Hotline: +84 0777. 943. 888

Nhiều bệnh nhân bị suy thượng thận đến bệnh viện khám do lạm dụng thuốc Corticoid

02/11/2024 15:41

Tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, tuần nào cũng có không ít bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám.

Tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, tuần nào cũng có không ít bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám.

Mới đây, một bệnh nhân nữ 23 tuổi, cao 1m50, nặng 57kg, sống ở Hà Nội được mẹ đưa đến khám vì thấy mặt tròn và mệt.

Khám lâm sàng, bác sĩ thấy mặt bệnh nhân tròn, bụng to, chân tay teo… đặc biệt ở vị trí bụng và đùi có rất nhiều vết rạn da màu đỏ. Chẩn đoán ban đầu hướng đến Hội chứng Cushing do thuốc và có suy tuyến thượng thận.

mt

Lạm dụng thuốc corticoid có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác (Ảnh: BVCC)

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân kể là bị viêm mũi từ lâu, cứ ngạt mũi là sử dụng thuốc xịt mũi, trung bình xịt ngày 3-4 lần. Xem thành phần của lọ xịt mũi thì có Dexamethasone là loại corticoid rất mạnh, nếu dùng kéo dài dễ gây ra nhiều biến chứng như suy thượng thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày, rối loạn tâm thần… Riêng với trường hợp của bệnh nhân này thì thuốc còn gây lùn và lão hóa sớm.

Sau khi nghe bác sĩ phân tích, mẹ bệnh nhân thú nhận bản thân cũng thường xuyên dùng loại thuốc xịt mũi này. Nghe vậy, bác sĩ quan sát gương mặt của mẹ bệnh nhân thì thấy mặt bà cũng béo, tròn và chân tay teo….

Tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, tuần nào cũng có khoảng 10 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám. Người bệnh đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, phù, tăng cân… Tuy nhiên, trong đó 2/3 ca bệnh là chẩn đoán qua “trông mặt mà bắt hình dong” vì nhìn mặt họ đã có thể biết được bệnh. Tuy nhiên, có nhiều người bệnh đã đi qua nhiều phòng khám trong thời gian dài mà không có chẩn đoán chính xác.

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường cho biết: Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone. Về giải phẫu, phía trên hai thận có hai tuyến thượng thận hình tam giác, kích thước nhỏ như đầu đũa. Đây là tuyến nội tiết quan trọng, tiết ra một số hormone, trong đó có cortisol chịu trách nhiệm điều hòa chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể (nên còn gọi là hormone glucocorticoid – corticoid chuyển hóa glucose) và duy trì chức năng tim mạch, huyết áp. Ngoài ra nó còn có một tác dụng quan trọng khác là làm giảm viêm, ức chế miễn dịch.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp, và đã có trường hợp bị tử vong.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, suy thượng thận cấp (Adrenal Crisis) là tình trạng bệnh lý nặng, có thể gây tử vong do trụy tim mạch. Đa số các trường hợp là ở các bệnh nhân bị suy thượng thận mạn nhưng không được chẩn đoán hoặc có mắc thêm bệnh cấp tính nhưng không được điều trị tăng cường Corticoid kịp thời, đẫn đến suy thượng thận cấp.

Một nghiên cứu ở Đức cho thấy có đến 40% các bệnh nhân được chẩn đoán suy thượng thận muộn, hậu quả là điều trị corticoid tĩnh mạch muộn. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân bị suy thượng thận khá cao, chủ yếu do dùng thuốc vô tội vạ, nhưng các bác sĩ thường lúng túng trong chẩn đoán suy thượng thận cấp khi bệnh nhân nhập viện.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh: Tình hình bệnh nhân bị suy thượng thận ngày càng tồi tệ hơn khi gần đây các thuốc corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đông y” chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc “đông y” là lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ và sau một thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn.

Khi nào cần nghĩ tới suy tuyến thượng thận?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết: Trên Tạp chí Hormone and Metabolic Research số 1 năm 2024, một nhóm các chuyên gia người Đức đã đề xuất tiêu chuẩn chẩn đoán suy thượng thận cấp khi bệnh nhân có ít nhất 1 tiêu chuẩn nhóm A cộng với ít nhất 2 tiêu chuẩn nhóm B như sau:

1. Nhóm A:

– Đã được chẩn đoán suy thượng thận hoặc tiền sử dùng corticoid để điều trị bệnh khác

– Hạ Natri máu ≤ 132 nmol/l

– Tăng Kali máu

2. Nhóm B:

– Cực kỳ yếu mệt

– Rối loạn ý thức

– Buồn nôn và/hoặc nôn

– Sốt

– Huyết áp thấp với huyết áp tâm thu ≤ 100 mmHg.

Đứng ở góc độ “trông mặt mà bắt hình dong”, những bệnh nhân này thường có đặc điểm chung là biến đổi về hình thể: kiểu mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo (hình ảnh 4 que tăm cắm vào củ khoai), da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ…

Mạnh Hà

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888