Dùng cây vùng Nam Tây Nguyên nuôi kinh tế Nam Tây Nguyên, dùng sức người địa phương đưa đặc sản quê hương ra thế giới
Họ hay nói vui dạo quanh nông trại Bình Đông, một tấc đất nông là một chùm câu chuyện. Vài khoảng đất trống từng là nơi cộng đồng đồng bào nghỉ ngơi, bảo ban động viên nhau trong những ngày kinh tế biến động, cà phê và công hạ giá thành. Trước nhà kính lại là chỗ mọi người quay quần xát vỏ cà phê chín mới hái....
Cà phê có thể chăm bằng nhiều loại phân bón. Họ đã thử từ phân tằm, phân gà cho tới cả những thương hiệu hữu cơ nổi tiếng của Nauy. Nhưng không một loại nào tốt cho cây và đất hơn chính cà phê. Đầu tiên họ hái những trái đỏ căng, xát lớp vỏ cứng và lọc trái đạt. Vỏ và trái hỏng không bỏ đi mà giữ lại ủ cho hoai mục. Bởi vỏ cà phê có hàm lượng hữu cơ rất cao, hơn 30% dễ gây hại cho cây, không thể dùng liền mà phải ủ cho những vụ mùa sau này. Ít nhất 110 – 120 ngày hoặc 70 – 80 ngày nếu ủ lại đến khi phân đạt chuẩn cùng men, phân lân, vôi và mật mía. Bằng loại phân từ vỏ này, đất có độ mùn giúp cây hấp thụ được nhiều dưỡng chất. Lá xanh, trái mọng lượng đường nhầy giữ lại trong trái cao. Hạt sau khi rang lại mang đậm vị Caramen, béo ngậy, ngọt thanh đặc trưng của thổ nhưỡng vùng mà hiếm nơi nào trên thế giới có thể so sánh được.
Đó là câu chuyện mà tôi phỏng vấn được tại Bình Đông Farm. Một trong số rất nhiều những nông trại cà phê hữu cơ chất lượng cao tại Bảo Lộc của vùng Nam Tây Nguyên. Nó lý giải được tại sao các nông trại ở cao nguyên này lại cho ra được sản lượng cà phê ấn tượng đến như vậy. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu biểu trong ngành cà phê thế giới. Cứ vậy, thổ nhưỡng mùa sau màu mỡ hơn mùa trước, trái mùa sau lại đỏ căng, đậm vị và cho năng suất đáng tự hào.
Cà phê Nam Tây Nguyên, nguồn sống của người Nam Tây Nguyên
Tôi bắt đầu để ý tới các nông trại trồng cà phê trong một lần thấy cộng đồng đồng bào kéo nhau như đi “trẩy hội”. Giữa cuối tháng 10, không lễ tết, không sự kiện quan trọng nào xảy ra ở các vùng quanh Bảo Lộc. Nhưng từ khắp các bản, già trẻ lớn bé, không thiếu một ai nối đuôi nhau, rôm rả tụ lại các nông trại quanh tỉnh. Hỏi ra mới biết là mùa thu hoạch cà phê – mùa “ấm túi” của dân địa phương. Để làm ra được những cốc cà phê ngon, các nông trại cần người thu hái. Mỗi người một rổ mây tre đeo sau lưng hoặc ngang hông. Hồi trước, khi gu cà phê người Việt còn đơn giản, nhiều nông trại thu cà phê theo kiểu hái tuốt, thu cả trái xanh lẫn trái chín. Kéo mạnh làm cành lá quả rụng theo, cây khó hồi phục. Nhưng giờ thì dân Tây Nguyên ít ai hái kiểu đó lắm. Họ có quá nhiều trải nghiệm và “trái đắng” để hiểu vị của 2 cách hái chênh nhau thế nào. Trái đỏ trái xanh hơn nhau ở hậu vị, uống cà phê được chăm sóc kỹ lưỡng, vài chục giây sau hơi thở vẫn giữ được mùi thanh ngọt đặc trưng. Muốn cà phê ngon, người hái phải chọn các trái chín căng, đỏ mọng, dùng móng tay bấm vào cuống để trái rụng ra, cho vào giỏ, không tác động đến cành lá nhiều.
Thu hoạch thì 2 lần, một lần giữa cuối tháng 10, ngắt những trái đỏ căng đầu vụ. Sau đó chờ cho những quả xanh còn lại chín hẳn, thường là giữa tháng 12. Cốt để từng mẻ thu về đều là những quả mọng. Có vậy khi xát vỏ mới giữ được nhiều lượng đường, trái mới thơm, ngọt thanh và đọng hậu vị. Với người đồng bào đi hái, mỗi trái xanh họ thu về 900 – 1.100 Vnđ/kg. Trái chín công sẽ cao hơn, từ 1.400 – 1.500 Vnđ/kg. Tính trung bình ra mỗi người sẽ hái được 300 – 500kg/ngày. Đổi ra thì khoảng 400.000 – 700.000 VNĐ, có khi đến 1 triệu 1 ngày nếu hái khỏe. Số tiền này có thể không đáng là bao với những người ở thành thị. Nhưng với những cộng đồng tương đối tách biệt với nhịp sống bên ngoài, nó thật sự rất lớn. Vài gia đình 4 người, cha, mẹ, em gái, anh trai gần 2 tháng thu hoạch đôi khi đủ chi cho cả năm tiêu dùng. Ở nông trại Bình Đông mà tôi tìm đến, 300 tấn cà phê nhân xanh chất lượng cao là con số mà họ cung cấp ra thị trường mỗi năm. Tức là ngần ấy khối lượng cà phê thu hái góp sức hỗ trợ đời sống kinh tế của bà con đồng bào. Và còn nhiều, nhiều hơn nữa những nông trại ngoài kia dùng cây để làm cho đất của vùng Nam Tây Nguyên ngày một tơi xốp. Dùng sức để đặc sản địa phương có cơ hội được vươn xa, ra khỏi biên giới nước mình.
Mỗi tấc đất nông, một chùm câu chuyện
Tôi chọn phỏng vấn gia đình Bình Đông Farm – một nông trại khá có tiếng trong vùng với đủ các loại cây Ô Long, Arabica, Robusta... Tôi thật sự muốn biết khi đã dành ra nửa thế kỷ gắn bó cùng một vùng đất, người nông dân sẽ chọn câu chuyện gì để kể về Bảo Lộc. Và tại sao các hộ kinh doanh, cộng đồng đồng bào và các loại cây nông sản lại có sự gắn bó bền chặt với nhau như vậy. Bởi theo những gì mà tôi biết trước đó về Tây Nguyên, trà và cà phê vùng này từng điêu đứng không dưới chục lần vì bệnh dịch và các vấn đề giao thông, vận chuyển xuất khẩu. Không dưới hàng trăm câu chuyện đau lòng mà chúng ta có thể nghe được về ngành đồ uống vùng đất này. Nhưng bằng một cách nào đó họ vẫn tin, vẫn yêu và đặt trọn tất cả vào các loại cây xứ này.
Thuở ấy Lộc Ngãi còn hoang vu, ông Đông vào rừng, một thân một mình lầm lũi với những khoảng đồi rộng lớn. Ban đầu là chè Ô Long, bán cho lái buôn tỉnh. Cho tới khi những ruộng trà tự tay nuôi trồng bế tắc về xuất khẩu, ông bắt đầu lần nữa với cà phê. Vì đều là tay mơ, không vốn liếng, không kinh nghiệm và càng không có tiền đầu tư máy móc cơ giới hóa. Từng gốc cà phê trong hàng trăm hecta rộng lớn đều do vợ chồng ông xắn tay đào. Không thiếu những lúc giá thành biến động, cà phê hầu như không lời. Ông cùng nhiều nông hộ bàn nhau tính kế. Trồng dâu nuôi tằm ở những thuở đất trống, lấy ngắn nuôi dài. Rồi cho đến cả những đợt chuyển đổi theo chủ trương cà phê nhân xanh hữu cơ chất lượng cao của nhà nước. Dùng phân tằm, phân gà, phân từ vỏ cà phê để chăm cây, bảo vệ đất. Tự cung tự cấp mọi thứ từ hệ thống tưới tiêu, kho lưu trữ và các công đoạn để hạ giá thành. Những thăng trầm cải cách chẳng biết tự lúc nào trở thành một cầu nối giữa những người làm nông. Đưa cả vùng Nam Tây Nguyên lại gần với nhau.
Họ hay nói vui dạo quanh nông trại Bình Đông, một tấc đất nông là một chùm câu chuyện. Vài khoảng đất trống từng là nơi cộng đồng đồng bào nghỉ ngơi, bảo ban động viên nhau trong những ngày kinh tế biến động, cà phê và công hạ giá thành. Trước nhà kính lại là chỗ mọi người quay quần xát vỏ cà phê chín mới hái. Bởi cà phê vừa hái phải sơ chế ngay trong đêm, sang hôm sau lại sản sinh nấm mốc. Thế nên đây là nơi mà mọi người đã cùng nhau quây quần, kể chuyện, làm việc đến tận nửa đêm. Hay cả chỗ làm những sản phẩm đầu tiên đem đi kiểm định và được SCA (hiệp hội cà phê thế giới) công nhận chất lượng tốt đến không ngờ, chuẩn “cà phê đặc sản” (điểm trên 80). Khoảng đất trống này hay khoảng đất trống kia, rất có thể đều gắn với một câu chuyện hay cải tiến nào đấy mà họ có thể kể mãi không ngừng.
Và phải nhấp một ngụm nhân xanh chất lượng cao mới vỡ lẽ ra được tại sao lắm người lại cuồng thứ đồ uống này đến vậy. Vị của vùng đất nhiệt đới, vị đắng cay, ngọt bùi mà dân Nam Tây Nguyên muốn giới thiệu để đưa đặc sản quê hương ra thế giới.
Ivy Tran - Nguyễn Vũ Thiên Anh