Hotline: +84 0777. 943. 888

Tu viện Minh Đạo – Nơi thắp sáng ngọn lửa hi vọng cho trẻ em mồ côi, những mảnh đời khó khăn

02/11/2024 15:19

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một nơi thân thương, ngày nào cũng vang thanh âm trẻ nô đùa, tiếng người già cười vui và tiếng tụng kinh của các phật tử. Đó chính là Tu viện Minh Đạo ở thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), do thầy Thích Minh Đạo trụ trì.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một nơi thân thương, ngày nào cũng vang thanh âm trẻ nô đùa, tiếng người già cười vui và tiếng tụng kinh của các phật tử. Đó chính là Tu viện Minh Đạo ở thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), do thầy Thích Minh Đạo trụ trì.

Xung quanh thôn Phước Thành có rất nhiều Tu viện, nhưng nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong chúng tôi đó chính là Tu viện Minh Đạo. Mặc dù, cơ sở vật chất nhà chùa còn khá đơn sơ, thiếu thốn, nhưng không gian rộng rãi, thoáng đãng, cây cối um tùm, trẻ nhỏ chạy xung quanh, rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Các chú tiểu có kiểu tóc giống nhau, bộ đồ giống nhau đi quanh Tu viện. Trong một góc không gian, các cụ già đang ngồi nói chuyện, vui cười,… Tất cả được thu vào ánh mắt, những hình ảnh thật yên bình, sâu lắng!

z5603590917757_58439b2a56cd973107ef938a3d701123

Tu viện Minh Đạo tại thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Sau khi dạo một vòng quanh Tu viện, ngắm nhìn, hít hà không khí trong lành, bình yên này, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng đệ tử của thầy Minh Đạo, đó là thầy Thích Minh Định. Thầy Minh Định là đại đệ tử thế hệ thứ hai của thầy Minh Đạo, phát nguyện đi tu ngày mới 14 – 15 tuổi và theo thầy Minh Đạo đến tận bây giờ.

thayminhdinh

Thầy Thích Minh Định, đại đệ tử thế hệ thứ hai của thầy Thích Minh Đạo

Được biết, Tu viện Minh Đạo hình thành từ năm 2006, đây là một Tu viện chuyên tu thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một trong những địa điểm tu tập, giảng dạy Phật pháp nổi tiếng tại Việt Nam. Tu viện này được thành lập với mục đích giữ gìn và truyền bá giáo lý Phật giáo, cũng như cung cấp nơi an cư, tu tập cho các Phật tử, các vị tu sĩ trong và ngoài nước. Nơi đây còn là trung tâm hoạt động văn hóa tôn giáo, tổ chức các khóa học, buổi hành lễ, các hoạt động từ thiện nhằm hướng đến sự giúp đỡ và chia sẻ với cộng đồng.

Là địa chỉ nổi bật trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, Tu viện Minh Đạo không chỉ là nơi cư trú, mà còn là nơi trang bị cho các em những kiến thức về giáo dục và đạo đức, từ đó giúp các em có được một hành trang để bước vào tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn.

Mái ấm từ bi của Tu viện Thích Minh Đạo không chỉ cung cấp cho trẻ em mồ côi những điều cần thiết như chỗ ở, dinh dưỡng và y tế, mà còn chăm lo tận tình để các em có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Đồng thời, nơi đây còn truyền dạy cho các em những giá trị nhân văn, lòng biết ơn và sự chia sẻ với cộng đồng xung quanh.

z5565201644481_d08df20b2fbe60c4f0653df5ceb84d45

Thầy Minh Định giới thiệu những tấm ảnh ý nghĩa được lưu giữ tại không gian chung của Tu viện

Nhìn các em nhỏ ở Tu viện hồi lâu, thầy Thích Minh Định tâm sự: “Trong ngôi chùa này có nhiều trường hợp. Đầu tiên là một số em nhỏ tới chùa với ý định xuất gia, tu tập, học hỏi những điều hay từ nhà Phật. Thứ hai, là những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Cha mẹ ly hôn, không nuôi được con, hoặc giao con cho bà ngoại rồi bà xin gửi vào chùa nhờ thầy nuôi. Hầu hết, các trường hợp này nếu còn ba mẹ thì có giấy tờ. Trường hợp thứ ba là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi; Có những em bị bỏ trước cổng chùa, hoặc bị bỏ lại ở Bệnh viện Bà Rịa, thầy đều mang về nuôi nấng, chăm sóc. Đến nay, ở chùa vẫn còn 5 em bị bỏ rơi, không biết bố mẹ, được thầy nuôi nấng từ bé, giờ đã lớn khoảng 10 – 11 tuổi”.

z5565201670975_bb541e86e2ef915036b2acce9877cc57

Đây là hình ảnh mà nhà chùa lưu giữ lại của 5 em nhỏ bị bỏ rơi, không biết bố mẹ là ai, không nơi nương tựa

z5565201622079_5ca7e4d9a0e46bc80d8b0c18ff22c387

Còn đây là hình ảnh 3 trong số 5 em nhỏ ở hình trên đã lớn khoảng 10 – 11 tuổi

Hiện tại, Tu viện Minh Đạo có khoảng hơn 50 người, trong đó, nuôi dưỡng khoảng gần 30 em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, với độ tuổi từ 5 đến 30 tuổi. Bên cạnh đó, còn có thêm một số người lớn tuổi được chùa cưu mang và vài người làm công quả. Hầu hết, các em nhỏ đều được nhà chùa cho ăn học đầy đủ như bao đứa trẻ khác ngoài xã hội. Ngoài thời gian đi học chữ ở các trường tại địa phương, các em trở về chùa sẽ được thầy Minh Đạo dạy thêm chữ, dạy đọc kinh, ngồi thiền, truyền thụ giáo lý nhà Phật, và được sinh hoạt vui chơi, đàn ca, tập vẽ, thể dục thể thao…

“Các em nhỏ đến tuổi đều được đi học, nếu quá tuổi đi học được nhà chùa tạo điều kiện cho đi học bổ túc ở trên thị xã. Nhà chùa nuôi các em đến khi học xong và đi làm. Cũng có em đã lập gia đình và ra khỏi chùa. Một số em khác sau khi đi làm được 1 năm lại về giúp đỡ chùa. Các nguồn kinh phí để chùa lo cho cuộc sống và học tập của các em nhỏ đa phần từ người dân phát tâm giúp đỡ. Không gian ở chùa cũng khá rộng, các em nhỏ ở chung 1 gian, các em trên 12 tuổi đều có phòng (khoảng 2-3 em 1 phòng)”, thầy Minh Định cho hay.

Tâm sự thêm về bản thân, thầy Minh Định nhớ lại: “Bản thân thầy cũng phát tâm đi tu. Lúc mới đi tu, thầy biết đến một cô phật tử, chính cô là người đã gắn kết sợi dây giúp thầy biết đến thầy Minh Đạo”. Thầy cười hiền từ nhớ lại khoảng thời gian lúc nhỏ đã thôi thúc thầy quyết tâm theo giáo lý nhà Phật: “Khi đến chùa, lúc đó thầy còn nhỏ nên cũng không biết nhiều về Phật giáo. Mỗi chủ nhật hàng tuần, ở quê thầy có truyền thống tới chùa để sinh hoạt gia đình Phật tử. Vào những ngày rằm tháng 7 và rằm tháng tư, thầy hay tới chùa ăn cơm chay, bản thân cảm thấy rất ngon và nhận thấy rằng cơm chùa ngon hơn cơm ở nhà. Lúc đó, thầy chỉ nghĩ rằng, muốn hạnh phúc thì vô chùa ở, để ngày nào cũng được ăn cơm chay. Tuy nhiên, qua một thời gian ở chùa, thầy thích cuộc sống nơi đây. May mắn thay, sau đó thầy được đi học các lớp Phật học, trường Cao đẳng Phật học, các học viện, từ đó trưởng thành hơn và hiểu sâu sắc về giáo lý nhà Phật. Thậm chí thầy còn đi nước ngoài du học 4 năm”.

z5565201676522_74c26414c3cc3e6466eb98162b90b51f

Khu sinh hoạt chung tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng chất chứa biết bao tình cảm của thầy Minh Đạo dành cho mỗi người

Trò chuyện hồi lâu, thầy Minh Định dẫn chúng tôi tham quan khu sinh hoạt chung, nơi đây chất chứa biết bao kỉ niệm của thầy Thích Minh Đạo và các em nhỏ, cùng người già nương tựa tại chùa. Thầy Minh Đạo muốn lưu giữ lại những kỉ niệm đẹp nên chụp rất nhiều ảnh và treo cẩn thận, sắp xếp gọn gàng. Phải trực tiếp được ngắm nhìn “kho tàng ảnh” này, chúng tôi mới có thể hiểu được tấm lòng từ bi, yêu thương, nhân ái của thầy Minh Đạo dành cho những em nhỏ và người già nơi đây.

z5565201600619_9700ec1e1d876505d49ecdea5d9bf744
z5565201655074_85184d9215790131d369296a7791ecda
z5565201652797_931c9397471c9598804447071895124e

Có những bức ảnh đã hoen cũ, nhưng nó chất chứa biết bao kỉ niệm giữa thầy Minh Đạo và học trò

Có những tấm hình thầy chụp các em nhỏ không nơi nương tựa, ngồi xếp hàng ngay ngắn, gương mặt ngây thơ, trong sáng; Còn cả những bức hình thầy lưu giữ lại từng khoảnh khắc ở bên cạnh chung vui với các em nhỏ nhân ngày sinh nhật, ngày nhập học hay đơn giản là tấm hình chân dung của các em; Các hoạt động chung của nhà chùa cũng đều được thầy lưu lại và treo cẩn thận;…

z5565201635508_f7d42d7d9713cf67c2811e014275a165
hoatdong

Mọi hoạt động của nhà chùa cũng được thầy lưu giữ cẩn thận, sống động trên từng bức ảnh

Từng lớp trẻ em, người già vào chùa đều được thầy Minh Đạo lưu giữ lại qua các tấm ảnh, các em có thể lớn lên từng ngày, nhưng những kỉ niệm đẹp gắn bó với chùa không thể nào phai nhạt, nó như thước phim tua chậm quá trình trưởng thành của các em tại nơi đây.

z5565201673799_c70580d71cd9fb55c1089678b13571cf

Hình ảnh mọi người cùng ngồi lại ăn cơm, hàn huyên, cười nói vui vẻ trong nơi sinh hoạt chung khiến lòng mỗi người đều thổn thức nhớ về gia đình mình

Ngắm nhìn những bức hình hồi lâu, chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh vài người già đang ngồi ăn cơm chiều tại đây. Ai ai cũng vui vẻ và được chăm sóc rất tốt. Một mùi thơm tỏa ra từ căn bếp, nó khiến bụng của chúng tôi “đánh trống”, có một bác cười rất tươi hỏi chúng tôi: “Các cháu có đói không, có bánh, sữa, nước,… đồ ăn đều ở đây, các cháu đừng ngại, cứ tự nhiên lấy ăn nhé”. Chúng tôi nhìn quanh, thấy một xe đầy rau, củ, quả; Bếp tỏa khói nghi ngút; Một thùng đựng đầy nước, sữa; Bánh ngọt;… Mọi người đều nhìn nhau trìu mến, ấm áp vô cùng.

1
2
3
4

Thầy Minh Đạo lưu giữ lại từng khoảnh khắc, dù là nhỏ nhất với các em nhỏ và người già nơi đây

Quay lại gian chính của Tu viện, nhiều người dân cũng đến đây chiêm bái và tặng quà cho các em nhỏ. Thầy Minh Định gọi các chú tiểu tập trung một chỗ, dù vẫn mải chơi, mải nghịch, nhưng các em rất ngoan, lễ phép và nghe lời. Đứng tụ tập một chỗ mà nhấp nhô, người cao, người thấp, đáng yêu vô cùng.

z5565201628333_15bb3f11f914624ae99036167b2c9b1c

Các em nhỏ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Tu viện

Trời sẩm tối, đổ cơn mưa lớn, cũng là lúc chúng tôi nói lời chia tay với mọi người sinh sống trong ngôi nhà Tu viện Minh Đạo này. Rất tiếc, chúng tôi không có cơ hội được gặp thầy Minh Đạo, nhưng qua lời kể của thầy Minh Định và chứng kiến những hình ảnh tại đây, chúng tôi cũng thấu hiểu phần nào tấm lòng từ bi của thầy.

Có lẽ, chặng đường phía trước của thầy trụ trì Tu viện Minh Đạo còn có khá nhiều gian nan, bởi việc nuôi nấng, dạy dỗ trẻ nhỏ có bao giờ là dễ dàng. Nhưng chúng tôi đều tin rằng, bằng chính tình thương, lòng nhân đạo, thương người như thể thương thân của thầy, thì dù sẽ còn có nhiều gian khổ, trông gai, thầy và các trò đều sẽ cùng nhau vượt qua, xây dựng một ngôi nhà vững chắc, ngập tràn hạnh phúc yêu thương.

Cũng hy vọng rằng, với sự chăm sóc tận tình của thầy, cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ từ các nhà hảo tâm sẽ giúp các em nhỏ nơi đây được học tập, lớn lên như bao bạn nhỏ cùng trang lứa khác. Sau cánh cửa chùa, chất chứa biết bao hoài bão, ước mơ của mỗi em nhỏ. Mong rằng, các em sẽ có cuộc sống bình yên, một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn, để mai sau khi trưởng thành, các em có thể làm những việc có ích cho đời, đóng góp một phần công sức của mình cho xã hội, cho đất nước.

 Thu Trang – Nguyễn Trang

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888