Hotline: +84 0777. 943. 888

Chính thức được phép bán thuốc online kể từ 1.7.2025

21/11/2024 16:39

Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, cho phép loại hình kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, hay còn gọi là bán thuốc online.

Chiều 21.11, với 426/430 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược. Luật này có hiệu lực kể từ 1.7.2025.

202411211433245538z6054981997399ad54a256ff4f0f4b73fb4c74db136d48-17321751657971018594261.webp

 

Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, trong đó có quy định cho phép bán thuốc online.

Một trong những chính sách mới được luật sửa đổi quy định là cho phép loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến (gọi chung là bán thuốc online).

Những loại thuốc nào được bán online?

Theo quy định, việc bán lẻ thuốc online chỉ được áp dụng với thuốc không kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì được bán thuốc kê đơn.

Việc bán buôn thuốc online được áp dụng với thuốc kê đơn và không kê đơn, nghiêm cấm áp dụng hình thức này đối với các loại thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với quy định như luật sửa đổi, khi thực hiện hoạt động mua bán thuốc, cơ sở bán thuốc phải có trách nhiệm xác định đối tượng khách hàng và giao dịch là bán buôn hay bán lẻ.

Nếu là giao dịch bán buôn, khách hàng phải là cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Nếu là giao dịch bán lẻ, khách hàng là người tiêu dùng và không được bán thuốc kê đơn.

Đáng chú ý, để kiểm soát chất lượng, ngoài các điều kiện chung đối với loại hình kinh doanh thuốc truyền thống, luật sửa đổi quy định cơ sở bán thuốc online phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện mang tính đặc trưng.

Trong đó, cơ sở bán thuốc online phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua; đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.

Đặc biệt, cơ sở bán lẻ thuốc onine phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sàn thương mại điện tử có trách nhiệm gì?

Quá trình xây dựng luật sửa đổi, một số ý kiến đại biểu đề nghị ngoài trách nhiệm của cơ sở kinh doanh thuốc online thì cần thêm quy định về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc này sẽ góp phần kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thuốc được bán trên sàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử.

202411211433245226z605498180859341cad812ea1117657453c791a996adfb-17321751660421610906304.webp

 

Từ 1.7.2025, chính thức được phép bán thuốc online.

Quan trọng hơn, sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ là phương tiện để người mua và người bán thực hiện hoạt động giao dịch. Hoạt động kinh doanh thuốc vẫn sẽ do cơ sở kinh doanh thuốc thực hiện, vì thế, cơ sở có thuốc bán trên sàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc tương tự như hình thức mua bán truyền thống.

Cạnh đó, luật Dược năm 2016 đã quy định nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc có trách nhiệm đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó phải báo cáo, lưu giữ chứng từ của từng lô thuốc và bảo đảm việc giao, nhận, bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải do người có trình độ chuyên môn đảm nhận.

Những quy định trên sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng thuốc khi được bán đến tay người tiêu dùng.

 Theo báo Thanh niên