Người đàn ông bị áp xe trung thất do vỡ thực quản trên nền sốc đa chấn thương
Tháng 2/2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp anh H.A.Đ (36 tuổi) đa chấn thương do tai nạn giao thông với tổn thương nổi bật là sốc nhiễm trùng do áp xe trung thất, vỡ 1/3 dưới thực quản và phình vị dạ dày trên nền đa chấn thương: chấn thương ngực phải, chấn thương bụng kín.
Người bệnh được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Trong mổ kiểm tra có vỡ đụng dập 1/3 dưới thực quản và vỡ phần phình vị dạ dày. Các bác sĩ đã làm sạch ổ bụng, làm sạch khoang lồng ngực, khâu lại tổn thương, mở thông hỗng tràng để người bệnh ăn uống. Tuy nhiên sau đó người bệnh về hồi sức trong tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, nhiễm độc, phải hồi sức thở máy, điều trị các kháng sinh liều cao, lọc máu. Ngày thứ 5 anh Đ. bắt đầu có dấu hiệu rò chỗ khâu thực quản 1/3 dưới. Người bệnh tiếp tục được điều trị theo hướng bảo tồn tích cực nhưng tình trạng nhiễm trùng không cải thiện.
TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa cho biết: Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lại cho người bệnh. Trong mổ phát hiện toàn bộ trung thất và 1/3 dưới bị nhiễm trùng tạo thành các ổ áp xe ở khoang màng phổi phải. Do tình trạng nhiễm trùng nặng không thể tiếp tục khâu bảo tồn thực quản, các bác sĩ đã quyết định cắt thực quản cho người bệnh, đưa thực quản ở đoạn cổ ra ngoài da, đóng phần đầu trên, đầu dưới thực quản và đặt dẫn lưu đồng thời cắt rời thực quản đưa ra dạ dày và tiến hành mở thông dạ dày. 7 ngày sau phẫu thuật, các chức năng rối loạn trước đây của gan, thận, hô hấp và tim mạch của người bệnh dần được cải thiện. Anh Đ. đã được ra khỏi phòng hồi sức sau gần 1 tháng điều trị.
Tiếp theo là hành trình gần 4 tháng bệnh nhân được phục hồi chức năng về hô hấp, vận động và can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh lên để có thể tiến hành phẫu thuật an toàn. Sau sự tích cực của người bệnh, gia đình và thầy thuốc, anh Đ. cũng có được ngưỡng dinh dưỡng có thể phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh nhân khá yếu kèm hô hấp rối loạn thông khí nặng, dày dính màng phổi hai bên do hậu quả áp xe trung thất và rò ra khoang màng phổi. Người bệnh được nhập viện tiến hành can thiệp dinh dưỡng và cải thiện các chức năng gan, thận, hô hấp và tim mạch để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tiếp theo.
Sau khi cân nhắc về các phương án tái tạo lại lưu thông tiêu hóa cho người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp cắt thực quản không mở ngực, tiến hành tạo hình dạ dày hình ống đưa lên nối với đoạn thực quản ở cổ. Nhờ việc tạo hình dạ dày và cắt thực quản không mở ngực, sau 12 tiếng người bệnh đã bắt đầu được rút ống nội khí quản và sau đó bắt đầu tập thở, phục hồi chức năng. Hiện tại sau phẫu thuật 2 tuần, người bệnh đã ăn uống được bằng miệng, thông số của ngực, tim mạch, miệng nối tiêu hóa lưu thông tốt, một số vết thương cũ tiếp tục được chăm sóc.
Tú Anh