Tật dính lưỡi ở trẻ em: Những thông tin cần biết
Dị tật này có thể được phân thành 2 loại: Dính lưỡi toàn phần: rất hiếm gặp và xảy ra khi lưỡi dính hoàn toàn vào sàn miệng và dính lưỡi bán phần: Dính một phần của lưỡi vào vùng sàn miệng.
Tỷ lệ mắc tật dính lưỡi thay đổi từ 0,2% đến 5% tùy thuộc vào đối tượng được thăm khám. Tỷ lệ trẻ gặp tại bệnh viện nhi có vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ là gần 3%, xu hướng hay gặp hơn ở trẻ em trai. Tỷ lệ mắc tăng cao trong các trẻ bị các rối loạn khác như hội chứng Smith-Lemli-Opitz, hội chứng Orofacial, hội chứng Beckwith Weidman, hội chứng Simpson-Golabi-Behmel và các trẻ em bị hở hàm ếch.
Hình ảnh Dị tật dính lưỡi
Trẻ bị tật dính lưỡi thường có biểu hiện như thế nào?
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
– Qua hỏi bệnh: Cần phỏng vấn các bà mẹ về khả năng bú sữa mẹ của trẻ: Trẻ sơ sinh có tỏ ra chán nản, hay gặp khó khăn khi bú mẹ không? Mẹ có cảm thấy đau hoặc khó chịu khi cho con bú không? Do quá trình bú sữa gặp khó, trẻ thường bú rất lâu nên chậm lên cân và hay quấy khóc, và do hạn chế cử động của lưỡi nên trẻ sẽ gặp phải tình trạng nói ngọng, không rõ tiếng.
– Khám bệnh: Kiểm tra khoang miệng và đánh giá tật dính lưỡi nên được thực hiện sớm đối với trẻ sơ sinh: Bác sĩ sẽ khám kiểm tra hình dáng và vận động của lưỡi. Bình thường, lưỡi có thể di động > 16mm. Khi trẻ bị bệnh, phần lưỡi bị bám dính thường nằm ở phía sau đầu lưỡi khoảng 1cm và bám dính đến gờ xương ổ răng cửa dưới, gần cơ cằm lưỡi vùng sàn miệng.
– Dính lưỡi mức độ I: dính lưỡi nhẹ: 12-16mm
– Dính lưỡi mức độ II: dính lưỡi vừa phải: 8-11mm
– Dính lưỡi mức độ III: dính lưỡi nặng = 3-7mm
– Dính lưỡi mức độ IV: dính lưỡi hoàn toàn < 3 mm (Theo phân loại của Kotlow)
Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non/đi học:
Trong trường hợp bị dính lưỡi, các âm như ‘t’, ‘d’, ‘l’, ‘th’ và ‘s’ có thể trẻ sẽ phát âm không chính xác. Ở một số bệnh nhân chậm nói, sau khi khám để loại trừ các bệnh về thính giác và phát triển thần kinh có thể là nguyên nhân yếu tố căn nguyên, cha mẹ có thể cần can thiệp phẫu thuật chỉnh sửa phanh lưỡi với hy vọng trẻ có thể nói và phát âm bình thường.
Trẻ bị tật dính lưỡi, tùy mức độ dính, có thể có các biểu hiện trên lâm sàng và gây nhiều hậu quả:
– Lưỡi có thể to hoặc có hình dạng khác thường (chẻ lưỡi)
– Trẻ sơ sinh bị tật dính lưỡi có thể gặp khó khăn khi ngậm núm vú
– Sâu răng: Sâu răng có thể xảy ra do các mảnh vụn thức ăn không được loại bỏ do lưỡi bị hạn chế vận động, khó làm sạch thức ăn bám vào răng.
– Ngáy và đái dầm khi ngủ là tình trạng phổ biến ở trẻ bị dính lưỡi
– Trẻ nhai và nuốt thức ăn khó có thể làm tăng tình trạng đầy hơi và đau dạ dày
– Cắn hở vùng răng trước: do lực đẩy được tạo ra khi trẻ bị dính lưỡi, lâu dài sẽ làm thưa các răng cửa hàm dưới, tiến triển dần thành bệnh viêm quanh răng, lung lay răng
– Trẻ khó có thể tham gia vào các hoạt động hay trò chơi liên quan đến chuyển động và cử chỉ của lưỡi
– Mất tự tin: Người ta đã ghi nhận trên thực tế rằng nhiều trẻ lớn hoặc người trưởng thành về sau này sẽ tự ti, xấu hổ hoặc bực bội về tật dính lưỡi của mình do suốt một quá trình bị bạn bè trêu chọc
Hình ảnh Phẫu thuật cắt phanh lưỡi ở trẻ bị tật dính lưỡi
Cách xử trí trẻ bị tật dính lưỡi?
Nhiều phương pháp điều trị với trẻ bị tật dính lưỡi như: theo dõi trẻ, trị liệu ngôn ngữ, phẫu thuật cắt bỏ phanh lưỡi dưới gây tê tại chỗ, cắt bỏ phanh lưỡi dưới gây mê toàn thân và tạo hình chữ Z… có thể được áp dụng trên lâm sàng tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Nhiều tác giả đã đề xuất, do tính chất can thiệp phẫu thuật ít xâm lấn (tiểu phẫu thuật) và bệnh có thể tiềm ẩn nhiều những khó khăn về phát âm, ngôn ngữ cũng như các vấn đề xã hội và cơ học sau này, có thể cân nhắc phẫu thuật cho trẻ em bị tật dính lưỡi đáng kể ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dù chưa có triệu chứng rõ ràng.
TS. BS Nguyễn Hùng Hiệp