Hotline: +84 0777. 943. 888

Lao mào tinh hoàn gây áp xe bẹn bìu

02/11/2024 15:41

Vừa qua, Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân nam 63 tuổi (Hải Phòng) bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái.

Vừa qua, Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân nam 63 tuổi (Hải Phòng) bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái.

Khai thác lời kể từ bệnh nhân, Đ.V. Th 63 tuổi, trước khi khám tại Bệnh viện TWQĐ 108, ba tháng gần đây bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng sưng, đau bìu trái. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại nhiều nơi với chẩn đoán viêm mào tinh hoàn trái, được dùng nhiều loại kháng sinh, chống viêm nhưng chỉ đỡ từng đợt, không khỏi bệnh. Hai tuần trước khi nhâp viện tổn thương vùng bẹn-bìu tăng kích thước, vỡ mủ vùng bẹn.

Qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, Khoa Nam học-Bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán BN bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái, có chỉ định phẫu thuật.

Lao Mào Tinh Hoàn Gây áp Xe Bẹn Bìu

Bs tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

Sau phẫu thuật cắt bỏ tổ chức viêm hoại tử 5 ngày bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống lao. Hết đợt điều trị người bệnh tái khám tình trạng ổn định.

Bệnh lao mào tinh hoàn là một dạng bệnh lao ngoài phổi ít gặp. Bệnh nhân mắc bệnh này có thể không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh thường phát triển chậm và khó chẩn đoán sớm; chẩn đoán muộn và chẩn đoán sai là phổ biến. Gần đây, do sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng thuốc chống lao và việc sử dụng rộng rãi glucocorticoid, tỷ lệ mắc bệnh lao sinh dục nam, bao gồm cả bệnh lao mào tinh hoàn, ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Bệnh lao mào tinh hoàn vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.

ThS.BS Nghiêm Trung Hưng – Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, hiện nay, chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị theo phác đồ chống lao là chìa khóa để chữa bệnh lao ở hệ sinh sản nam giới. Tuy nhiên, do bệnh khởi phát muộn, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cũng như thiếu các phương pháp chẩn đoán nhanh, nhạy và đặc hiệu nên bệnh thường bị chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán bị trì hoãn. Vì vậy, điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với kháng sinh chống lao là phương pháp điều trị được ưa chuộng đối với căn bệnh này.

Đặc điểm bệnh lý của bệnh lao mào tinh hoàn là sự phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh và các biến chứng như vô sinh và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến chức năng hệ sinh sản nam giới.

Lao mào tinh hoàn là một bệnh lý ít gặp và gây nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Nên đối với các trường hợp viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, cần nghĩ đến do lao. Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng như trên bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nam học với trang thiết bị hiện đại, có kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có, Bs Hưng khuyến cáo.

Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888