Y đức, nên hiểu thế nào?
Hiện nay, đạo đức xã hội nói chung và đạo đức y tế, y đức, đang có “vấn đề”. Người thầy thuốc thường được học nhiều, xã hội trọng vọng, cho nên những bức xúc khi thầy thuốc vi phạm y đức, y đạo thường rất gay gắt.
Ngành y cực kỳ “nhạy cảm”
Y tế là một lãnh vực nhạy cảm vì 2 lẽ: (1) một là đối tượng y tế phục vụ là sức khỏe, tính mạng của con người và (2) hai là bệnh nhân là những người “khác thường”, theo phân tích ngôn từ tiếng Anh, bệnh là các từ ghép: dis-ease, dis-order, ab-normality, đều có hàm nghĩa là “khó ở”, “khác thường”.
Do đó, người dân rất dễ “bươi” ra thiếu sót, không hài lòng và chê bai nhân viên y tế mọi lúc mọi nơi: khám bệnh nhanh bị chê là khám ẩu, khám hơi chậm lại chê khám như rùa bò, kê toa dặn dò kỹ càng cũng bị chê “biết rồi khổ quá nói mãi”; nhưng khi có sự cố lại nói ngược “tôi là dân thường, đâu biết đàng” !!!……
Thầy thuốc là người trực tiếp “giải quyết” với người bệnh và thân nhân họ. Do đó, những chính sách bất cập của những người đầu ngành y tế người dân cũng “đổ lên đầu” luôn: quá tải, thiếu phương tiện, thuốc men, tài chánh….
Bản thân người thầy thuốc cũng chỉ là con người, con và người, nên cũng đầy đủ “hỷ, nộ, ái, ố” và đã có làm việc thì ít nhiều cũng có thể bị sai sót, khuyết điểm này nọ.
Y đức nên hiểu thế nào?
Hai điều kiện bắt buộc phải có của thầy thuốc đó là “chuyên” và “hồng”, tức chuyên môn và đạo đức.
* Đầu tiên phải có tay nghề tốt
Muốn chữa bệnh kịp thời, “chữa bệnh như chữa cháy”, thầy thuốc phải sớm chẩn đoán ra bệnh, hiểu rõ được căn bệnh, thông thạo các loại thuốc men và thủ thuật cần thiết….; nôm na là thầy thuốc phải có “học”, có trình độ chuyên môn cao.
Một số người, thậm chí là bậc lão niên trong ngành có quan niệm không đúng rằng: “Nếu như sai sót của thầy thuốc do yếu kém chuyên môn, không phát hiện được bệnh còn có thể châm chước, nhưng sai sót về tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”. Đa số thầy thuốc trẻ hiện nay không đồng ý với quan điểm này.
Hơn nữa, người thầy thuốc không đơn thuần hành nghề y để kiếm sống, mà còn để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là trị bệnh cứu người. Những sai sót của thầy thuốc, chủ quan hay khách quan đều có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người…
Cho nên để chữa trị được bệnh, thầy thuốc bắt buộc phải có “kiến thức”: không biết, không thành thạo không được làm; không ai có thể chấp nhận việc “có nhiệt tình, dám nghĩ dám làm” như trong những công việc khác.
* Đạo đức cực kỳ quan trọng
Cũng như mọi công dân trong xã hội, người thầy thuốc cũng phải có đạo đức, họ cũng phải học “công dân giáo dục”, “đạo đức học”…nghĩa là học “làm người”. Con người là sản phẩm của xã hội, thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình, thiếu một nền tảng văn hóa, ứng xử từ xã hội, tất nhiên các thành viên xã hội, kể cả người thầy thuốc không thể hành xử “đúng mực” như cộng đồng mong đợi.
Ngoài ra, người thầy thuốc còn có một tiêu chuẩn đạo đức ngành nghề đặc biệt đó là Y đức, nghĩa là ngành y có những “quy chuẩn” đạo đức riêng biệt, người thầy thuốc phải chấp hành: “bệnh viện không có giờ nghỉ”, “cha chết, nhà cháy cũng không bỏ trực”, “làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng, y khoa đúng ăn cơm chạy”….
Hai điều tâm sự
* Với những người trong ngành
Theo tôi, muốn là thầy thuốc tốt, chúng ta phải có đủ hai thành tố: có kiến thức tốt, được đào tạo chuyên môn bài bản và phải học môn “công dân giáo dục”, “nghĩa vụ luận”… để có lương tâm trong sang.
Y tế là một nghề, và làm thầy thuốc phải chấp nhận theo “nghiệp” y với những buồn, vui, lo toan và trách nhiệm. Chỉ cần thực hiện đúng, đầy đủ các lời thề y khoa chúng ta trịnh trọng đọc khi tốt nghiệp ra trường chắc chắn chúng ta sẽ được sự quý trọng của cộng đồng xã hội.
Y đức cao quí, nhưng không quá cao xa. Khi chúng ta bỏ thói hô hào, phát động, thi đua “dỏm” và bắt tay thật sự từ cái gốc là bản thân, gia đình và xã hội, thì chắc chắn đạo đức xã hội nói chung và y đức nói riêng sẽ được phục hồi và phát huy.
* Với cộng đồng xã hội
Thầy thuốc chúng tôi cũng là những con người bằng xương bằng thịt, nên cũng đầy đủ “hỷ, nộ, ái, ố” và hiện chúng tôi đang phải làm việc trong điều kiện chưa đủ chuẩn: tài chánh, ngân sách thiếu, bệnh viện chưa đủ giường, thuốc men, y cụ còn hạn chế .v.v…nên thiếu sót, khuyết điểm, sự hài lòng, đồng thuận không hoặc chưa cao.
Mong sao cộng đồng xã hội có cái nhìn công bằng hợp lý với nghề “nhạy cảm” của chúng tôi….
Xin gởi theo đây một câu chuyện “thường ngày” của ngành y tế….
ĐỪNG XÉT ĐOÁN VỘI
Vừa nhận được điện thoại, vị bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông nhanh nhẹn khoác trang phục phẫu thuật và vào phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa được phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng.
Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha gay gắt phán: “Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao? Ông có trách nhiệm nghề nghiệp không đấy?”.
Bác sĩ điềm tĩnh trả lời : “Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng, biết tôi thành thạo phẫu thuật bệnh này, nên bệnh viện mời tôi đến; vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây. Lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.
Người cha giận dữ : “Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”
Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời : “Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh: ‘Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa’. Những bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.
“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng”. Người cha tiếp tục phàn nàn.
Cửa phòng phẫu thuật đóng lại. Vị bác sĩ rời phòng mổ sau gần ba tiếng liền trong đó, vẻ mặt ông giãn ra trong niềm hạnh phúc : “Cảm tạ Chúa, con trai ông đã được cứu sống. Nếu muốn biết thêm chi tiết, ông hãy hỏi thêm cô ý tá trợ giúp tôi”.
Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ nhanh chóng rời khỏi bệnh viện. Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay:
“Cha bác sĩ này thuộc loại người gì mà lại cao ngạo đến thế chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết cuộc mổ và hiện trạng con trai tôi ra sao”.
Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt, trong xúc động, cô chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu bé. Thế nhưng vừa nhận được điện báo của bệnh viện, bác ấy bỏ ngang công việc của mình để tới ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.
Đừng kết án ai. Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua. (Nguồn Dantri.com.vn)
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam