Dưỡng sinh theo mùa – Bí quyết trường thọ
Dưỡng sinh hiểu đơn giản là nuôi cho sự sống. Sống thọ hay không, khỏe mạnh hay bệnh tật là do sự dưỡng nuôi cho thể xác và tinh thần của mỗi người khác nhau.
Thế nào là dưỡng sinh?
Dưỡng sinh: Hiểu đơn giản là nuôi cho sự sống. Sống thọ hay không, khỏe mạnh hay bệnh tật là do sự dưỡng nuôi cho thể xác và tinh thần của mỗi người khác nhau.
Người đời xưa biết đường lối để bổ dưỡng bắt chước âm dương của trời đất mà hòa về thuật dưỡng sức khỏe. Ăn uống có tiết độ, lúc làm lúc nghỉ có mực thường mà không khổ nhọc quá.
Ăn uống, lao động
Ăn uống thất thường hại tràng vị. Sách Sinh khí thông thiên luận có nói: “Lúc làm lúc nghỉ thất thường thời thần khí bốc lên”. Ông Quảng Thành Tử có nói: “Đừng khó nhọc hình hài, đừng lay động tinh thần mới có thể trường sinh được”. Vì thế bậc Thánh nhân cần ở thanh tịnh. Hình thể và tinh thần đều cân nhau thời hưởng hết tuổi trời có thể đến một trăm tuổi. Hình thể và tinh thần cân nhau là biết nuôi chân nguyên (tức nguyên khí) của trời cho nên thọ.
Người bây giờ không thế, uống rượu như uống nước, khó nhọc không có mực thường, khi say rượu cũng nhập phòng vì tình dục mà kiệt tinh khí làm hao tán chân nguyên của trời. Bậc Thánh nhân tiết kiệm tinh khí mà không phí hoài thời tủy đầy mà xương rắn. Nếu không biết giữ gìn như người bưng bát nước đầy (luôn sợ đổ - mất đi), không lúc nào không dùng đến tinh thần là không biết dưỡng sinh. Trong hình hài có tinh thần, nếu dùng nhiều cho khoái lạc hay là lúc làm lúc nghỉ không biết tiết độ, thời nửa trăm tuổi là suy yếu.
Bệnh tật
Thánh nhân có dạy: Hư tà hay là tặc phong biết tránh đi để theo thời tiết, biết điềm đạm hư vô để theo chân khí của trời, thì tinh thần vững ở trong mà bệnh không đến được. Tà khí nhân người yếu mà lấn vào thì gọi là hư tà trái với khí trung hòa thì gọi là tặc phong. Sách Linh Khu có nói: “Trong người có yếu thì tà khí mới thắng được” điềm đạm hư vô là bắt chước đường lối thanh tịnh, tinh khí giữ vững ở trong thời tà khí không làm hại được.
Thất tình, sở nguyện
Tâm chí nhàn thời ít dục vọng, trong bụng yên thời ít sợ hãi, dù hình thể khó nhọc cũng không mỏi. Khí đã thuận thời sở dục và sở nguyện dù sao cũng được như ý. Đã không tham thời sở dục và sở nguyện thế nào cũng được vừa lòng, không cầu kỳ thời dễ được. Ông Lão Tử nói: “Biết đủ thời không nhục, biết thôi thời không nguy, mới được lâu dài”.
Vì biết đường lối dưỡng sinh thời ham muốn không hại được mắt, dâm tà không mê được lòng. Ông Lão Tử còn nói: “Không trông thấy những điều ham muốn thì bụng không loạn”. Lại nói bậc thánh nhân vì bụng mà không vì mắt. Sở dĩ thọ đến trăm tuổi mà không yếu là vì đức tính được hoàn toàn.
Ông Trang Tử nói: “Biết giữ đạo (đường lối dưỡng sinh) thời đức hoàn toàn, hình thể hoàn toàn là đường lối của bậc thánh nhân”.
Dưỡng sinh theo từng mùa là không giống nhau
Ông Kỳ Bá nói trong Nội Kinh: Ba tháng về mùa xuân, gọi là “phạt trầm” (nở nang phô bày) muôn vật tươi tốt, đêm ngủ nên dậy sớm, đi lại, ung dung để ý chí phát sinh. Theo đường lối dưỡng sinh thì mùa xuân ta nên ưa sự sinh hóa mà đừng sát phạt, nên cho mà không cướp lấy, nên thưởng mà không phạt để ứng với khí hậu. Nếu trái với khí mùa xuân thì hại tạng can, mà sang mùa hạ thành bệnh, thời kém phần dưỡng sinh.
Tạng can là tượng của hành mộc, hành mộc sinh ở mùa xuân, một khi theo chính bệnh nghiêm sát của mùa hạ thì khí của tạng can thụ thương, sang mùa hạ hành hỏa vượng mà can mộc kém (mộc sinh hỏa) cho nên mới phát bệnh. Vì rằng mùa xuân sinh ra mà mùa hạ lớn lên, đã trái mùa xuân lại cho tạng can ít khí giúp cho lớn lên để theo về mùa hạ.
Ba tháng mùa hạ gọi là “phồn tức” (nhiều mà tốt), khí của trời đất tương giao với nhau, muôn vật có hoa quả, thời đêm nào cũng nên dậy sớm, nên hưởng thụ nhiều ánh nắng của mặt trời, lại không nên giận dữ để khí được phát tiết ra. Dương khí hòa hoãn thời vạn vật hóa, chỉ khoan hòa thời khí tiết ra, vạn vật hóa thời tốt đẹp, khí tiết ra thời thớ thịt lưu thông, vì thời tiết đó dương khí phát dương cho nên người ta nên thuận với dương khí. Trái với mùa hạ thời hại tạng tâm, mà sang mùa thu thành chứng ho hay sốt rét, mà tiết đông chí nặng bệnh. Trái với khí của mùa hạ thời là khí của mùa đông, vì thế sinh sốt rét hay ho mà gầy.
Tạng tâm thuộc hành hỏa chủ về mùa hạ, nay trái đi mà theo tiết của mùa đông thời khí của tạng tâm thụ thương, sang mùa thu hành kim vượng mà hành hỏa kém, cho nên sinh bệnh về mùa thu. Khí mùa thu thu vít mà mùa đông chứa lại, nếu trái với mùa hạ, thời hại tạng tâm mà thiếu khí để dưỡng cho thời tiết thu vít của mùa thu đến mùa đông thời thủy hơn hỏa, cho nên nặng bệnh về mùa đông.
Ba tháng về mùa thu gọi là “dung bình” khí của trời đã gấp rút, khí của đất đã tỏ, thời nên ngủ sớm dậy sớm ngay lúc gà gáy, để chí của người được an minh, mà hoãn bớt tiết hình phạt của mùa thu. Về mùa đó chí của ta không nên táo cấp để lại giúp thêm chính bệnh cấp bách của mùa thu. Vậy phải thu liễm thần khí của mùa thu được hòa bình. Thần khí phóng đãng thời dục vọng rộng lên mà hại hòa khí, thì khí thời mùa thu không được hòa bình cho nên phải thu liễm thần khí. Đừng để tâm chí phóng đãng ra ngoài khiến cho khí của tạng phế được nhẹ nhàng, thế là đường lối nuôi sự thu liễm để ứng với mùa thu, trái đi thời hại tạng phế mà sang mùa đông thành chứng đi cầu sống phân. Trái lại thời khí của tạng phế thụ thương sang mùa đông hành thủy vượng mà hành kim kém, cho nên bệnh phát về mùa đông.
Ba tháng mùa đông gọi là “bế tàng”, nước thành băng, đất nẻ ra thì ta đừng làm nhiễu đến dương khí, nên ngủ sớm dậy muộn, hưởng thụ nhiều ánh nắng để tâm chí của người như thể nép vào (phục) như thể giấu đi (nặc) như thể có tư ý. Tránh chỗ rét đến chỗ ấm đừng để bì phu da lông phát tiết cho khí kém đi. Tránh chỗ rét tới chỗ ấm là nên ngồi trong nhà, không để bì phu phát tiết là đừng để ra mồ hôi, vì ra mồ hôi thời dương khí phát tiết đi mà hàn khí lấn vào. Đó là đường lối nuôi dưỡng sự bế tàng để ứng với khí mùa đông. Nếu trái đi thời hại tạng thận mà sang xuân thành chứng mỏi chân lạnh chân vì thiếu sự nuôi dưỡng.
Trái là không theo tiết mùa đông mà lại theo tiết mùa hạ, tạng thận thuộc hành thủy mà chủ về mùa đông, nay theo tiết mùa hạ thời khí của tạng thận thụ thương, sang mùa xuân thời hành mộc vượng mà hành thủy kém mà phát bệnh.
Khí của trời thanh tịnh quang minh, chứa đức không ngừng, huống chi đường lối dưỡng sinh lại không thuận lẽ trời hay sao? Bốn mùa thành thứ tự, về mùa xuân, mùa hạ thời nuôi dưỡng dương khí, mùa thu, mùa đông thời nuôi âm khí là theo về căn bản. Tuy thế, khí dương gốc ở khí âm, khí âm gốc ở khí dương, nếu không có khí âm thời khí dương không sinh được, không có khí dương thời khí âm không hóa được.
Dưỡng sinh trong đông y
Việc kế thừa, lưu giữ và phát triển kiến thức về dưỡng sinh được Nhà thuốc Đông y Gia truyền Thọ Xuân Đường đang làm rất tốt. Bên cạnh việc thăm khám, chữa bệnh, nhà thuốc vẫn dành một không gian cho việc chăm sóc sức khỏe chủ động dựa trên kiến thức của dưỡng sinh. Đến với cơ sở nhà thuốc, mọi người sẽ được trải nghiệm:
- Tiếp đón, thăm khám để nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại;
- Lên phác đồ điều trị bệnh tật (nếu có) bằng dùng thuốc và trị liệu không dùng thuốc;
- Hướng dẫn việc điều chỉnh ăn uống, tập luyện phù hợp thể trạng, bệnh lý, và theo thời khí;
- Sử dụng các sản phẩm từ nước, bữa ăn chữa lành, sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sắc đẹp…
Lấy việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dân tộc làm tôn chỉ hoạt động, nhà thuốc Đông y Gia truyền Thọ Xuân Đường đang hàng ngày khám chữa bệnh, trau dồi, thay đổi, phát triển hơn nữa về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm đến với người dân là những sản phẩm tốt nhất, giá trị nhất!
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường