Từ năm 2025, người hút và mua bán thuốc lá điện tử có bị xử lý hình sự hay không?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Như vậy, bắt đầu từ năm 2025, thuốc lá mới này được liệt vào danh sách vào hàng cấm. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành. Hiện nay, việc xử phạt tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hay nghị định 98/2020 cũng có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thuốc lá. Với người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ
Đối với người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét có còn khoảng trống pháp lý nào không, từ đó có đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chế tài cho phù hợp, đồng bộ, nhất quán. Ngoài ra, cơ quan này lên các kế hoạch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá mới.
Việc cấm thuốc lá mới đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế, đơn vị, người dân đề xuất và mong chờ được thông qua nhiều năm nay.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết "hết sức vui mừng" khi biết Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nóng nung nóng. "Đây là một nghị quyết vì sức khỏe và tương lai của lớp trẻ. Chúng tôi nồng nhiệt hoan nghênh quyết định rất sáng suốt này"- chuyên gia WHO nói.
WHO nhấn mạnh các sản phẩm nicotin và thuốc lá mới có hại cho sức khỏe. Chúng chứa các hóa chất độc hại đã được chứng minh là gây ung thư, bệnh tim và phổi. Trong ngắn hạn, những sản phẩm trên cũng có thể gây tổn thương phổi rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Hiện có khoảng 40 quốc gia, bao gồm 5 nước trong ASEAN là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia cấm sử dụng thuốc lá điện tử.