Phát huy vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
99 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
99 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 21/6/1925, số đầu tiên của Báo Thanh niên xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua gần một thế kỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng cách mạng, đất nước và dân tộc, là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Bác Hồ với các nhà báo, phóng viên (Ảnh tư liệu)
Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1. Cùng với những thành tựu của đất nước, nền báo chí cách mạng Việt Nam sau gần một thế kỉ đã có những phát triển vượt bậc về đội ngũ, trình độ, kỹ thuật, công nghệ; theo số liệu thống kê đến năm 2023, cả nước có 876 cơ quan báo chí, trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh – truyền hình, khoảng 1.500 trang thông tin điện tử, hơn 200 mạng xã hội được cấp phép, hơn 41.000 người công tác tại các cơ quan báo chí, 20.508 người được cấp thẻ nhà báo, có trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị vững vàng.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Báo chí trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, là diễn đàn của Nhân dân; tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, phá luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Báo chí đã góp phần tích cực trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 vừa qua; tích cực tham gia trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực; tham gia đấu tranh chống các hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí đã phát hiện, động viên, cổ vũ những tấm gương “người tốt việc tốt”, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới có đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước, quê hương trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa, báo chí chính là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác với Nhân dân các nước, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam trên thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những định hướng quan trọng để xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông. Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục”2.
Hơn nửa chặng đường của Đại hội XIII đã đi qua, đất nước, dân tộc, con người từng bước đổi mới, phát triển. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy truyền thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung thông tin, tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2026) và 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 – 2026); Mục tiêu tổng quát, tầm nhìn đến năm 2045 và hai điểm nhấn quan trọng của Đại hội, đó là “Đổi mới, sáng tạo” và “Khát vọng, ý chí phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tuyên truyền các định hướng lớn và nhóm nhiệm vụ, giải pháp chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng toàn diện, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển bền vững đất nước. Tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thứ hai, đứng trước nguy cơ các thế lực phản động đã, đang dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, mọi phương tiện không ngừng xuyên tạc, công kích Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Do vậy, báo chí cách mạng Việt Nam phải chủ động, tích cực thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa. Tăng cường phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
Thứ ba, báo chí phải luôn giữ vị thế độc tôn, duy nhất là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế, chiếm lĩnh trong lòng công chúng, giữ vững được vai trò, chức năng định hướng dư luận xã hội trong thời đại công nghệ số khi người dân được tiếp cận thông tin mở. Để làm được điều đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí cần phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiện đại hóa các phương tiện thông tin truyền thông. Trong xu thế phát triển của thời đại 4.0, chuyển đổi số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin và bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của Nhân dân,… Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”3. Đồng thời, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, nhà báo, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ nhà báo phải thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, thường xuyên “rèn bút, luyện nghề” với một tôn chỉ “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác và hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo. Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo; quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí. Đội ngũ phóng viên, nhà báo cần tích cực đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, đáp ứng nhu cầu của công chúng, người làm báo phải thực sự là người làm cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.25.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.146.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.272.
Văn Chương