Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế Việt Nam trong thời gian tới
Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ đòi hỏi giải pháp từ ngành Y tế mà cần có sự “vào cuộc” của toàn xã hội.
Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ đòi hỏi giải pháp từ ngành Y tế mà cần có sự “vào cuộc” của toàn xã hội.
Để tăng cường nguồn nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực y tế cho các địa phương, các vùng kinh tế khó khăn cần tập trung đồng bộ thực hiện các giải pháp sau:
– Quản lý và phát triển nhân lực y tế: Cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực y tế với các giải pháp chiến lược khả thi, lâu dài và mang tính bền vững. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực y tế, xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực y tế. Củng cố hệ thống thông tin về nhân lực y tế là cơ sở để đào tạo, đào tạo lại và phát triển nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự y tế. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ nhân lực y tế. Ưu tiên tuyển chọn người giỏi, trẻ, có tâm huyết, có đạo đức nghề. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cử chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ y bác sĩ đi học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn và ứng dụng công nghệ khám chữa bệnh, công nghệ số,…
– Nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo, tài liệu và phương pháp giảng dạy: Đổi mới đào tạo nhân lực y tế và tiếp thu các bài học kinh nghiệm đào tạo nhân lực y tế của thế giới. Xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế đảo bảo chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực y tế. Bên cạnh đó, cần phát triển nhân lực y tế làm về kiểm định chất lượng đào tạo trong y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo tại các trường đào tạo nhân lực y tế. Đẩy mạnh đào tạo sau đại học đối với nhân viên y tế tuyến huyện trước tiên là đội ngũ lãnh đạo, phụ trách khoa, phòng. Tăng cường đào tạo nước ngoài cho các lĩnh vực chuyên ngành mà Việt Nam chưa đủ điều kiện đào tạo để phát triển đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu, cán bộ y tế nòng cốt, chất lượng cao.
(Ảnh: Thanh niên)
– Hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhân lực ngành Y tế: Nhà nước cần rà soát, sửa đổi và bổ sung cũng như ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, đào tạo, phát triển và đãi ngộ nhân lực y tế phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Đảm bảo hài hòa giữa chính sách đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ cho nhân lực y tế. Có cơ chế khen thưởng động viên cho nhân lực y tế khi có đổi mới, sáng tạo và ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sử dụng đãi ngộ nhân lực y tế vùng khó khăn, cần có các chế độ đãi ngộ phục cấp ưu đãi nghề.
– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào ngành Y tế: Xây dựng chiến lược phát triển y khoa trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học mới, tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ y học của các nước tiên tiến trong y học. Từng bước hiện đại hóa kỹ thuật y tế. Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu quả, hiệu lực, chi phí thấp, đảm bảo chất lượng y tế.
– Từng bước triển khai xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ điện tử trực tuyến từ Trung ương đến cấp cơ sở trên toàn quốc: Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu y tế trên toàn quốc giảm thiểu chi phí và thời gian trong cung cấp dịch vụ y tế, từng bước giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm năng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc người dân.
Nhân lực ngành Y tế là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Trong công cuộc cải cách hệ thống y tế tại Việt Nam, một trong những việc trọng tâm là thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm phát triển đội ngũ nhân lực ngành Y tế “vừa hồng vừa chuyên”.
Bùi Sơn