Hotline: +84 0777. 943. 888

Những huyệt nguy hiểm trên cơ thể người

29/11/2024 09:14

Theo Hoàng đế Nội Kinh - Linh khu thiên cửu thập nhị nguyên, huyệt đạo là nơi lưu thông thần khí ra và vào cơ thể. Trong đông y, việc tác động vào các huyệt đạo (châm, cứu, ấn, điểm…) có thể chữa được bệnh. Tuy nhiên, có những huyệt được gọi là “tử huyệt”, tức khi tác động mạnh vào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Huyệt dễ gây bất tỉnh

-    Huyệt Bách hội: Giao điểm của đường nối liền phần đầu trên của hai tai với đường tuyến chính giữa đỉnh đầu. Tác động mạnh vào huyệt này có thể gây choáng và bất tỉnh.

-    Huyệt Á môn: Nằm ở sau gáy, chỗ lõm giữa gai đốt sống cổ C1 và C2. Điểm mạnh trúng huyệt này có thể gây câm tạm thời hoặc bất tỉnh.

-    Huyệt Phong trì: Nằm ở chỗ lõm dưới xương chẩm sau dái tai, ấn mạnh có thể gây hôn mê.

nhung-huyet-nguy-hiem-tren-co-the-nguoi.jpg

Huyệt dễ gây tử vong

-    Huyệt Cưu vĩ: Nằm ở dưới mũi ức 1,5 thốn. Va đập mạnh vùng huyệt Cưu vĩ có thể gây đọng máu, chấn động tim, ảnh hưởng đến tĩnh mạch, gan, mật, gây tử vong.

-    Huyệt Cự khuyết: Nằm ở trên rốn 6 thốn. Tác động mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến gan.

-    Huyệt Nhũ căn: Nằm ở Ở giữa gian sườn V, thẳng dưới đầu vú, cách đường giữa ngực 4 thốn. Do nằm ở bên trái của tim nên tác động mạnh huyệt Nhũ căn có thể làm sốc tim và tử vong.

-    Huyệt Quyết âm du: Dưới gai sống lưng D4 đo ngang ra 1,5 thốn. Tác động mạnh huyệt này có thể làm tổn thương thành tim, phổi, dễ gây tử vong.

Huyệt dễ gây liệt

-    Huyệt Mệnh môn: Nằm giữa đốt sống thắt lưng L2 và L3. Tác động mạnh vào vùng huyệt có thể gây tổn thương tủy sống và các rễ thần kinh.

-    Huyệt Thận du: Dưới gai sống L2, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Mệnh Môn. Tác động mạnh vào vùng huyệt có thể gây tổn thương tủy sống và các rễ thần kinh.

Huyệt dễ gây nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng

-    Huyệt Thần đình: Ở sau chân tóc trán 0,5 thốn, người trán hói, lấy ở huyệt Ấn Đường thẳng lên 3,5 thốn. Huyệt này ảnh hưởng trực tiếp đến não nên khi tác động mạnh huyệt có thể sẽ bị choáng.

-    Huyệt Thái Dương: Ở chỗ lõm phía sau lông mày nơi có đường mạch xanh của Thái dương. Nếu tác động mạnh sẽ gây ù tai, xay xẩm mặt mày.

-    Huyệt Nhĩ môn: Ở ngay phía trước rãnh trên bình tai, đầu trên chân bình tai, nơi cơ tai trước. Bấm mạnh huyệt Nhĩ môn sẽ gây ù tai, chóng mặt.

-    Huyệt Tình minh: Cách đầu trong góc mắt 0, 1 thốn. Tác động mạnh có thể chảy máu, tụ huyết quanh mi dưới, có thể gây hôn mê.

-    Huyệt Nhân trung: Tại điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh Nhân trung, giữa đáy rãnh. Tác động mạnh có thể gây hoa mắt chóng mặt.

-    Huyệt Nhân nghinh: Nơi gặp nhau của bờ trước cơ ức - đòn chũm và đường ngang qua chỗ lồi nhất của yết hầu, sờ ở cổ có động mạch cảnh đập. Tác động mạnh sẽ làm ứ khí, chảy máu, choáng đầu.

-    Huyệt Đản trung: Nằm ở giữa hai đầu vú. Huyệt chi phối thần kinh, tác động không đúng cách có thể gây loạn thần, bất an.

-    Huyệt Thần khuyết: Nằm ở chính giữa rốn. Tác động mạnh hoặc châm phải có thể khiến chấn động ruột, bàng quang, tổn thương dây thần kinh sườn và mất dần sự linh hoạt. 

-    Huyệt Khí hải: Lỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn. Tác động mạnh có thể gây ứ máu và giảm khả năng vận động.

-    Huyệt Quan Nguyên: Lỗ rốn thẳng xuống 3 thốn. Tác động mạnh có thể gây chấn động ruột và ứ đọng khí huyết.

-    Huyệt Trung cực: Thẳng dưới rốn 4 thốn hoặc trên bờ xương mu 1 thốn. Tác động mạnh có thể gây chấn động thần kinh, đại tràng sigma.

-    Huyệt Khúc cốt: Ở trên xương mu, dưới huyệt Trung Cực 1 thốn hoặc chỗ lõm ngay chính giữa bờ trên xương mu. Bấm mạnh phải huyệt này có thể gây tổn thương khí cơ toàn thân và ứ đọng khí huyết.

-    Huyệt Ưng song: Ở khoảng gian sườn 3, trên đường thẳng qua đầu ngực, cách đường giữa ngực 4 thốn. Tác động mạnh có thể làm tim ngừng cấp máu và gây choáng váng.

-    Huyệt Nhũ trung: Nằm ở chính giữa đầu vú. Cấm châm cứu, có thể gây sung huyết, phá khí.

-    Huyệt Kỳ môn: Huyệt nằm trên đường thẳng ngang qua đầu ngực, trong khoảng gian sườn 6-7. Tác động mạnh vào huyệt này sẽ ảnh hưởng đến lách, gan, ứ khí và chấn động cơ xương.

-    Huyệt Chương môn: Ở đầu xương sườn tự do thứ 11. Nên nếu bấm mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan, lách, cản trợ sự lưu thông máu, phá hoại màng cơ xương.

-    Huyệt Thương khúc: Trên rốn 2 thốn, cách đường giữa bụng 0,5 thốn. Tác động mạnh ảnh hưởng đến thần kinh sườn, chấn động ruột, ứ huyết, tổn thương khí.

-    Huyệt Phế du: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 thốn. Huyệt chi phối tĩnh mạch, động mạch sườn thứ 3, hệ thần kinh, có thể gây chấn thương tim, phổi, khí huyết khi ấn mạnh.

-    Huyệt Tâm du: Dưới gai sống lưng 5, đo ngang ra 1, 5 thốn. Khi chịu lực mạnh sẽ gây phá huyết, tổn thương khí và thành tim.

-    Huyệt Chí thất: Dưới gai sống thắt lưng 2, ngang ra 3 thốn, cách Thận Du 1, 5 thốn. Đập mạnh sẽ gây chấn động thận, tĩnh mạch, thần kinh tổn thương nội khí.

-    Huyệt Khí hải du: Dưới gai sống thắt lưng 3, đo ngang ra 1, 5 thốn. Huyệt này bị ấn mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quả thận, cản trở lưu thông máu.

-    Huyệt Vĩ lư: Nằm ở giữa xương cụt và hậu môn. Tác động mạnh gây trở ngại khí huyết toàn thân

-    Huyệt Kiên tỉnh: Ở điểm cao nhất của vai. Ấn mạnh gây tê bại, mất sự linh hoạt.

-    Huyệt Thái uyên: Trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay. Gây tổn thương nội khí, bách mạch bị cản trở nếu tác động mạnh.

-    Huyệt Túc tam lý: Dưới mắt gối ngoài 3 thốn, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chầy và xương mác. Tác động mạnh có thể khiến tê bại chân.

-    Huyệt Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn. Tác động mạnh huyệt này khiến tổn thương khí ở Đan điền và tê bại chân, không dùng cho phụ nữ có thai.

-    Huyệt Dũng tuyền: Ở chỗ lõm dưới lòng bàn chân. Nếu tác động lực quá mạnh có thể ảnh hưởng tới lưu thông khí huyết. 

Những huyệt là tử huyệt khi bị tác động mạnh hay sai cách. Nếu tác động phù hợp, chỉ định châm cứu hay phối hợp huyệt đúng pháp sẽ giúp phòng ngừa và điều trị bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)