Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung
Ngày 27/3 tại Hà Nội Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”.
Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.
Trên tinh thần đối thoại đa chiều, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo đã chia sẻ về lợi ích của việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung và các vấn đề cần tháo gỡ trước khi triển khai thí điểm sàn giao dịch trên các góc độ pháp lý - tài chính - công nghệ.
Các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”
Ở góc độ nhà đầu tư và doanh nghiệp, các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất là Thuế, Bảo vệ người dùng, Cấp phép sàn giao dịch và tuân thủ pháp lý. Các mối quan tâm này cũng phù hợp với khung đánh giá của Hội đồng Đại Tây dương và cam kết tuân thủ quy định Phòng chống rửa tiền nhằm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an đánh giá hội thảo là cơ hội để lực lượng công an cập nhật thông tin và tìm kiếm sự đồng thuận với cộng đồng Blockchain, cùng xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam.
Theo Thượng tá Hùng, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng.
Đại diện Bộ Công an đề xuất, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh việc cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá; Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; Quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường. 3 vấn đề này cần được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.
Chia sẻ về dự thảo quy định thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung đang rất được quan tâm trong thời điểm này, ông Tô Trần Hoà - Phó Trưởng ban Phát triển Thị trường Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo được xây dựng dựa trên các nghiên cứu từ các thị trường tài sản mã hoá được đánh giá là tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật, UAE, Thái Lan và tuân thủ hệ thống các quy định chung của quốc tế về tài chính, công nghệ. “Đặc biệt, các sàn giao dịch cần tự đánh giá, lựa chọn các tài sản có giá trị, có tính thanh khoản cao để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư," ông Hoà cho biết.
Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
Theo các chuyên gia, việc thí điểm sàn giao dịch tài sản số của Việt Nam phù hợp với xu hướng toàn cầu. Đây là động lực lớn để thúc đẩy sự phát triển của ngành blockchain và kinh tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với các đơn vị vận hành sàn giao dịch, các quy định pháp lý chặt chẽ có thể đặt ra áp lực chi phí lớn đối với các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực tài chính vì chi phí tuân thủ là vấn đề lớn, cần quan tâm khi vận hành sàn giao dịch chứ không chỉ là vốn điều lệ hay phí cấp phép.