Hà Nội dự kiến chi 550 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thực hiện dự án dẫn nước sông Hồng về sông Tô Lịch
Nhằm cải thiện môi trường và duy trì cảnh quan đô thị. Thành phố đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng công trình khẩn cấp này, cam kết hoàn thành trước tháng 9/2025. Đồng thời, Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và đảm bảo tiến độ dự án.
Mưa lớn nhiều ngày khiến nước sông Tô Lịch dâng cao, chuyển trong xanh cuối tháng 7/2024.
Dù chưa công bố cụ thể phương án bổ cập nước, các chuyên gia đề xuất giải pháp đặt trạm bơm tại sông Hồng để dẫn nước qua hệ thống ống dẫn đến sông Tô Lịch. Đoạn ống dẫn nước qua đê sẽ được bọc trong cống hộp bê tông cốt thép nhằm đảm bảo an toàn. Nước sẽ chảy dọc theo đường Võ Chí Công và tới điểm đầu của sông Tô Lịch (mương Nghĩa Đô, đường Hoàng Quốc Việt). Tại đây, thành phố dự kiến xây dựng bể lắng để loại bỏ bớt phù sa từ sông Hồng trước khi bổ cập nước vào sông.
Sông Tô Lịch, từng là một nhánh thoát nước của sông Hồng, đã trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử. Dòng sông hiện dài 13,4 km, với điểm đầu tại mương Nghĩa Đô và điểm cuối thoát ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt hoặc về trạm bơm Yên Sở, nơi có công suất xử lý lên đến 90 m³/s. Tuy nhiên, do nguồn nước bổ cập bị gián đoạn, Tô Lịch hiện chủ yếu nhận nước từ hồ Tây, nước mưa và nước thải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch
Để cải thiện chất lượng nước sông, Hà Nội đã triển khai dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải Yên Xá, với mục tiêu thu gom toàn bộ nước thải để xử lý. Từ tháng 12/2024, nhà máy này đã thí điểm hoạt động và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Tuy nhiên, khi các nguồn nước bổ cập bị thu gom, sông Tô Lịch vào mùa khô có nguy cơ cạn kiệt, để lộ lớp bùn đáy gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, một số dự án liên quan cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm trạm bơm Liên Mạc để chống ngập úng và bổ cập nước sông Hồng vào sông Nhuệ, Tô Lịch; và hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3 dẫn về nhà máy Phú Đô. Trước thực trạng này, thành phố nhận định việc triển khai công trình bổ cập nước sông Hồng về sông Tô Lịch là cấp bách và cần được thực hiện nhanh chóng để đạt hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện thực tế.