Biến chứng hắc võng mạc của tăng huyết áp
Bệnh nhân (nam, 39 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên được chuyển hội chẩn chuyên khoa mắt từ phòng khám tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì nhìn mờ và nhức mắt thoáng qua.
Bệnh nhân (nam, 39 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên được chuyển hội chẩn chuyên khoa mắt từ phòng khám tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì nhìn mờ và nhức mắt thoáng qua.
Bệnh nhân có thị lực hai mắt 10/10, nhãn áp bình thường. Không có tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm. Bán phần trước không có tổn thương. Kiểm tra đáy mắt hai bên phát hiện bắt chéo động tĩnh mạch (vòng tròn), xuất huyết võng mạc, xuất tiết cứng rải rác (sao sáu cánh), sưng gai thị và bong võng mạc thanh dịch đa ổ (sao năm cánh). Huyết áp đo được trước đó của bệnh nhân là 200/110 kèm theo tổn thương thận (Ure 20.4 mmol/l, 2.76-8.07; creatinine 385 µmol/l, 62-106). Bệnh nhân được chuyển lại phòng khám tim mạch với chẩn đoán hai mắt: Bệnh hắc võng mạc tăng huyết áp ác tính và được khuyến nghị nhập viện điều trị hạ huyết áp cũng như theo dõi sát các biến cố tim mạch và toàn thân khác (theo phân loại của Wong và Mitchell).
Bản chất của biến chứng mắt trong tăng huyết áp là các tổn thương thành mạch dưới ảnh hưởng của tăng huyết áp gây tổn thương hàng rào máu – võng mạc dẫn tới tái cấu trúc thành mạch (xơ cứng tỏa lan động mạch, bắt chéo động tĩnh mạch), thoát quản các thành phần hữu hình trong lòng mạch (xuyết huyết, xuất tiết cứng, bong võng mạc thanh dịch), thiếu máu lớp sợi thần kinh (xuất tiết bông, sưng gai thị).
Trước đây, Keith-Wagner-Barker là phân loại được biết đến rộng rãi nhưng có nhược điểm là không gắn với tình trạng toàn thân. Khắc phục tình trạng này, Wong và Mitchell đề xuất một hệ thống phân loại mới đơn giản nhưng hữu dụng hơn trên lâm sàng, giúp cả bác sĩ mắt và tim mạch/nội khoa có thái độ xử trí phù hợp với từng mức độ nặng của tổn thương mắt trong tăng huyết áp.
Tổn thương hắc võng mạc là những yếu tố giúp tiên lượng nguy cơ tổn thương các cơ quan đích khác trong tăng huyết áp, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có biến chứng mắt của tăng huyết áp có thể được gửi đến từ phòng khám tim mạch hoặc nội khoa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện sớm tăng huyết áp từ khám đáy mắt, mặc dù hoàn toàn bình thường không biểu hiện triệu chứng. Do vậy, sự hiểu biết về sinh lý bệnh cũng như hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ mắt và bác sĩ tim mạch/nội khoa sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng, giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh và gia đình, đặc biệt khi tăng huyết áp đang ngày càng trẻ hóa.
ThS.BS Hoàng Thanh Tùng – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội