Tiền sản giật - bệnh lý cần quan tâm
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Đặc biệt, tiền sản giật có thể dẫn đến tình trạng sản giật, trong đó mẹ bầu bị co giật, mất ý thức, có thể hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, bao gồm tai biến mạch máu não, tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh thận mạn tính,... Mời các mẹ bầu cùng tìm hiểu và nghe lời khuyên của TS.BS Đinh Thúy Linh - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội về bệnh lý này:
Tiền sản giật là một bệnh lý tương đối phổ biến với các triệu chứng:
- Tăng huyết áp
- Protein trong nước tiểu
- Phù
Bệnh thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Cứ 100 người mang thai sẽ có 2 đến 8 người mắc tiền sản giật.
Tiền sản giật ảnh hưởng đến thai phụ như thế nào?
Hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên một số trường hợp có các triệu chứng nặng và bị biến chứng như rau bong non, sản giật,... .
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ bị tiền sản giật thường không có triệu chứng rõ rệt, tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh. Các trường hợp tiền sản giật có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.
Tiền sản giật ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Tiền sản giật và các biến chứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai (tiền sản giật khởi phát sớm) có khả năng dẫn đến sinh non. 1 số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.
Bệnh lý này có dự phòng được không?
Hiện nay bệnh lý này có thể được sàng lọc và dự phòng. Việc sàng lọc tiền sản giật ngay từ tuần 11 - 14 của thai kỳ sẽ giúp phát hiện các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao và điều trị dự phòng, ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm sự khởi phát của tiền sản giật, nhờ đó quá trình mang thai có thể tiếp tục một cách an toàn và thai nhi sẽ có thời gian để phát triển.
Quy trình sàng lọc tiền sản giật
-Xét nghiệm máu
-Siêu âm doppler động mạch tử cung
-Đo huyết áp
Nguy cơ sẽ được tính toán dựa trên các chỉ số của thai phụ
Ý nghĩa của kết quả sàng lọc
Nguy cơ thấp
Kết quả nguy cơ thấp có nghĩa là bạn ít có khả năng bị tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên kết quả này không loại bỏ hoàn toàn khả năng bạn bị tiền sản giật. Vì vậy, bạn cần tiếp tục khám và quản lý thai theo lịch.
Nguy cơ cao
Kết quả nguy cơ cao cho biết khả năng bạn mắc tiền sản giật sẽ cao hơn các thai phụ khác, tuy nhiên không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc tiền sản giật. Kết quả này sẽ giúp các bác sỹ và bản thân bạn được cảnh báo về nguy cơ xuất hiện bệnh lý tiền sản giật, đồng thời điều trị dự phòng tiền sản giật cho bạn.
Phương pháp điều trị dự phòng đã được kiểm chứng có hiệu quả chính là sử dụng thuốc Aspirin liều thấp, được thực hiện dưới chỉ định của bác sỹ trực tiếp thăm khám cho bạn.
Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội