Hotline: +84 0777. 943. 888

Nỗi niềm trăn trở của một nhà giáo luôn đau đáu xây dựng và nhân rộng mô hình giáo dục sớm ra cộng đồng

20/11/2024 15:12

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay: “Năm nay tôi đã 88 tuổi, nhưng giáo dục sớm (GDS) cho trẻ đã được tôi ấp ủ từ những năm tháng còn là sinh viên thực tập. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và tiếp cận với các phương pháp GDS của thế giới, đến nay, Viện IPD chúng tôi đã có cơ hội phát triển, khai mở ra nhiều mô hình GDS cho trẻ và nhân rộng ra các địa phương trên cả nước”.

nvka

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người

Đối với trẻ em, việc giáo dục ngay từ những năm đầu đời là vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Điều này cũng được khẳng định trong Luật trẻ em, được Quốc hội ban hành vào năm 2016 có nêu rõ: “Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em”. Cũng có thể nói rằng, phát triển toàn diện trẻ em là vấn đề ưu tiên trên phạm vi toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia. Nó giữ vai trò quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố đầu vào, mang ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển bền vững trong tương lai.

Con đường tiệm cận với GDS

Kể về quá trình nghiên cứu và phát triển mô hình giáo dục sớm GDS, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)  cho biết, năm 1961, khi còn là sinh viên năm thứ 5 chuyên khoa Nhi trường Đại học Y dược khoa Hà Nội. Ông được tiếp cận chương trình học do các giảng viên Liên Xô dạy về phương pháp nhi khoa hiện đại. Càng đi sâu tìm hiểu, ông dần đem lòng yêu thích và nghiên cứu vấn đề giáo dục lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Khoảng tháng 5/1961, ông được nhà trường cử đi thực tập tốt nghiệp ở Hợp tác xã Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thời điểm ấy, phong trào “Gió Đại Phong - Sóng Duyên Hải - Cờ Ba Nhất” nổi tiếng khắp miền Bắc trong đó, “Gió Đại Phong” lá cờ đầu của Hợp tác xã nông nghiệp cả nước.

Về thực tập ở Hợp tác xã Đại Phong, ông vừa đi sâu tìm hiểu để củng cố y tế cơ sở cho địa phương vừa xây dựng mạng lưới nhà trẻ ở các thôn để xã viên có nơi gửi con và yên tâm lao động sản xuất. Ông đề xuất tổ chức nhà trẻ trong các đội sản xuất của hợp tác xã. Mỗi đội có một nhà trẻ, có xây dựng chế độ ăn, giáo dục, chăm sóc đầy đủ. Sau 6 tháng nghiên cứu và tập hợp tư liệu, ông viết báo cáo khoa học về “Chế độ sinh hoạt của trẻ em ở nhà trẻ Hợp tác xã Đại Phong”Năm 1962, sau khi tốt nghiệp ông được phân công về làm cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Nhi của Nhà trường nên có nhiều điều kiện để tìm hiểu về đặc điểm phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời đối với trẻ bị bệnh cũng như trẻ khỏe mạnh.

Năm 1971, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương được thành lập với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Ủy ban phải tiến hành tổ chức xây dựng hệ thống nhà trẻ, giáo dục sức khỏe, truyền thông và vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Do từng nghiên cứu về vấn đề trẻ em từ thời đại học, lại công tác ở Bộ môn Nhi nên NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh được điều sang công tác ở Ủy ban. Ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình một trường trung cấp đào tạo cô nuôi trẻ cũng như chương trình đào tạo cho học viên. “Ở thời điểm đó, tôi đã quan niệm rằng không thể gọi những người mà mình sẽ đào tạo ra là cô nuôi trẻ được, mà phải gọi là cô nuôi dạy trẻ. Bởi vì việc giáo dục cho trẻ em giai đoạn đầu đời là rất quan trọng. Dù thêm 1 chữ “dạy” thôi những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau”, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay.

Theo đó, gần cuối năm 1972, trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương được thành lập. Bác sĩ Kỳ Anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, sau đó là Hiệu trưởng. Trường đào tạo giáo sinh nuôi dạy trẻ gồm hai hệ, đó là hệ thực hành sau khi tốt nghiệp sẽ làm cô nuôi dạy trẻ ở các nhà trẻ và hệ sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ làm giáo viên giảng dạy ở các trường sơ cấp, trung cấp nuôi dạy trẻ và cán bộ quản lý Nhà trẻ ở các tỉnh, thành phố. Thời gian đào tạo là 3 năm. Tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1973, nhà trường về trực tiếp địa phương tuyển chọn học sinh còn những năm sau là thông qua hình thức thi tuyển. Hai năm sau, trường chuyển về ở cơ sở mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Mười ba năm sau, khi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em sát nhập vào Bộ Giáo dục, trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương đã hợp nhất với trường Sư phạm mẫu giáo Trung ương của Bộ Giáo dục, thành trường Cao đẳng sư phạm nhà trẻ - mẫu giáo Trung ương và hiện nay là trường Cao đẳng sư phạm Trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cuối năm 2000, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác ở Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Với mong muốn phát triển mô hình GDS trong cộng đồng và trong hệ thống giáo dục mầm non, tháng 9/2011, Viện IPD được thành lập, trực thuộc VACHE do NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh làm Viện trưởng. Từ đó, Viện của ông đã nghiên cứu xây dựng những mô hình GDS ứng dụng rộng rãi và thành công tại nhiều đia phương, cơ sở giáo dục trên cả nước.

Để trẻ được giáo dục tốt, trước hết cần đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng

Là người trực tiếp nghiên cứu, chỉ đạo và phát triển nhiều mô hình GDS cho trẻ, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định: “Giáo dục sớm, phát triển trẻ thơ toàn diện trong giai đoạn đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời một con người và tương lai của một dân tộc, một quốc gia”.

Hiện nay, Viện IPD trực tiếp đào tạo đội ngũ nhân lực thực hiện GDS theo các mô hình chuẩn được đưa ra. Trong hành trình 14 năm hình thành và phát triển, mô hình GDS đã được Viện lan tỏa rất rộng. Từ việc ứng dụng ở 1 vài trường thực nghiệm của Viện và ở một số gia đình, đến nay Viện đã có 20 đơn vị trực thuộc ở nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, có nhiều bậc cha mẹ, nhiều nhà giáo dục say mê về GDS, họ đã phát triển nhân rộng ra rất nhiều vùng miền trên cả nước.

z6050199030064_eb157166187ae95c36ee2fa1f580c4f3
z6050199035394_b125d80a3c358d7a72b8e6c3861027ca

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh luôn mong muốn mô hình GDS cho trẻ có thể nhân rộng ra cộng đồng

Theo NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, mục tiêu mà Viện hướng tới là khai mở tiềm năng, phát triển năng lực của trẻ em. Trong đó, tập trung vào giáo dục sớm, bắt đầu từ khi còn là thai nhi cho đến 6 tuổi, nhất là trong 3 năm đầu đời (còn gọi là 1000 ngày đầu đời). Đây là “giai đoạn vàng”, “cửa sổ của cơ hội”, là thời kỳ quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong cuộc đời của mỗi người.   

“Ở lứa tuổi mẫu giáo, từ 3 tuổi trở lên đã có nhiều phương pháp dạy học của cấp học mầm non rất tốt, nhưng đối với trẻ em ở lứa tuổi nhỏ còn nhiều vấn đền cần phải quan tâm, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Tôi vẫn nói rằng, trong việc nuôi có dạy, trong dạy có nuôi. Vì vậy, mọi hoạt động từ ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, chơi và học,… đều phải mang ý nghĩa dạy trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thân – tâm – trí, nói cách khác là phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, tình cảm xã hội, năng khiếu của trẻ”, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết.

Viện IPD đã nghiên cứu các phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới và đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, khi ứng dụng với trẻ em Việt Nam, Viện nhận thấy rằng, cần phải có sự đổi mới để phù hợp với văn hóa, phong cách của người Việt. Đặc biệt, phù hợp với sự phát triển với đại đa số trẻ em mọi dân tộc. Vì vậy, Viện đã triển khai nhiều mô hình.

Trong đó, phải kể đến “Mô hình chăm sóc GDS trẻ em tại gia đình”. Với mô hình này, điều quan trọng hơn hết là phải đào tạo đội ngũ, thầy cô giáo, các phương pháp, các kỹ năng thực hành GDS để họ trở thành người chăm sóc và nuôi dạy tốt trẻ em tại gia đình. Đội ngũ này phải có tình yêu thực sự với trẻ, không ngại khó, ngại khổ, hiểu được tâm sinh lí của đứa trẻ. Ngoài ra, họ còn phải biết ngoại ngữ, vì rất nhiều gia đình người nước ngoài cũng muốn con được chăm sóc, giáo dục theo mô hình GDS.

Bên cạnh đó, phải đào tạo họ có tương tác tốt với phụ huynh, thuyết phục phụ huynh an tâm gửi con cho người nuôi dạy trẻ và cùng hợp tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương pháp GDS. Mô hình này đang rất thành công và ngày càng được nhân rộng.

Ngoài ra, Viện IPD còn có nhiều mô hình nổi bật khác như: Câu lạc bộ gia đình ở cộng đồng; Đào tạo các giáo viên giáo dục sớm; Giáo dục trẻ em an toàn trên không gian mạng; Giáo dục trẻ thông minh qua robot; Cha mẹ học cùng bé qua các app, thẻ dạy tiếng Anh và tiếng Việt cho trẻ em mầm non; Dạy trẻ thông qua âm nhạc và vận động…

Viện IPD đã phát hành bộ sách GDS cho trẻ từ 0-3 tuổi gồm 6 cuốn, chú trọng phát triển toàn diện cho trẻ cả về ngôn ngữ, toán học, tình cảm xã hội,hội họa, âm nhạc, kỹ năng sống,… Bộ sách này được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia giáo dục thuộc Viện IPD với chủ biên là NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh mang đến cho các cha mẹ, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục mâm non nguồn kiến thức, kỹ năng thực hành cùng trẻ để giúp trẻ phát triển tối đa những tố chất và tài năng tiềm ẩn của trẻ.

“Hiện tại, tôi đã viết thêm một cuốn sách nữa mang tên ‘Mẹ bầu và thai giáo, những điều bí ẩn cần khám phá’ và dự định xuất bản vào năm sau. Cuốn sách này được viết từ kinh nghiệm và tư liệu mà tôi tích lũy được từ rất lâu”, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết.

Tuy đã thực hiện được rất nhiều dự án, lồng ghép trong đó là các mô hình GDS cho trẻ em được triển khai rất thành công tại nhiều cơ sở giáo dục và các gia đình có con nhỏ, nhưng đối với NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, vẫn còn rất nhiều việc nữa mà ông muốn thực hiện. “Điều tôi mong muốn nhất là làm thế nào để duy trì và phát triển được chất lượng và đội ngũ chuyên gia của viện IPD để tiếp tục phát triển vững mạnh sau khi tôi và một số chuyên gia cao tuổi nghỉ việc. Đồng thời, tôi cũng mong việc GDS trẻ em dưới 3 tuổi được xã hội quan tâm và coi trọng. Để làm được việc này, giáo viên cần phấn đấu đạt được tiêu chuẩn người mẹ hiền - cô giáo giỏi - thầy thuốc tốt”, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ.

Viện IPD là đơn vị trực thuộc VACHE cũng hy vọng rằng, với sứ mệnh kết nối cộng đồng “Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự  nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”Hội cần quan tâm truyền thông giáo dục cộng đồng tiến hành GDS trẻ em trong những năm đầu đời vì đây cũng chính là xuất phát điểm và ưu thế cho việc phát triển của con người trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

VACHE rất mong mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cộng đồng, hãy vì tương lai của thế hệ trẻ mà quan tâm tìm hiểu về giáo dục sớm, tiếp cận các phương pháp giáo dục tiến bộ của thế giới để nuôi dạy cho con cháu mình trở thành những công dân có thể lực cường tráng, đạo đức trong sáng, trí tuệ thông minh, năng động, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi và ngày một xuất hiện nhiều nhân tài cho đất nước.

Nhân dịp 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh xin chúc tất cả các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các sinh viên trường sư phạm chuẩn bị trở thành nhà giáo tương lai có một niềm vui, hạnh phúc. Chúc quý thầy cô và các bạn luôn sáng tạo, đổi mới, thành công trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta.

z6050588916806_cc1e852a5efbf9e186ca4a119c9bc27f

TS. Vương Văn Việt, Tổng biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng chúc mừng NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Cũng nhân dịp này, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng xin gửi đến NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Chúc ông luôn giữ vững nhiệt huyết và niềm đam mê, cống hiến được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"!

 Thu Trang