Hotline: +84 0777. 943. 888

Các bài thuốc quý chữa bệnh và làm đẹp từ cây hoa Đào

02/11/2024 15:44

Hoa đào chỉ nở vào mùa xuân và thực sự đẹp vào những ngày tết. Chính vì vậy mà mỗi khi tết đến xuân về, trong mỗi gia đình ở Miền Bắc nước ta không thể thiếu những cành đào trong ngày tết.

Hoa đào chỉ nở vào mùa xuân và thực sự đẹp vào những ngày tết. Chính vì vậy mà mỗi khi tết đến xuân về, trong mỗi gia đình ở Miền Bắc nước ta không thể thiếu những cành đào trong ngày tết.

Người ta yêu loài hoa này vì những giá trị thẩm mỹ và văn hóa của nó, nhưng ít ai biết rằng hoa đào còn là một dược phẩm và mỹ phẩm độc đáo của nền y học cổ truyền. Theo Đông y toàn bộ cây đào như rễ (đào căn), lá (đào diệp), hoa (đào hoa), quả (đào tử), nhân đào (đào nhân), nhựa đều được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh. Đặc biệt hoa đào còn là vị thuốc được dùng để làm đẹp.

Các Bài Thuốc Chữa Bệnh Và Làm đẹp Từ Cây Hoa Đào

Cây đào, tên khoa học là Prunus persicae (L.) Batsh., họ hoa hồng (Rosaceae). Là cây thân gỗ nhỏ vỏ thân sần sùi, cao 5 – 10m. Lá mọc so le, có hình mũi mác rìa lá có răng cưa, dài 7 – 15cm, rộng 2 – 3cm. Hoa Đào nở vào đầu mùa xuân, nở trước khi ra lá, hoa màu hồng có 5 cánh. Quả hạch, vỏ quả có lông tơ mềm.

Đào được biết đến không chỉ như là một loại trái cây, loại hoa phổ biến mà còn gắn liền văn hóa dân tộc các quốc gia châu Á. Quả đào được coi là thứ trái cây được các vị tiên ăn tượng trưng cho sự trường thọ.

Văn hóa dân gian Việt Nam gắn liền ý nghĩa của hoa đào.

Dưới đây là các bài thuốc quý chữa bệnh và làm đẹp từ cây hoa Đào .

1. Đào Nhân (Nhân hạt lấy từ quả chín)

Thành phần hóa học chính của Đào Nhân gồm: Dầu béo, Amygdalin, tinh dầu (Emunsin), Vitamin B1…

Theo y học cổ truyền, Đào nhân có vị đắng hơi ngọt, tính bình (khổ bình vi cam). Tôn Tư Mạo ghi trong “Thiên kim phương” cho là vị cay (tân). Quy kinh quyết âm can, quyết âm tâm bào, là thứ dược đi vào huyết phận. Có tác dụng tả, phá huyết, nhuận táo. Vị đắng (khổ) làm lưu thông huyết trệ, vị ngọt (cam) làm ấm can khí (noãn can), thông đại trường huyết bí. Trị nhiệt nhập huyết thất (xung mạch), huyết táo huyết bĩ, tổn thương tích huyết. Huyết lị kinh bế, khái nghịch thượng khí (huyết hòa thì khí giáng). Phá phu huyết nhiệt (huyết nhiệt phần bì phu), da khô ngứa, sung huyết (táo dạng súc huyết), phát nhiệt sinh cuồng.

– Trương Trọng Cảnh trị bàng quang súc huyết, có bài Đào Nhân thừa khí thang tức Điều vị thừa khí thang (Đại Hoàng, Mang Tiêu, Chích Cam Thảo) gia Đào Nhân, Quế Chi.

– Để đương thang (Kim quỹ yếu lược) dụng Đào Nhân (khử bì, tiêm), Đại Hoàng (rửa rượu), Manh Trùng (bỏ đầu, chân, cánh), Thủy Điệt (tức con đỉa, dùng mỡ heo sao đen). Đỉa là loài hút máu, sống dai, khó chết, có công năng thông can kinh tụ huyết. Manh trùng tức văn trùng (con muỗi), cũng là loài hút máu bởi vậy dùng để trị huyết.

Những bài thuốc chữa bệnh phụ khoa từ Đào nhân:

– Trị kinh bế, thống kinh do huyết ứ dùng Tứ vật đào hồng (Y Tông kim giám): Đương Quy 12g, Sinh Địa 16g, Xích Thược 12g, Xuyên Khung 8g, Đào Nhân 12g, Hồng Hoa 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Trị huyết ứ sau sinh (Ác lộ bất hạ) dùng bài Sinh hóa thang (Cảnh nhạc toàn thư): Đương Quy 32g, Đào Nhân 12g, Xuyên Khung 12g, Chích Cam Thảo 2g, Bào Khương 2g, sắc nước uống ngày một thang cho đến khi hết bệnh thì dừng.

Trong “Y Lâm cải thác” của Vương Thanh Nhậm nổi tiếng với những bài thuốc hoạt huyết chữa các chứng huyết ứ tạng phủ, trưng hà tích tụ, nham chứng như: Huyết phủ trục ứ thang, Cách hạ trục ứ thang, Thông khiếu hoạt huyết thang, Thân thống trục ứ thang, Bổ Dương hoàn ngũ thang… đều sử dụng Đào Nhân.

Ngoài ra còn các bài thuốc nhuận tràng có sử dụng Đào Nhân:

– Nhuận tràng hoàn: Hạnh Nhân 10g, Đào Nhân 10g, Hỏa Ma Nhân 10g, Đương quy 10g, Sinh Địa 15g, Chỉ Xác 10g, tán bột mịn luyện với mật làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 6g, ngày uống 2 lần.

– Ngũ nhân hoàn (Thế y đắc hiệu phương): Đào Nhân 20g, Hạnh Nhân 12g, Tùng Tử Nhân 4g, Bá Tử Nhân 12g, Uất Lý Nhân 1g, Trần Bì 8g, các vị trên tán bột, mật hoàn, mỗi hoàn uống 4 – 8g. Trị táo bón ở người già, người khí hư, phụ nữ sau sinh.

Người huyết hư, huyết thiểu, phụ nữ có thai cấm dùng Đào Nhân.

Thu hoạch quả đào chín vào cuối mùa hè hoặc mùa thu, lấy nhân hạt bên trong, phơi hoặc sấy khô. Dùng để hoạt huyết, phá huyết để cả vỏ ngoài và đầu nhọn. Dùng để nhuận táo bỏ vỏ ngoài và đầu nhọn (khử bì tiêm). Ngoài ra có thể sao hoặc thiêu tồn tính để sử dụng. Quả đào có hai hạt có độc, không được ăn. Hương phụ làm sứ.

2. Đào Hoa (Hoa đào)

Hoa đào không chỉ là loài hoa làm cảnh, trưng bày ngày tết mà còn dùng làm thuốc chữa bệnh và làm đẹp cho chị em phụ nữ. Hoa đào có vị đắng tính bình không độc, quy kinh Tâm, Can, Vị. Có công dụng hạ túc thủy, trừ đàm ẩm, tiêu tích tụ, lợi nhị tiện (đại tiện, tiểu tiện), trị phong cuồng (đàm sinh nhiệt, nhiệt cực sinh phong, mà đào hoa có công năng tả đàm ẩm, trệ huyết).

– Chữa nám tàn nhang trên da mặt theo “Thiên kim dực phương”: Lấy nụ đào gần nở để tự khô trong bóng râm 250g, Bạch chỉ 30g. Cho hai thứ ngâm trong 1 lít rượu trắng trong vòng một tháng. Mỗi tối trước khi đi ngủ uống một chén nhỏ (20 – 30ml), và dùng chính rượu đó xoa đều lên mặt, thực hiện hằng ngày trong vòng một tháng các vết nám, tàn nhang sẽ biến mất.

Trong Nam dược thần hiệu của Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh có ghi lại một số bài thuốc quý làm đẹp da từ hoa đào. 

– Dùng hoa đào 4 lạng ta (khoảng 150g), nhân hạt bí đao 5 lạng ta (khoảng 190g) , vỏ quýt 2 lạng ta (khoảng 75g), tất cả đều phơi âm can, tán bột mịn, uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 đồng cân (khoảng 7,5g) với nước ấm sau ăn. Nếu muốn da trắng thì thêm nhân hạt bí đao, còn nếu muốn da đỏ hồng hào thì thêm hoa đào. Uống trong 50 ngày thì da mặt trắng, uống đến 100 ngày thì da dẻ toàn thân trắng hồng.

– Phương “Diện mô cao” (Thánh tễ tổng lục): Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch lấy hoa đào phơi khô âm can, tán bột; mùng 7 tháng 7 chích lấy máu ở mào con gà trống, trộn với bột hoa đào rồi bôi lên da mặt, sau 2 – 3 ngày màng thuốc bong ra thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa.

– Trị trứng cá, mụn nhọt: Hoa đào và nhân hạt bí đao với lượng bằng nhau, phơi khô (hoa đào phơi âm can), tán bột, hòa với mật bôi lên vùng da bị mụn. Ngoài ra, để trị mụn nhọt vùng lưng theo “Thánh tễ tổng lục” dùng bột hoa đào hòa với dấm đặc mà bôi lên vùng lưng có mụn nhiều lần trong ngày.

– Hoa đào (lấy vào mùa xuân), hoa sen (lấy vào mùa hè), hoa phù dung (lấy vào mùa thu) lượng bằng nhau phơi khô (âm can) rồi đem tán thành bột mịn. Dùng mỗi tối, lấy thuốc này hòa với mật ong lượng vừa đủ đắp lên mặt, để khoảng 60 phút rồi dùng nước ấm rửa sạch. Bài thuốc trên có tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, hoạt huyết hóa ứ, dưỡng da trắng mềm, trị mụn, chống lão hóa.

– Bài thuốc làm đẹp nổi tiếng Thất Bạch kết hợp với hoa đào có tác dụng khu phong hoạt huyết, trắng và mềm, giảm nếp nhăn chống lão hóa: Bạch Chỉ, Bạch Liễm, Bạch Truật mỗi vị 30 g, bạch phụ tử, bạch linh bỏ vỏ (khử bì), bạch tế tân mỗi vị 9g, bạch cập 15g. Các vị trên làm khô, tán thành bột mịn, trộn lẫn với bột hoa đào (phơi âm can) đem hòa với lòng trắng trứng gà nặn thành hoàn to bằng đầu ngón tay út, bỏ lọ kín dùng dần. Dùng mỗi tối sau khi rửa mặt, lấy nước ấm hoặc sữa tươi, nước ép bí đao hòa với bột thuốc thành dạng sệt bôi lên mặt thành một lớp mỏng, để khoảng 60 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.

Ngày nay, người ta đã phân tích trong hoa đào có chứa  1,1-diphenylpicryl-2-hydrazyl (DPPH), superoxide… có tác dụng chống lại các gốc tự do.

3. Đào diệp (Lá đào)

Đào diệp vị đắng, tính bình có tác dụng khu phong, bài thấp, thanh nhiệt, sát trùng, phát hãn. Các chứng thương hàn, phong tý không ra mồ hôi (hãn bất xuất), dùng lá đào nước rửa sạch, phơi khô 2 đến 3 lần, nằm lên chiếu, làm ấm lại đến khi ra nhiều mồ hôi, bôi phấn cực khô, tức khỏi bệnh. Mạch phu (vỏ trấu), tàm sa, đều có thể dùng như vậy.

Viêm nhiễm âm hộ, âm đạo: Lá đào tươi, hoàng bá nam, xà sàng tử mỗi thứ 30g đun sôi, bỏ bã dùng nước sắc rửa ngoài, hoặc ngâm, không được uống.

Chữa ghẻ ngứa, mề đay:  Lá đào tươi giã nát, đắp tại chỗ, hoặc lấy lá ngâm rượu lấy dịch chiết bôi ngoài.

Lá đào tươi 20 – 30g sắc uống chữa sốt rét (ngược tật).

Đào là tinh hoa của ngũ mộc, có cành (chi), lá (diệp), hoa, nhân đều có thể trừ tà. “Thực y tâm kính” đào nhân nấu thành cháo, trị quỷ chứng khái thấu.

4. Đào tử (Quả đào)

Đào là loại trái cây được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao chứa vitamin A, E, K và Vitamin nhóm B, Kali và các vi chất khác như Calci, Photpho, Magie, Selen… có tác dụng làm đẹp, chống các gốc tự do, cho hệ tim mạch khỏe mạnh, phòng chống ung thư

Trong y học quả đào chín phơi khô có vị ngọt, chua, hơi đắng, tính bình có tác dụng chỉ huyết, liễm hãn, sinh tân, hạ huyết áp. Các trường hợp ra mồ hôi trộm (đạo hãn), di tinh, nôn ra máu (thổ huyết), động thai đều có thể dùng được. Khi bị động thai ra máu, dùng một quả đào sao tồn tính, tán bột mịn, uống với nước ấm.

5. Đào căn (Rễ đào)

Rễ đào vị đắng, tính bình có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, tiêm viêm.

– Trị chứng vàng da (hoàng đản), chảy máu cam (nục huyết), nôn ra máu (thổ huyết), kinh nguyệt không thông (bế kinh) dùng rễ đào (Đào Căn), rễ Ngưu Bàng (Ngưu Bàng Căn), Mã Tiên Thảo mỗi vị 6g, Ngưu Tất 12g. Sắc uống ngày một thang, trước bữa ăn. Tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu viêm, sát trùng.

– Trị thương do bị ngã, bị đánh (trật đả), gãy xương, đau do ứ huyết. Rễ đào 12 – 20g sắc uống trong, kết hợp với rễ đào giã nát đắp bên ngoài.

6. Đào chi (Cành đào)

Theo “Lĩnh Nam bản thảo” (Hải Thượng Lãn Ông) Đào chi có vị đắng, tính bình, dùng để trị trẻ em ra mồ hôi trộm (đạo hãn), lao phổi ho ra máu (khái huyết), đau vùng tim, mụn nhọt, mẩn ngứa, côn trùng đốt. Dùng cành đào 40 – 80g sắc uống kết hợp với rửa ngoài.

Tiến sĩ –  Lương y Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888