Hotline: +84 0777. 943. 888

Những kỹ năng vận động cho trẻ tự kỷ

02/11/2024 15:45

Vận động là một trong những lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Các kỹ năng vận động liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ em giúp tăng trưởng chiều cao, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác như béo phì, huyết áp…

Vận động là một trong những lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Các kỹ năng vận động liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ em giúp tăng trưởng chiều cao, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác như béo phì, huyết áp…

Các mốc phát triển vận động được coi là những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ, bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi trưởng thành. Vận động giúp trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh, phát triển khả năng thích nghi và là nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển của trẻ.

Vận động được chia làm 2 nhóm kỹ năng là vận động thô và vận động tinh.

Huong-dan-cho-cha-me-co-con-mac-roi-loan-pho-tu-ky-1

Vận động thô

Vận động thô là những vận động của toàn cơ thể, thông qua những nhóm cơ lớn để thực hiện các chức năng hàng ngày như đi, đứng, chạy, nhảy, bò, trườn, trèo, bê, vác, kéo, đẩy… Vận động thô còn bao gồm các kĩ năng phối hợp tay mắt như ném bóng trúng đích, đạp xe, bơi, đá bóng, bắt đồ vật, chuyền đồ vật…

Các kỹ năng vận động thô bao gồm:

– Bò, trườn, trèo.

– Đi, chạy và thăng bằng.

– Nhảy – bật.

– Đá, bắt, ném, chuyền.

– Đứng một chân, nhảy lò cò.

– Đạp xe.

– Bê, vác, kéo, đẩy.

Vận động tinh

Vận động tinh là kỹ năng sử dụng các nhóm cơ nhỏ để điều khiển bàn tay, ngón tay, giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó. Kỹ năng này dần phát triển thông qua kinh nghiệm của trẻ, học hỏi từ người lớn và tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi, vật liệu khác nhau.

Các kỹ năng vận động tinh bao gồm:

– Cầm, vo, véo, ấn, nặn, nhặt, kéo…

– Xoay, vặn, mở…

– Xé, cắt, dán…

– Xâu, cài/cởi cúc, buộc/tết dây…

– Lắp ghép…

– Tô, vẽ, viết…

Quá trình phát triển kỹ năng vận động của trẻ từ 0 – 6 tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi:

– Có thể giữ đầu và bắt đầu biết nâng đầu nếu đặt nằm sấp.

– Tạo ra những cử động nhịp nhàng với tay và chân.

Trẻ 4 tháng tuổi:

– Giữ đầu thẳng không cần trợ giúp.

– Duỗi chân khi bàn chân chạm vào bề mặt cứng.

– Có thể lăn ngược từ sấp sang ngửa.

– Có thể giữ đồ chơi, lắc và đung đưa đồ chơi.

– Cho tay vào miệng.

– Khi nằm sấp có thể chống được khuỷu tay.

Trẻ 6 tháng tuổi:

– Lăn người cả hai phía( từ sấp sang ngửa, từ ngửa sang sấp).

– Khi đứng trọng lực dồn xuống chân và có thể nhún nhảy.

– Bắt đầu ngồi không cần trợ giúp.

– Đưa người về trước và sau, đôi khi biết bò giật lùi trước khi bò tiến lên.

Trẻ 9 tháng tuổi:

Đứng vịn.

– Ngồi không cần trợ giúp.

– Bò.

– Tự ngồi dậy.

– Bám vào để đứng lên.

Trẻ 12 tháng tuổi:

– Ngồi dậy không cần trợ giúp.

– Kéo để đứng lên, đi men.

– Có thể bước một vài bước mà không cần giữ.

– Có thể tự đứng được.

Trẻ 18 tháng:

– Tự đi.

– Có thể bước lên bậc và chạy.

– Vừa kéo đồ chơi vừa đi.

– Có thể tự cởi quần áo.

– Uống với một cốc.

– Ăn với một thìa.

Trẻ 24 tháng:

– Đứng trên đầu ngón chân.

– Đá bóng.

– Bắt đầu biết chạy.

– Đi lên xuống cầu thang có trợ giúp.

– Trèo lên, xuống bàn/ghế mà không cần trợ giúp.

– Ném bóng qua đầu.

– Tạo ra hoặc bắt chước các đường thẳng, hình tròn.

Trẻ 36 tháng:

– Trèo tốt.

– Chạy dễ dàng.

– Đạp xe ba bánh.

– Lên xuống cầu thang, mỗi chân một bước.

Trẻ 48 tháng:

– Nhảy lò cò, đứng một chân trong khoảng 2 giây.

– Khuấy, cắt dưới sự giám sát.

– Bắt bóng tốt.

Trẻ 60 tháng:

– Đứng một chân trong 10 giây hoặc lâu hơn.

– Nhảy lò cò, có thể nhảy cách quãng.

– Có thể làm một động tác nhào lộn.

– Sử dụng thìa, dĩa.

– Có thể tự đi vệ sinh.

– Nhún nhảy và leo trèo.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa phần trẻ tự kỷ có khó khăn trong phối hợp vận động như ném bắt, sử dụng đôi bàn tay khéo léo. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cử động cơ thể và khả năng thăng bằng, dáng đi bất thường như bước đi ngắn, dao động cơ thể không đều, tư thế đánh tay kỳ lạ, đi kiễng gót nhiều… Những khó khăn về kỹ năng vận động ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia các hoạt động can thiệp cũng như học tập các kỹ năng về nhận thức, ngôn ngữ và tương tác xã hội của trẻ tự kỷ.

Một số lưu ý giúp phát triển kỹ năng vận động cho trẻ tự kỷ

– Theo dõi quá trình phát triển vận động của trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh để phát hiện sớm những khó khăn về vận động của trẻ.

– Cho trẻ đi khám ngay sau khi phát hiện những khó khăn về kĩ năng vận động.

– Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và các nhà chuyên môn.

– Cha mẹ nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội được sử dụng các kĩ năng vận động trong đời sống hàng ngày, giảm thời gian ngồi trước màn hình thiết bị điện tử.

– Luôn tham gia, đồng hành cùng trẻ trong suốt thời niên thiếu để giúp trẻ tự tin hơn, hỗ trợ trẻ tốt hơn.

Ths.BSCKII Thành Ngọc Minh, Ths.BS Nguyễn Mai Hương,

Ths Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Ths Mai Thị Xuân Thu, CN Trần Thị Thanh Tâm, 

Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888