Khối căng phồng vùng bẹn – nguy hiểm ẩn chứa
Các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bé trai bị thoát vị bẹn nghẹt. Bệnh nhi T.H.Q, gần 3 tuổi được bố mẹ đưa vào Bệnh viện khám trong tình trạng quấy khóc nhiều, nôn ra thức ăn, bụng chướng. Đặc biệt, vùng bẹn trái của bé xuất hiện khối căng phồng, sờ nắn đau nhiều và không đẩy lên được.
Các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bé trai bị thoát vị bẹn nghẹt. Bệnh nhi T.H.Q, gần 3 tuổi được bố mẹ đưa vào Bệnh viện khám trong tình trạng quấy khóc nhiều, nôn ra thức ăn, bụng chướng. Đặc biệt, vùng bẹn trái của bé xuất hiện khối căng phồng, sờ nắn đau nhiều và không đẩy lên được.
Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Lúc trẻ nghỉ ngơi, nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn trẻ lại như bình thường.
Theo lời kể của gia đình bé Q, từ khi sinh ra, mỗi lần bé khóc đều xuất hiện khối phồng như vậy nhưng cha mẹ nghĩ sẽ tự hết nên không đưa đi khám bệnh. Tối trước hôm nhập viện, khối phồng căng to hơn làm bé khó chịu, sáng ra nôn nhiều gia đình mới vội đưa con đến bệnh viện.
ThS.BS Trần Văn Kiên – khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, kết quả siêu âm vùng bẹn bìu cho thấy bé Q. thoát vị bẹn bên trái cần phẫu thuật khẩn cấp để cứu đoạn ruột bị nghẹt. “Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành mổ mở kết hợp nội soi cho bệnh nhi. Trong mổ, khối thoát vị là đoạn đại tràng đã được lấy ra khỏi ống bẹn trái, rất may mắn đoạn ruột còn hồng hào và chưa hoại tử”- BS. Kiên nói.
Sau phẫu thuật, bé trai ăn uống được bình thường, vết mổ khô liền tốt, sức khỏe hồi phục nhanh chóng, xuất viện sau ba ngày. Kíp phẫu thuật cũng đóng kín lỗ bẹn sâu tránh tái phát sau này.
Thoát vị bẹn ở trẻ em khi nào cần phẫu thuật?
Theo BS. Trần Văn Kiên, từ tháng thứ 3 – 7 trong thời kỳ phôi thai, khi tinh hoàn di chuyển từ sau phúc mạc ra ổ bụng rồi xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc.
Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại, chậm nhất trong năm đầu. Nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn. Thoát vị bẹn ở trẻ nam do còn ống phúc tinh mạc, ở trẻ nữ do tồn tại ống Nuck. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 0,8 – 1%, bé trai có tỉ lệ mắc cao hơn bé gái 3 – 10 lần.
Chuyên gia Nam học cảnh báo, việc phát hiện sớm thoát vị bẹn ở trẻ rất quan trọng. Thoát vị bẹn ở trẻ em là một khối phồng vùng bẹn bìu ở bé trai và vùng gần âm môi ở bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Lúc trẻ nghỉ ngơi, nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn trẻ lại như bình thường. Khi thoát vị bẹn nghẹt xảy ra, khối phồng sẽ căng cứng, không xẹp lại như mọi khi, sờ nắn trẻ đau nhiều kèm quấy khóc, bỏ bú và nôn ói.
“Thoát vị bẹn ở trẻ nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nguy hiểm là thoát vị bẹn nghẹt dẫn đến hậu quả hoại tử nội dung thoát vị (ruột, mạc nối, buồng trứng). Đồng thời, mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt cũng dẫn đến các tổn thương tinh hoàn sau này”, BS. Kiên nhấn mạnh.
Hiện nay, phẫu thuật là biện pháp duy nhất để điều trị. Thoát vị bẹn cần phải được mổ sớm từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa. Vì vậy, BS. Kiên khuyến cáo, ngay khi phát hiện có khối phồng bất thường vùng bẹn bìu, các gia đình cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện thăm khám để được kịp thời điều trị.
Khoa Nam học và YHGT