vất vả, thu nhập cũng không đủ để ăn một bữa tử tế nhưng tôi vẫn bám nghề vì không có lựa chọn nào khác”.
Chị Hòa đang sắp xếp lại hàng hóa trên chiếc xe cũ kỹ, chuẩn bị tiếp tục hành trình mưu sinh. Ảnh: Thúy Hiền.
Không chỉ những người thu gom phế liệu phải dậy từ sáng sớm, mà những công nhân vệ sinh môi trường cũng phải bắt đầu công việc của mình khi mọi người còn say ngủ. Đằng sau lớp áo bảo hộ màu xanh là những câu chuyện về nỗi vất vả và áp lực mưu sinh khó chia sẻ.
Những công nhân vệ sinh môi trường đang thu gom và phân loại rác. Ảnh: Khánh Chi.
Chị Vũ Thị Ngoan (Hoa Bằng, Cầu Giấy) là một công nhân vệ sinh môi trường với gần 20 năm gắn bó với nghề. Hàng ngày, chị làm việc theo các ca: ca ngày bắt đầu từ 5h sáng đến 14h chiều, ca đêm từ 14h đến 24h, có những ngày phải thu gom hết rác mới được nghỉ. Chị Ngoan kể: “Mỗi tuần chúng tôi chỉ được nghỉ một buổi, còn lại là làm xuyên suốt không kể cuối tuần và các ngày lễ. Công việc của chúng không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn cần sự kiên trì khi phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và khối lượng rác thải lớn mỗi ngày”.
Chị Ngoan đứng đứng nghỉ ngơi chốc lát sau ca làm việc vất vả. Ảnh: Khánh Chi.
Dù khối lượng công việc nặng nhọc nhưng chị Ngoan cho biết rằng, mức thu nhập của chị khá khiêm tốn: “Mỗi tháng tôi kiếm được 6 triệu đồng nhưng tiền thuê nhà đã hết 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, tôi còn rất nhiều khoản chi tiêu khác như ăn uống, sinh hoạt, lo cho con ăn học,... nên cuộc sống luôn rất chật vật”.
Chị Ngoan tâm sự thêm rằng còn 5 năm nữa chị sẽ về hưu. Để có thể trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho cuộc sống tương lai cho con cái, chị phải cố gắng treo bảo hiểm để hưởng chế độ khi về hưu.
Những người nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn ngày ngày âm thầm làm việc, vừa để giữ cho thành phố luôn sạch đẹp, vừa để gồng gánh mưu sinh nuôi sống cả gia đình sau lưng. Công việc của họ vất vả nặng nhọc nhưng những đóng góp, sự cống hiến của họ xứng đáng nhận được nhiều nhiều sự quan tâm, chia sẻ hơn từ xã hội.
Gánh nặng mưu sinh không chờ tuổi tác
Không chỉ những người phụ nữ trung niên vẫn còn phải vác trên vai gánh nặng kinh tế vì còn gia đình sau lưng mà những người tuổi “xế chiều” cũng bị ám ảnh bởi điều đó. Giữa khu chợ đông người qua lại, đặt một sạp hàng nhỏ gần phố Nghĩa Tân với vài quả chanh, củ khoai,... tự tay vun trồng, chăm sóc, bà Trâm (85 tuổi) đã mưu sinh tại Hà Nội suốt nhiều năm qua.
Bà Trâm chia sẻ: “Tôi sống một mình ở bờ sông gần cầu Thăng Long, ngày nào tôi cũng đạp xe sang Nghĩa Tân bán hàng”. Suốt những năm tháng tuổi già, bà vẫn gắng gượng lao động để tự nuôi sống bản thân.
Bà Trâm ngồi bên vệ đường cùng sạp hàng nhỏ với khoai tây và chanh. Ảnh: Thúy Hiền
Trước đây, bà Trâm từng bán rau, đậu đỗ nhưng hiện nay, vì sức yếu, bà không còn đèo được hàng nặng nên chỉ mang theo nếu có người đặt trước. Mỗi ngày, bà chỉ mong bán được hết để không phải mang hàng về nhưng phần lớn các ngày vẫn còn nhiều vì ít người mua. “Tôi bán chỉ đủ ăn qua ngày, có gì ăn nấy thôi”, bà Trâm trầm buồn.
Cuộc sống của bà Trâm không dư dả, không nơi nương tựa nhưng điều đáng buồn hơn là đôi khi “lòng tốt” của người khác lại khiến bà chạnh lòng: “Có lần, có người thương tình cho tôi túi bánh, tôi vui lắm, nhưng về mở ra mới thấy toàn đồ hết hạn mất rồi”. Dẫu vậy, bà vẫn tiếp tục bám chợ mỗi ngày, nương tựa vào sạp hàng nhỏ bé để tự lo cho bản thân.
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, có những người phụ nữ vẫn âm thầm lao động, gánh trên vai cả áp lực mưu sinh lẫn gánh nặng gia đình. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, nhưng họ vẫn tiếp tục bởi không còn lựa chọn nào khác. Những đóng góp thầm lặng này cần được nhìn nhận một cách công bằng hơn, không chỉ bằng sự thấu hiểu, mà bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực, để mỗi ngày mưu sinh của họ bớt đi phần nào nhọc nhằn.