Những cách sơ cứu bỏng rất sai lầm, dễ gây nhiễm khuẩn vết thương
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động. Bỏng không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em.
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động. Bỏng không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em.
Việc xử trí đúng cách ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, làm diễn biến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng. Tuy nhiên rất nhiều người lại có cách xử trí như bôi xà phòng, bôi kem đánh răng, đắp thuốc, dội nước đá lên vết bỏng. Đây là những cách sơ cứu rất sai lầm, dễ gây nhiễm khuẩn vết thương.
Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhập một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi nhập viện do trước đó tại gia đình vô tình bị bỏng dầu nóng. Gia đình đã cho trẻ ngâm vào thùng nước chuyển cả cả thùng nước và trẻ đến viện.Theo bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện cho biết: Ngày hôm trẻ nhập viện nhiệt độ khoảng 22 độ C. Việc ngâm trẻ như vậy khiến trẻ bị hạ thân nhiệt đột ngột, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã phải tiến hành ủ ấm giúp bảo vệ thân nhiệt của trẻ sau đó mới tiến hành xử trí vết bỏng cho trẻ. Trẻ bị bỏng độ I, II vùng cằm, ngực, bụng, 2 cánh tay diện tích 11%.
Rửa vết bỏng dưới vòi nước chảy để hạ nhiệt
Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo người dân: Nếu bị bỏng, không được sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn. Không bôi bất cứ loại thuốc gì lên vết bỏng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh tình trạng nhiễm trùng. Cách tốt nhất là rửa vết bỏng dưới vòi nước chảy để hạ nhiệt, che phủ tạm thời bằng khăn sạch và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
Mạnh Hà