Hotline: +84 0777. 943. 888

Tất tần tật về bệnh u tuyến giáp

02/11/2024 15:38

U tuyến giáp là một bệnh lý khá thường gặp thuộc hệ thống nội tiết của cơ thể, với tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Đa số người bệnh tình cờ phát hiện khối u tuyến giáp sau khi thăm khám kiểm sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh các vùng liên quan.

U tuyến giáp là một bệnh lý khá thường gặp thuộc hệ thống nội tiết của cơ thể, với tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Đa số người bệnh tình cờ phát hiện khối u tuyến giáp sau khi thăm khám kiểm sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh các vùng liên quan.

U tuyến giáp là bệnh gì?

U tuyến giáp hay còn gọi bướu nhân tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi xuất hiện tổn thương dạng khối khu trú nằm trong nhu mô tuyến giáp. Đây là bệnh khá thường gặp với tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao gấp 5 lần so với nam giới. Độ tuổi mắc phải căn bệnh này phổ biến nhất trong khoảng từ 30 – 55 tuổi, tuy nhiên những năm gần đây bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Ung Thu Tuyen Giap 2 600x467

U tuyến giáp có mấy loại?

Khối u tuyến giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân và rất khó có thể sờ tay để phát hiện ra do chúng thường có kích thước đường kính khá nhỏ (< 1cm) ở giai đoạn đầu. Hầu hết nhân tuyến giáp ở dạng đặc, chỉ có khoảng dưới 25% là ở dạng dịch lỏng. Dựa trên xét nghiệm giải phẫu bệnh, u tuyến giáp thường được phân thành hai loại chính là u tuyến giáp lành tính và u tuyến giáp ác tính (ung thư tuyến giáp)

U tuyến giáp lành tính (Thyroid Adenoma)

U tuyến giáp lành tính là những khối u (bướu nhân) chứa đầy chất rắn hoặc chất lỏng hình thành bên trong nhu mô tuyến giáp mà không phát triển lan sang các cơ quan bộ phận khác. Các khối u tuyến giáp lành tính không quá nguy hiểm, nhưng có khả năng khiến tuyến giáp tăng hoặc giảm sản sinh một lượng bất thường hormone tuyến giáp, lâu dài có thể gây cường giáp hoặc suy giáp từ đó làm mất cân bằng hormone của các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.

U tuyến giáp ác tính (Thyroid cancer)

U tuyến giáp ác tính hay còn gọi ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi những tế bào bình thường của tuyến giáp biến đổi và phát triển một cách bất thường không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể, từ đó hình thành khối u ác tính. Ung thư tuyến giáp được phân nhỏ thành các thể bệnh như:

Ung thư tuyến giáp thể nhú: Chiếm khoảng 70-80% tổng số trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Tiên lượng của ung thư tuyến giáp thể nhú khá tốt, do thể bệnh này tiến triển chậm. Theo thống kê tỉ lệ sống trên 10 năm từ khi phát hiện bệnh lên tới hơn 90%.

Ung thư tuyến giáp thể nang: Theo thống kê khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân ung thư tuyến giáp là thể nang. Tiên lượng tương đối tốt. Tỉ lệ sống > 5 năm khoảng hơn 80%. Tùy theo mức độ xâm lấn, di căn của các tế bào ung thư mà tỉ lệ sống có thể giảm thấp hơn.

Ung thư tuyến giáp thể tủy: Dạng ung thư này chiếm tỷ lệ 3-5% tổng số bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Có thể gặp ở cả trẻ em, và thường có tính chất gia đình. Thể bệnh này tiên lượng kém hơn, tỉ lệ sống > 5 năm khoảng 50%. Các yếu tố như tuổi, di căn, xâm lấn khiến tỉ lệ sống giảm thấp hơn. Đặc biệt thể bệnh này không dùng iod phóng xạ được do u không bắt iod.

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Tỉ lệ mắc ung thư này khá ít, chiếm khoảng < 3% trong tổng số ung thư tuyến giáp. Thể bệnh này phát triển rất nhanh, xâm lấn, tiên lượng xấu. Đa phần bệnh nhân tử vong sau chẩn đoán khoảng 1 năm.

Những đối tượng nào cần thăm khám bệnh u tuyến giáp

– Những người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp trước đó như viêm giáp mạn tính Hashimoto, viêm giáp bán cấp, cường giáp, suy giảm chức năng tuyến giáp,… thì cần thăm khám định kỳ tuyến giáp để sớm phát hiện các bất thường.

– Những người có người thân trong gia đình như bố mẹ, ông bà, anh chị em,… từng mắc bệnh u tuyến giáp.

– Người thường xuyên tiếp xúc với các chất phóng xạ, chất độc hại từ môi trường sống, nơi làm việc.

– Phụ nữ trên 30 tuổi

– Những người bị rối loạn hoặc suy giảm miễn dịch trong cơ thể

– Người mắc các bệnh béo phì, thừa cân, hay thường xuyên uống rượu bia, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, thức đêm, ăn uống không đủ chất, có lối sống không lành mạnh,… cũng là một trong những nhóm đối tượng cần thăm khám sàng lọc bệnh u tuyến giáp.

Sieu Am Tuyen Giap Nham Phat Hien Som Benh

Những phương pháp chẩn đoán bệnh u tuyến giáp

Bệnh u tuyến giáp thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, do đó các phương pháp khám lâm sàng không có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh u tuyến giáp. Thay vào đó các phương pháp khám cận lâm sàng gần như đưa ra được kết quả chính xác về hình dạng, kích thước, cấu trúc, tính chất của khối u tuyến giáp từ đó giúp bác sỹ lựa chọn phương thức điều trị thích hợp với từng bệnh cảnh cụ thể. Các phương pháp cận lâm sàng được chỉ định trong thăm khám bệnh u tuyến giáp là:

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là chỉ định gần như được đưa ra đầu tiên khi bác sỹ nghi ngờ người bệnh có khôi u ở tuyến giáp. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao thay vì bức xạ để tạo ra hình ảnh, từ đó nhằm xác định hình dạng kích thước và cấu trúc của các khối u nhỏ, phân biệt cấu trúc dạng nang với u đặc hoặc xác định sự hiện diện của đa nhân trong tuyến giáp. Ngoài ra, siêu âm còn được sử dụng như một công cụ trong việc thực hiện sinh thiết lõi bằng kim nhỏ.

Sinh thiết tế bào qua kim nhỏ FNA

Trong trường hợp đã xác định được u tuyến giáp nhưng chưa chẩn đoán được chính xác tính chất khối u là lành tính hay ác tính, phương pháp sinh thiết tế bào qua kim nhỏ FNA sẽ được thực hiện. Đây là một thủ thuật nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng cây kim chuyên dụng nhỏ để chọc vào đúng vị trí khối u tuyến giáp, hút lấy lượng nhỏ tế bào và dịch trong khối u dưới hướng dẫn của siêu âm. Tiếp theo sẽ chuyển tế bào đó đi làm giải phẫu bệnh. Phương pháp này thường được chỉ định ở các nhân giáp có kích thước >1cm hoặc các nhân có hình ảnh bất thường trên siêu âm.

Xạ hình tuyến giáp

Phương pháp này giúp đánh giá hình ảnh chức năng của tuyến giáp, đánh giá tính chất của khối u tuyến giáp thuộc nhân nóng hay nhân lạnh, khả năng bắt iod của u tuyến giáp…

Chụp cắt lớp vi tính (CT scaner) và chụp cộng hưởng từ (MRI)

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được chỉ định để đánh giá sự xâm lấn của khối u tuyến giáp vào các cấu trúc lân cận và di căn hạch một cách cụ thể.

Xét nghiệm máu

Thông qua việc xét nghiệm máu, có thể định lượng các hormone mà tuyến giáp sản xuất tiết ra như T3, T4. Kết quả xét nghiệm cho thấy, khối u tuyến giáp có gây ra tình trạng cường giáp hoặc suy giáp hay không. Trong trường hợp kích thước cổ lớn không phân biệt được do u tuyến giáp hay bệnh bướu cổ, định lượng T3, FT4 và TSH sẽ giúp chẩn đoán phân biệt.

Ngoài ra xét nghiệm máu có thể định lượng TG và Calcitonin trong máu giúp góp phần chẩn đoán u ác tính tuyến giáp-ung thư tuyến giáp.

Từ những kết quả thu được, các bác sỹ sẽ đưa ra được kết luận chẩn đoán xác định khối u tuyến giáp người bệnh đang mắc phải là lành tính hay ác tính, nếu là ác tính thì đang ở giai đoạn mấy và hướng xử trí cho từng trường hợp bệnh cảnh cụ thể.

Khám u tuyến giáp ở đâu

U tuyến giáp là căn bệnh thường gặp hiện nay, tuy nhiên không phải cơ sở y tế nào cũng có thể đưa ra được kết luận chính xác về tình trạng u tuyến giáp của người bệnh là lành tính hay ác tính để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Vậy, một cơ sở khám chữa bệnh uy tín, có thể thăm khám và điều trị bệnh u tuyến giáp tốt nhất phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau:

– Cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh của Bộ y tế.

– Có đội ngũ y bác sỹ chuyên khoa giỏi, dày dặn kinh nghiệm. Đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, nội tiết.

– Cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán bệnh chính xác, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh u tuyến giáp từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

– Quy trình khám bệnh chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.

– Thái độ phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, chu đáo.

– Chi phí khám bệnh hợp lý.

1497602933265 8686180

Điều trị bệnh u tuyến giáp như thế nào?

Sau khi có kết quả chẩn đoán xác định tình trạng bệnh, bác sĩ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp với từng đối tượng bệnh nhân cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe của họ. Ngoài ra, dựa vào kết quả khối u tuyến giáp là lành tính hay ác tính mà các chỉ định điều trị cũng sẽ khác nhau.

Điều trị khối u tuyến giáp lành tính

Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến giáp lành tính được chỉ định trong trường hợp khối u có kích thước lớn gây chèn ép các mô xung quanh, hay người bệnh bị nuốt vướng, khó thở khi nằm và khối u có nhân đơn độc hoặc đa nhân nhưng rõ ranh giới, dễ bóc tách.

Tiêm cồn tuyệt đối

Phương pháp tiêm cồn tuyệt đối được áp dụng với các u tuyến giáp có dịch. Phương pháp này sẽ khiến khối u nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Cồn tuyệt đối làm hoại tử khối u do đông máu và huyết khối tĩnh mạch nhỏ, từ đó gây mất nước tế bào và đông vón protein dẫn đến hoại tử tế bào, tiêu diệt tế bào tiết dịch và xơ hóa mô tiếp xúc với ethanol. Thông qua màn hình siêu âm, bác sĩ sẽ hút dịch sạch trong khoang khối u và sử dụng biện pháp tiêm cồn. Tuy nhiên, phương pháp này ít hiệu quả với các khối u giáp lớn.

Phương pháp đốt sóng cao tần (RFA)

Đốt sóng cao tần tuyến giáp là phương pháp sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số cao để tạo nhiệt giúp tiêu hủy khối u tuyến giáp. Dưới hình ảnh siêu âm, các bác sĩ sẽ phát sóng tần số vô tuyến một cách chính xác để làm nóng các nhân giáp nhằm thu nhỏ chúng. Kỹ thuật này được áp dụng trong các trường hợp u lành tuyến giáp có kích thước từ 1,5cm trở lên kèm theo triệu chứng đau vùng cổ, nuốt nghẹn, khó nói, khối u gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc nhân nóng tuyến giáp gây cường giáp. Tuy nhiên phương pháp này không loại bỏ được hoàn toàn khối u tuyến giáp

Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp

Nếu xét nghiệm chức năng tuyến giáp của người bệnh cho thấy tuyến giáp tăng kích thích sản xuất hoặc không sản xuất đủ hormone tuyến giáp thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng thuốc hormone giáp.

Điều trị khối u tuyến giáp ác tính

Nếu là khối u tuyến giáp ác tính các chỉ định điều trị có thể được đưa ra đó là phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp hoặc toàn bộ hai thùy tuyến giáp. Sau đó sử dụng liệu pháp Iod phóng xạ để tiêu diệt toàn bộ những mô tuyến giáp lành xung quanh khu vực khối u và các vùng tế bào ung thư tuyến giáp siêu nhỏ còn sót lại không được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật.

Ngoài ra, các liệu pháp xạ trị ngoài có thể được khuyến nghị điều trị trong trường hợp người bệnh không thể làm phẫu thuật và ung thư vẫn tiếp tục phát triển sau khi đã điều trị bằng iod phóng xạ.

Tuệ Minh

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888