Phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản hẹp
Trung tâm Tiết niệu – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp bệnh khó, bệnh nhân nữ 60 tuổi được chẩn đoán thận trái ứ nước độ III do hẹp niệu quản trái (tiền sử mổ mở tạo hình niệu quản cách đây 10 năm). Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản, thực hiện bởi ekip phẫu thuật viên. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện với tình trạng ổn định.
Trung tâm Tiết niệu – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp bệnh khó, bệnh nhân nữ 60 tuổi được chẩn đoán thận trái ứ nước độ III do hẹp niệu quản trái (tiền sử mổ mở tạo hình niệu quản cách đây 10 năm). Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản, thực hiện bởi ekip phẫu thuật viên. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện với tình trạng ổn định.
Hẹp niệu quản là tắc nghẽn ở một hoặc cả hai ống niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Đặc điểm cấu trúc giải phẫu của niệu quản có ba vị trí hẹp sinh lý: chỗ nối bể thận với niệu quản, đoạn niệu quản bắt chéo động mạch chậu và đoạn niệu quản đổ vào bàng quang, cuối cùng là vị trí lỗ niệu quản.
Nguyên nhân hẹp niệu quản có thể do bẩm sinh, do sỏi niệu quản, do nhiễm khuẩn niệu, do chấn thương hoặc do tác động can thiệp ngoại khoa…
Triệu chứng của bệnh như: xuất hiện cơn đau quặn thắt ở vùng thắt lưng, nhiễm khuẩn niệu tái đi tái lại, buồn tiểu nhưng tiểu ít tiểu khó, hoặc có máu trong nước tiểu. Nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, suy thận…
Theo bệnh nhân Trần Thị L. 60 tuổi, chị bị hẹp bít kín niệu quản do di chứng của mổ mở tạo hình niệu quản cách đây 10 năm. Thời gian gần đây, bệnh nhân gặp phải tình trạng đau tức hông lưng bên trái nhiều, bệnh nhân đến bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ để khám. Sau khi chụp phim CT scan, nội soi niệu quản trái kiểm tra, Bác Sĩ xác định bệnh nhân bị hẹp bít niệu quản trái đoạn 1/3 giữa gây thận trái ứ nước độ III và chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản.
Hình Chụp CT scan hẹp niệu quản trái đoạn 1/3 giữa, thận trái ứ nước độ III
Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa bao gồm Tiết niệu, Ngoại Tổng hợp để thống nhất phương pháp điều trị là phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản. Ekip thực hiện ca phẫu thuật bao gồm: BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, THS. BS. Mai Văn Đợi, BSCKII Trần Huỳnh Tuấn, BSNT Nguyễn Đại Nghĩa, THS. BS Dương Văn Huynh, BSNT. Nguyễn Hải Anh. Ca mổ kéo 4 giờ, các bác sĩ tách đoạn niệu quản dính chặt vào cơ thắt lưng và đại tràng trái, sau đó cắt đoạn niệu quản hẹp khoảng 1.5cm và đặt thông JJ nối tạo hình niệu quản. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công khôi phục chức năng và giảm tình trạng ứ nước của thận trái sau khi tái khám.
Hình niệu quản sau khi cắt đoạn hẹp và nối tạo hình
Sau phẫu thuật 2 ngày bệnh nhân có thể tự sinh hoạt cá nhân, đi lại bình thường, và được xuất viện sau 5 ngày.
Hình hậu phẫu bệnh chỉ 4 trocar nhỏ, vết mổ khô
Hình ảnh kết quả tái khám phục hồi chức năng thận, giảm ứ nước
Theo BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Trung tâm Tiết niệu: “Đây là ca phẫu thuật khó do có tiền sử trước đây mổ mở cắt nối tạo hình niệu quản, khó tiếp cận đoạn hẹp. Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng tạo hình niệu quản giúp người bệnh giảm cảm giác đau, rút ngắn thời gian nằm viện. Người bệnh khi có các triệu chứng đau tức vùng hông lưng, tiểu gắt buốt, tiểu máu… nên đến bệnh viện khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu thăm khám, điều trị tránh biến chứng nặng về sau”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Văn Hậu, Đỗ Trường Thành và cộng sự (2020). Kết quả phẫu thuật nội soi sau phúc mạc tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới. Tạp chí Y Học Việt Nam, 491(2): 1-5.
2. Wein A.J., Kavoussi L.R., Partin A.W. et al (2015), Campbell-Walsh Urology, eleventh edition, Elsevier Health Sciences, Philadelphia.
3. Salonia A., Maccagnano C., Lesma A. et al (2006). Diagnosis and Treatment of the Circumcaval Ureter. European Urology Supplements, 5(5), 449-462
Theo Trung tâm tiết niệu – Bệnh viện trường ĐH Y dược Cần Thơ