Y đức và vấn đề giáo dục y đức trong ngành y theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn về đạo đức nhiều nhất, trong đó đạo đức về ngành y được Bác đề cập nhiều thứ hai sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung. Người luôn dành những tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên ngành y tế khi tặng họ danh hiệu cao quý nhất và đẹp đẽ nhất: “Lương y như từ mẫu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn về đạo đức nhiều nhất, trong đó đạo đức về ngành y được Bác đề cập nhiều thứ hai sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung. Người luôn dành những tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên ngành y tế khi tặng họ danh hiệu cao quý nhất và đẹp đẽ nhất: “Lương y như từ mẫu”.
Đây cũng chính là yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho ngành y trong phương châm hành động và cung cách phục vụ nhân dân.
Trong lịch sử y học Việt Nam nói riêng và y học phương Đông nói chung cho thấy, các bậc danh y nổi tiếng đều khẳng định vị trí, tầm quan trọng của y đức không kém gì y thuật. Danh y, cây đại thụ y học, nhà tư tưởng lớn về y đức của Việt Nam thế kỷ XVIII, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về y đức. Trong suốt cuộc đời hành nghề y dược của mình, ông luôn tự nhắc nhở bản thân phải thường xuyên “tiến đức, tu nghiệp”, tức là phải rèn luyện bản thân cho toàn thiện, toàn mỹ đạo đức của người hành nghề y; phải chăm chỉ học tập cho y thuật ngày càng giỏi. Với ông, đạo làm thuốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi chuyên môn nghề nghiệp, mà còn bao hàm cả đạo đức nghề nghiệp, y thuật phải gắn liền với y đức. Theo Hải Thượng Lãn Ông, một người thầy thuốc chân chính không những phải có kiến thức vững chắc về chuyên môn, mà còn phải tự xác định cho mình những quy chuẩn đạo đức đúng đắn, đó là ý nghĩa đích thực của đạo làm thuốc và cũng là bí quyết để xây dựng và phát triển nghề y. Một người thầy thuốc chân chính phải là người có kiến thức đầy đủ, đức hạnh trọn vẹn, tâm hồn rộng lớn và hành vi thận trọng: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng” (1).
Từ quan niệm nêu trên, có thể nhận thấy, bổn phận của người thầy thuốc theo Hải Thượng Lãn Ông không dừng lại ở một đạo đức thông thường, mà bổn phận của người thầy thuốc còn thể hiện ra trong toàn bộ các quan hệ đối với nghề nghiệp, với đồng nghiệp và với bệnh nhân. Đó chính là y đạo. Y đạo là tư chất đích thực của người thầy thuốc. Theo ông, người thầy thuốc cần phải có những tư chất: Nhân, Minh, Trí, Đức, Thành, Lượng, Khiêm, Cần. Người thầy thuốc trong cuộc đời hành nghề y của mình cần phải biết giữ gìn phẩm chất của mình, không được vụ lợi. Trong tác phẩm Y huấn cách ngôn, ông viết: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, chuyên bảo vệ sinh mạng con người. Phải lo cái lo của người, vui cái vui của người. Chỉ lấy việc cứu mạng sống cho người bệnh làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công” (2).
Kế thừa truyền thống y đức của ông cha ta, tiếp thu tinh hoa y đức nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi và rèn luyện y đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn về đạo đức nhiều nhất. Đạo đức về ngành y được Bác đề cập đến nhiều thứ hai sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung. Người đã dành những tình cảm đặc biệt, sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên ngành y tế khi tặng họ danh hiệu cao quý nhất và đẹp đẽ nhất: “Lương y như từ mẫu”. Đây cũng chính là yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho ngành y trong phương châm hành động và cung cách phục vụ nhân dân.
Trong các lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế, bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vấn đề “y đức” của người thầy thuốc luôn được đặt lên hàng đầu. Người chỉ rõ, người thầy thuốc giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, phải hết lòng hết sức cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách vô điều kiện. Đó là một nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và ngành y tế, cần được gìn giữ, phát huy: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) (Ảnh TTXVN)
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ y tế cần phải: thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân “Lương y kiêm từ mẫu”. Trong thực tiễn cuộc sống, không có tình thương yêu nào có thể sánh bằng tình mẫu tử, người thầy thuốc tận tâm, tận lực chăm sóc, cứu sống người bệnh trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống một con người. Xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương của người mẹ đối với người con, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn răn dạy đội ngũ người thầy thuốc, cán bộ y tế cần phải có đó là: thái độ niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, ân tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc; ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò. Trong những lúc khó khăn, hiểm nghèo thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh quên mình để làm tròn phận sự cứu người. Bên cạnh đó, nhờ có phẩm chất tình mẫu tử, tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc sẽ tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ người bệnh, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… Có như vậy, người thầy thuốc mới thực sự là người mẹ hiền theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kế thừa truyền thống y đức của ông cha, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giáo dục đạo đức cách mạng, ngày 06/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã kí quyết định số 2088/BYT-QĐ, Quyết định về việc ban hành “Quy định về y đức” với 12 điều, trong đó khẳng định: 1- Chăm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; 2- Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh; 3- Tôn trọng quyền được khám bệnh chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thăm khám, chăm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh; 4- Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chăm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết; 5- Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đun đẩy người bệnh; 6- Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh; 7- Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh; 8- Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ; 9- Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết; 10- Thật thà, đoàn kết, tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau; 11- Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước; 12- Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cứu chữa người bị tai hạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, nhận thức được tầm quan trọng của y đức trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, những năm gần đây, các trường đại học, học viện, cao đẳng thuộc ngành y đều chú trọng đến việc giáo dục đạo đức nghề y cho sinh viên. Môn học đạo đức nghề nghiệp (nghề y) được các trường đưa vào trở thành môn học bắt buộc, hoặc được lồng ghép với môn học chuyên môn, tuy nhiên số tiết giảng vẫn còn khiêm tốn. Thông qua môn học, sinh viên đã nắm được những nội dung cơ bản về tinh hoa y đức nhân loại, truyền thống y đức của ông cha, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức, những khái niệm, phạm trù, chuẩn mực đạo đức cơ bản, các nguyên lý của đạo đức y học; sinh viên được cung cấp những thông tin cần thiết để thực hành y đức,…
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Quân y Hải Phòng (51957) (Ảnh TTXVN)
Thực tiễn cho thấy, việc đưa môn đạo đức hành nghề y vào giảng dạy cho sinh viên ở các trường đại học y, học việc quân y, cao đẳng y tế bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức và điều chỉnh hành vi đạo đức của sinh viên ngành y. Điều đó thể hiện ở số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, hầu hết sinh viên trong các trường thuộc ngành y đều tích cực tự tu dưỡng, tự rèn luyện theo những nguyên tắc, chuẩn mực về y đức. Số sinh viên đạt kết quả cao trong học tập ngày càng nhiều hơn, sinh viên ngày càng tự giác thực hiện các nội qui, qui chế của nhà trường. Tình trạng bỏ học và vi phạm nội qui, qui chế trong học tập ngày càng giảm. Sinh viên ngành y đã có những hiểu biết và tham gia tích cực vào các phong trào chính trị – xã hội như: Phong trào sinh viên tình nguyện đi vào vùng tâm dịch COVID-19, “Lễ hội xuân hồng”, … Có thể nói, những thành tích đã đạt được qua việc giảng dạy môn đạo đức nghề nghiệp trong các trường thuộc ngành y đã góp phần đáng kể vào việc cung cấp nguồn nhân lực “đủ đức, đủ tài” cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảng dạy y đức tại các trường ngành y vẫn còn không ít hạn chế, bất cập về nội dung, chương trình; tình trạng thiếu tài liệu, giáo trình chuẩn về y đức, nội dung giảng dạy chưa có sự thống nhất giữa các trường, thiếu tính đồng bộ; chưa có đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên sâu về môn học đạo đức nghề nghiệp mà đa phần là các giảng viên “kiêm nhiệm”;… Những hạn chế nêu trên, cùng với những tác động của một số yếu tố như mặt trái của kinh tế thị trường, chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi với cán bộ y tế chưa tương xứng,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc rèn luyện và thực hành y đức của sinh viên trường y nói riêng và đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, nhân viên y tế nói chung.
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giáo dục y đức tại các trường y, thực hành y đức tại các cơ sở y tế, ngoài việc thực hiện cải cách nội dung chương trình, biên soạn giáo trình chuẩn môn đạo đức nghề nghiệp thống nhất, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học, tổ chức các hội thảo khoa học về y đức,… việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là việc làm cần thiết, thường xuyên và luôn mang tính thời sự sâu sắc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế, y đức chính là kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng những quan điểm cơ bản có tính định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại, là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho đội ngũ những người làm công tác y tế Việt Nam. Phát huy truyền thống tốt đẹp, để hình ảnh người thầy thuốc mãi như mẹ hiền theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi sinh viên trường y, mỗi người thầy thuốc phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn nêu cao lòng nhân ái, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, có như vậy mới xứng đáng với hình ảnh mà nhân dân trao tặng – những chiến sỹ áo trắng trên mặt trận chống bệnh tật cứu người, xứng đáng với lời dạy, niềm hy vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.
Tài liệu tham khảo:
(1) Lê Hữu Trác. Hải Thượng y tông tâm lĩnh, t.2, Hội Y học dân tộc Tp. Hồ Chí Minh kết hợp tái bản, 1987, tr.309.
(2) Lê Hữu Trác. Sđd., t.1, 1987, tr.34.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 288.
Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng