Loại bỏ rào cản pháp lý, tạo đà cho sự phát triển của ngành nông nghiệp
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hai luật “gốc” này còn một số bất cập; trong đó quy định về “công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa” đang gây nhiều hệ lụy cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đang tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp và người dân. Quy định này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và công bố hợp quy, trong khi thực tế các nước khác không áp dụng yêu cầu này. Điều này khiến doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm chi phí và thời gian kiểm định, làm giảm cơ hội kinh doanh và tăng giá thành sản phẩm.
Quang cảnh Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng cho rằng việc công bố hợp quy đối với thuốc thú y xuất khẩu là không cần thiết. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu thuốc thú y sang hơn 40 quốc gia nhưng không nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy từ Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông tin: "Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã có nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong đó có việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế như trước đây. Đây là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ nông dân. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Gỡ điểm nghẽn thể chế để không lỡ thời cơ phát triển”. Thực hiện chỉ đạo này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để rà soát và tháo gỡ các rào cản về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là hai đạo luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi các luật này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và gia tăng giá trị thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.
Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Chính sách hợp lý không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Với quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan chức năng, hy vọng rằng những thay đổi trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.