Chuyên gia chỉ cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.
Người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.
Cảm lạnh và cúm thường có các triệu chứng giống nhau. Nhiều khi khó phân biệt. Nhìn chung thì cảm lạnh các triệu chứng nhẹ hơn và ít gây nguy hiểm cho sức khỏe so với cúm.
(Ảnh minh họa)
Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh và chủ yếu là lây qua đường hô hấp, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Cảm cúm gặp ở mọi đối tượng nhưng người già, trẻ em và phụ nữ mang thai nếu mắc cúm dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi. Chính vì vậy người bệnh cần phân biệt cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp điều trị tích cực ngay từ đầu tránh các biến chứng nguy hiểm trên.
Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh dựa trên những triệu chứng nào?
Tác nhân gây ra bệnh cảm cúm: Bệnh cúm mùa (hay còn gọi là cảm cúm) chủ yếu do virus cúm A, B gây ra. Các chủng virus cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm. Các triệu chứng cúm thường là sốt cao đột ngột, rét run, đau nhức cơ thể, rất mệt mỏi, tức ngực, đau đầu dữ dội, các triệu chứng hô hấp trên như chảy nước mũi, đau họng, hắt xì ít hơn so với cảm lạnh.
Tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh: Thường là các loại virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Triệu chứng của cảm lạnh cũng có mức độ ít nghiêm trọng hơn so với các triệu chứng gây ra do cúm. Khi bị cảm lạnh, thân nhiệt của người bệnh thường không tăng nhiều, ít có khả năng bị sốt, nếu có sốt thì sẽ sốt nhẹ. Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, viêm họng, hắt xì, ho, nhức đầu hoặc đau cơ thể, mệt mỏi nhẹ. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, trong khi cúm xuất hiện tương đối đột ngột, cảm lạnh thường ít khi dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn cúm.
Khi nào người bệnh cảm lạnh cần đến gặp bác sĩ?
Đối với người lớn: cần đến sự hỗ trợ của y tế nếu đang trong các tình trạng sau:
– Sốt cao hơn 38,5°C
– Sốt kéo dài hơn năm ngày hoặc quay trở lại sau khoảng thời gian hết sốt
– Khó thở hoặc thở khò khè
– Đau họng, đau đầu dữ dội hoặc đau xoang nghiêm trọng, ho nhiều không đỡ.
– Các triệu chứng đột ngột trở nặng
– Có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, suy thận
– Suy yếu miễn dịch do hóa trị hoặc nhiễm HIV.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế