Những điều cần biết về bệnh lao mào tinh hoàn
Bệnh lao hệ sinh sản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở nam giới từ 30–50 tuổi. Cơ quan thường gặp nhất là mào tinh hoàn, tiếp theo là túi tinh, tuyến tiền liệt, tinh hoàn và ống dẫn tinh. Lao mào tinh hoàn có thể do sự tái hoạt của các ổ lao tiềm ẩn trước đó tại mào tinh hoàn, hoặc bị lây truyền qua đường máu, đường bạch huyết, hoặc ngược dòng từ ngoài ống dẫn tinh trở vào.
Bệnh lao hệ sinh sản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở nam giới từ 30–50 tuổi. Cơ quan thường gặp nhất là mào tinh hoàn, tiếp theo là túi tinh, tuyến tiền liệt, tinh hoàn và ống dẫn tinh. Lao mào tinh hoàn có thể do sự tái hoạt của các ổ lao tiềm ẩn trước đó tại mào tinh hoàn, hoặc bị lây truyền qua đường máu, đường bạch huyết, hoặc ngược dòng từ ngoài ống dẫn tinh trở vào.
Việc lây truyền lao ngược dòng thường do nhiễm lao qua quan hệ tình dục với đối tác đang mắc lao, hoặc do lao đường tiết niệu đang hoạt động. Tổn thương lao mào tinh hoàn xuất hiện đầu tiên ở phần đuôi của mào tinh do nguồn cung cấp máu dồi dào và nhiễm trùng ngược dòng từ ống dẫn tinh, sau đó xâm lấn đến thân và đầu mào tinh, cuối cùng là ảnh hưởng đến toàn bộ mào tinh hoàn.
Các triệu chứng lao mào tinh hoàn có thể gặp là: sưng bìu (80% bệnh nhân bị viêm tinh hoàn mào tinh hoàn do lao có sưng bìu), đau bìu (trong 40-44% các trường hợp), dày da bìu, tràn dịch màng tinh hoàn gặp trong (5-10% các trường hợp), lỗ rò mủ vùng bìu xuất hiện muộn (có thể gặp trong 4-50% các trường hợp).
Áp xe mào tinh hoàn do vi khuẩn lao
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao là phân lập và nuôi cấy vi khuẩn lao. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao sinh dục nam, chúng ta thường tìm bằng chứng có vi khuẩn lao trong nước tiểu, dịch mủ hoặc mô. Chụp CT và MRI ít có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn; chúng chủ yếu được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao ở phổi và tiết niệu và hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn. Sinh thiết kim nhỏ mào tinh hoàn là một phương pháp tốt để chẩn đoán bệnh lao mào tinh hoàn.
Chẩn đoán phân biệt bệnh lao mào tinh hoàn bao gồm viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn, khối u mào tinh hoàn và các bệnh khác ở mào tinh.
Bệnh lao mào tinh hoàn, giống như các bệnh lao khác, cần điều trị sớm, thường xuyên, đầy đủ. Phương pháp điều trị bằng thuốc thường sử dụng 3 đến 4 loại thuốc kháng sinh chống lao trong 6–9 tháng. Điều trị bằng phẫu thuật là cần thiết nếu không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc trong trường hợp hình thành áp xe.
Lao mào tinh hoàn là một bệnh lý ít gặp và gây nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Chính vì vậy đối với các trường hợp viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, cần nghĩ đến do lao. Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng như trên bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nam học với trang thiết bị hiện đại, có kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có.
ThS.BS Nghiêm Trung Hưng – Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108