Phòng chống ung thư cổ tử cung – Kỳ 5
Kính thưa quý độc giả, để tổng quát kiến thức và phòng ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung, ban biên tập trân trọng gửi đến quý vị loạt bài viết chuyên sâu của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Quốc tế DNA – TP. Hồ Chí Minh. Kính mời quý vị theo dõi !
Kính thưa quý độc giả, để tổng quát kiến thức và phòng ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung, ban biên tập trân trọng gửi đến quý vị loạt bài viết chuyên sâu của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Quốc tế DNA – TP. Hồ Chí Minh. Kính mời quý vị theo dõi !
Kỳ 5 : CÁC QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Xem thêm:
Kỳ 1 – Ung thư cổ tử cung nguy hiểm và phổ biến ở phụ nữ
Kỳ 2 – Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Kỳ 3 – Mọi phụ nữ đều có nguy cơ ung thư cổ tử cung
Kỳ 4 – Ung thư cổ tử cung có thể lây lan qua đường tình dục
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ trong độ tuổi 45 đến 55 ở Việt Nam. Căn bệnh này gây ra gánh nặng và những tổn thất vô cùng to lớn về sức khoẻ và tình thần cho bản thân người phụ nữ mắc bệnh và cả những người thân trong gia đình. Do đó việc chị em phụ nữ hiểu và phòng tránh căn bệnh này là rất cần thiết.
Trong bài này, chúng tôi xin phép cung cấp đến các bạn những cách nhìn sai lầm về căn bệnh này, nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Ung thư cổ tử cung là do “Trời kêu ai nấy dạ” không thể phòng tránh và không thể điều trị khỏi?!
Bệnh ung thư nói chung, trong đó có ung thư cổ tử cung, trước đây là bệnh hiểm nghèo, khi người bệnh mắc phải thì việc điều trị rất cực nhọc và tốn kém và kết quả thường là xấu, người bệnh sẽ suy kiệt dần rồi dẫn đến tử vong. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân thường xem bệnh ung thư là do “Trời kêu ai nấy dạ”, và xem đó như là một định mệnh không thể phòng tránh được.
Tuy nhiên ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, cùng những tiến bộ mới nhất của y học, người ta đã tìm ra được nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung và nhất là tìm ra được vắc xin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung, cũng như các phương pháp giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn còn rất sớm, giúp việc điều trị hiệu quả hơn.
Vì thế ung thư cổ tử cung không phải là bệnh do “Trời kêu ai nấy dạ”.
Thăm khám phụ khoa
Ung thư cổ tử cung là bệnh do di truyền?!
Những cuộc khảo sát kiến thức cộng đồng được thực hiện cho thấy đa phần những người được hỏi đều cho rằng ung thư cổ tử cung là do di truyền, có nghĩa là trong gia đình nếu có bà, mẹ, chị . . . bị ung thư cổ tử cung thì con cháu gái sẽ có thể bị ung thư cổ tử cung. Nhưng thật ra, UTCTC không phải loại bệnh do di truyền. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đã được xác định là do nhiễm virus HPV, một loại virus gây u nhú ở người có tỉ lệ lây nhiễm rất cao qua đường tình dục.
Đời sống vợ chồng chung thủy, vệ sinh cá nhân tốt sẽ không bị ung thư cổ tử cung?!
Trước đây, người ta ghi nhận rằng: ung thư cổ tử cung thường xảy với những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, có bạn tình có quan hệ tình dục với nhiệu người, sinh đẻ nhiều và vệ sinh cá nhân kém…
Tuy nhiên, ngày nay y học đã chứng minh được rằng đây chỉ là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư cổ tử cung.
Kỹ thuật soi cổ tử cung
HPV lây truyền chủ yếu qua các đường sau đây:
- Đường tình dục như:
- Sinh dục – sinh dục.
- Tay – sinh dục.
- Miệng – sinh dục.
- Không tình dục như:
- Dùng chung đồ vật: quần áo lót, chăn mền . . .
- Dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng.
- Mẹ truyền sang con lúc sinh.
Trong đó nhiễm HPV là nhiễm trùng đường sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ. Do đó ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, và bất kỳ lứa tuổi nào.
Nhiễm HPV sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung?!
Nhiều phụ nữ hết sức lo lắng, nhất là khi cằm trong tay kết quả xét nghiệm cho biết mình đã bị nhiễm HPV, như thế có nghĩa là họ sẽ bị ung thư cổ tử cung?! Điều này hoàn toàn chưa chính xác, bởi lẽ không phải nhiễm HPV chủng nào cũng gây ung thư cổ tử cung. Khoa học đã chứng minh chỉ có những chủng HPV nguy cơ cao mới có khả năng sinh ung thư như các chủng: 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58 . . .Chỉ có khoảng hơn 20/100 chủng HPV có khả năng gây ung thư. Hơn nữa, không phải nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao là chắc chắn dẫn đến ung thư, thường thì sẽ tự khỏi sau một thời gian. Chỉ khi nào nhiễm dai dẵng trên 2 năm thì mới có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung sau này.
Đã tiêm chủng ngừa HPV thì không cần khám tầm soát?!
Vắc xin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung là một thành tựu to lớn của y học, việc tiêm ngừa vắc xin này sẽ đem lại hy vọng khống chế được căn bệnh nguy hiểm chết người từ trước đến nay. Tuy nhiên, chúng ta cần biết HPV là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung, phần nguyên nhân còn lại thì y học còn đang nghiên cứu. Vì vậy, việc khám phụ khoa, soi cổ tử cung và thực hiện tầm soát bằng pap’s smear cùng với xét nghiệm HPV định kỳ ít nhất mỗi năm một lần là rất cần thiết đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, dù có được chủng ngừa hay chưa. Phương pháp này giúp kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm để có thể điều trị kịp thời.
Kỹ thuật làm Pap Smear
Không cần thiết chủng ngừa HPV sớm?!
Nhiều phụ huynh cho rằng con gái họ còn nhỏ, chưa đến tuổi trưởng thành, và có thể kiểm soát được các mối quan hệ của cháu nên không cần thiết phải tiêm chủng sớm.
Theo các chuyên gia, đây là quan niệm không đúng, bởi vì như mọi loại vắc xin, vắc xin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung nên tiêm chủng vào thời điểm mà cá nhân chưa bị nhiễm, lúc đó vắc xin sẽ phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh.
Trên đây là những quan niệm sai lầm cơ bản về bệnh ung thư cổ tử cung. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp đến các bạn những kiến thức hữu ích để chúng ta cùng nhau phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, bảo vệ những người phụ nữ thân yêu của chúng ta luôn khỏe mạnh .
(Còn tiếp)
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bệnh viện Quốc tế DNA
Địa chỉ: 1015 Trần Hưng Đạo, P5, Q5, Tp.HCM
Hotline: 1900 2840
Email: info@benhvienquoctedna.vn
Facebook: facebook.com/benhvienquoctedna.vn