Một số hiểu biết về vi môi trường u trong ung thư
Ung thư là kết quả của sự phát triển quá mức từ một quần thể tế bào với các đặc trưng chính là tăng sinh không giới hạn, ức chế các tín hiệu kìm hãm phát triển, cản trở sự chết tế bào theo chương trình, thúc đẩy sự xâm nhập và di căn, tạo mạch, phá hủy hệ thống miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã củng cố thêm nhận thức rằng quá trình phát triển của ung thư là kết quả của quá trình liên quan đến không chỉ bản thân tế bào u mà còn cả các tế bào không u, những tế bào này tạo ra vi môi trường khối u. Như
Ung thư là kết quả của sự phát triển quá mức từ một quần thể tế bào với các đặc trưng chính là tăng sinh không giới hạn, ức chế các tín hiệu kìm hãm phát triển, cản trở sự chết tế bào theo chương trình, thúc đẩy sự xâm nhập và di căn, tạo mạch, phá hủy hệ thống miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã củng cố thêm nhận thức rằng quá trình phát triển của ung thư là kết quả của quá trình liên quan đến không chỉ bản thân tế bào u mà còn cả các tế bào không u, những tế bào này tạo ra vi môi trường khối u. Như vậy, vi môi trường u có thể được hiểu là một hệ sinh thái phức tạp và năng động bao gồm các tế bào ung thư, tế bào miễn dịch, tế bào mạch máu và các thành phần ngoại bào.
Vi môi trường u ngày càng được chứng minh có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các khối u ác tính: vi môi trường u ở trạng thái khỏe mạnh, sẽ giúp cơ thể chống lại khối u; ngược lại, nếu vi môi trường u bất thường, sẽ thúc đẩy giúp u phát triển nhanh đồng thời cũng tác động thúc đẩy tế bào u phát triển, xâm nhập và di căn. Các tương tác trong vi môi trường u đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển, tiến triển, xâm lấn và đáp ứng với điều trị của khối u.
Các thành phần chính trong vi môi trường u
Các tế bào trong vi môi trường u đã được nghiên cứu chứng minh bao gồm các chất hòa tan trong dịch gian bào, nguyên bào xơ cơ, tế bào thần kinh nội tiết, tế bào mỡ, tế bào miễn dịch, mạng lưới mạch máu và mạch bạch huyết, các thành phần này phát triển song hành cùng khối u.
- Nguyên bào sợi liên hợp ung thư: Tế bào u sản sinh ra các tác nhân kích hoạt nguyên bào sợi liên hợp ung thư (carcinoma-associated fibroblasts-CAF), phân bố rất đa dạng trong mô đệm u; có khả năng kích thích sự phát triển và xâm lấn của tế bào u cũng như phản ứng viêm và sự tân tạo mạch máu, góp phần điều chế miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển và xâm lấn của khối u. Ngược lại trong một số hệ thống chúng có thể là yếu tố ức chế u.
- Các tế bào nội mô: cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và xâm lấn của ung thư. Người ta còn nhận thấy có một mối liên kết tác động qua lại giữa tế bào nội mô – ung thư biểu mô – các tín hiệu tiền thân dòng tủy tạo ra một cơ chế của sự kháng lại hóa trị và di căn.
- Mô mỡ liên hợp ung thư (cancer-associated adipose): là một trong các thành phần quan trọng bao quanh các tế bào ung thư đặc biệt là ung thư vú; có thể là thành phần mấu chốt trong quá trình phát triển và bệnh học sinh ung thư.
- Chất nền ngoại bào cung cấp một môi trường nghèo oxy, có tính acid, và giúp tế bào u né tránh sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch.
- Các tế bào miễn dịch trong u: lympho T (TILs) là loại tế bào chiếm tỷ lệ cao nhất trong vi môi trường u, chiếm đến 75% TILs
+ Tế bào lympho T CD8: biệt hóa từ tế bào lympho T độc sau khi tiếp xúc với kháng nguyên, loại này giữ vai trò then chốt trong phản ứng đáp ứng của hệ miễn dịch chống lại thể ngoại lai và tế bào u.
+ Tế bào lympho T CD4: có thể biệt hóa đa dạng thành các phân nhóm khác nhau theo hoạt động, có chức năng điều khiển hoạt động và sự biệt hóa của hệ miễn dịch thông qua việc điều khiển của các tế bào B, T CD8 và đại thực bào.
+ Các tế bào diệt tự nhiên: Tế bào NK là tế bào miễn dịch bẩm sinh có thể nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư mà không cần mẫn cảm trước.
+ Các tế bào B: Vai trò của tế bào B trong ung thư rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy tế bào B có thể góp phần vào khả năng miễn dịch chống khối u, thì những nghiên cứu khác lại cho thấy vai trò tiềm ẩn gây ra khối u.
+ Các tế bào miễn dịch khác: Các đại thực bào trong vi môi trường u có tác dụng gây viêm, có thể góp phần tạo ra phản ứng chống khối u, và cũng có thể gây ra sự thúc đẩy sự phát triển và xâm lấn của khối u. Các tế bào tua gai (Dendritic cell); Cytokine gây viêm với nhiều loại khác nhau, như yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-α), interleukin-6 (IL-6) và interleukin-1 (IL-1), có thể kích thích sự tăng sinh tế bào, sự sống sót và hình thành mạch, góp phần phát triển khối u.
- Biến đổi DNA: Tình trạng viêm mãn tính có thể gây tổn thương DNA trong tế bào các cơ quan, dẫn đến tích tụ các đột biến gen. Tình trạng viêm dai dẳng góp phần tạo ra một môi trường vi mô thuận lợi cho sự tồn tại và mở rộng của các tế bào có đột biến gây ung thư.
Hình ảnh: Vi môi trường u trong ung thư
Hiểu được sự phức tạp của vi môi trường khối u trong ung thư là điều cần thiết để phát triển các liệu pháp nhắm mục tiêu có thể phá vỡ các điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển của khối u và nâng cao hiệu quả của các phương thức điều trị hiện có.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với trang thiết bị máy móc hiện đại, các kĩ thuật tiên tiến, cùng đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt đối với các bệnh nhân ung thư, là địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân đến thăm khám, theo dõi và điều trị.
ThS.BS Lê Thị Thanh Xuân – Khoa Giải phẫu bệnh – Bệnh viện TWQĐ 108