Hotline: +84 0777. 943. 888

Triệu chứng và cách xử trí khi ngộ độc rượu

02/11/2024 15:47

Ngộ độc rượu là hậu quả nghiêm trọng, có thể gây tử vong do uống phải một lượng rượu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng quá nhiều rượu sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.

Ngộ độc rượu là hậu quả nghiêm trọng, có thể gây tử vong do uống phải một lượng rượu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng quá nhiều rượu sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.

Ngộ độc rượu mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu. Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố Methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép.

Hiểu đúng về bản chất của rượu

Rượu được điều chế từ Ethanol (ethyl alcohol, C2H5OH), tạo ra từ quá trình lên men đường (nguồn gốc duy nhất của loại ethanol dùng làm thực phẩm), cellulose hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm (rượu uống, bia, dấm…) và nhiều mục đích khác (dùng để sát trùng, dung môi…) hoặc rượu tự nấu. Rượu được sản xuất trong công nghiệp đã được khử các chất độc còn rượu tự nấu không thể khử chất độc.

3-2

Hàng năm, Khoa Hồi sức tích cực Nội và Chống độc tiếp nhận rất nhiều ca bệnh liên quan đến ngộ độc rượu

Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa (80% được hấp thu ở ruột non). Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 – 60 phút. Chuyển hóa ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2 – 15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi. Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, nồng độ này giảm khoảng 15 – 30mg/dL/h. Ethanol phân bố dễ dàng vào các môi trường có nước, dễ dàng qua hàng rào máu não, tan rất ít trong mỡ và gắn rất kém với protein.

Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa Methanol (methyl alcohol, CH3OH). Đây là cồn công nghiệp (dùng trong công nghiệp) với nhiều cộng dụng khác nhau (làm sơn, lau chùi véc ni, dung môi…), hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 – 90 phút) gây ngộ độc rất nhanh và nặng. Methanol có thể hấp thu qua da và đường hô hấp.

Các loại ngộ độc rượu

Ngộ độc mạn tính

Ngộ độc mạn tính thường xảy ra đối với những người nghiện rượu khi nạp rượu liên tục thời gian trong nhiều ngày liên tiếp. Thông thường đối với những người nghiện rượu thì tửu lượng tăng theo thời gian nhưng việc ngộ độc mạn tính thường diễn ra tiềm ẩn và âm thầm tàn phá các bộ phận trong cơ thể. Khi ngộ độc rượu mạn tính thường xuất hiện các triệu chứng thường xuyên và thường có nguy cơ tái ngộ độc nếu người bệnh tiếp tục sử dụng rượu.

Ngộ độc cấp tính

Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố Methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (vì chất hóa học Methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).

Ngộ độc rượu Ethanol, Methanol

Ngộ độc rượu Ethanol thường xuất phát từ triệu chứng nhẹ như mất kiểm soát, kích thích, hung hăng đến các triệu chứng chuyển nặng như khó thở, hôn mê, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp. Hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu Ethanol chuyển biến nặng thường xuất hiện từ 3 – 4 giờ khi có các dấu hiệu ngộ độc nhẹ.

Đối với trường hợp ngộ độc rượu methanol thường xuất hiện khi sử dụng các loại rượu pha chế. So với ngộ độc ethanol thì methanol cũng gây ra các triệu chứng ngộ độc nhẹ tương tự. Điểm khác biệt chính là ngộ độc methanol sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng sau 8 tiếng kể từ uống rượu. Đối với trường hợp sử dụng kết hợp 2 dạng cồn này sẽ có thời gian biểu hiện ngộ độc rượu sau từ 18 – 24 giờ. Biến chứng ngộ độc rượu methanol thể hiện mạnh và nguy hiểm hơn như thở nhanh, tắt đường thở, giãn đồng tử, mạch nhanh, co giật, sùi bọt mép,…

Biến chứng nghiêm trọng khi ngộ độc rượu

– Nghẹt thở khi nôn do rượu trong tình trạng ngộ độc sẽ dễ khiến cho người bệnh nghẹt thở.

– Ngưng thở do vô tình hít ngược lại chất nôn vào bên trong phổi khiến cho hô hấp bị rối loạn tạm thời gây nguy hiểm và có thể ngạt thở.

– Khi ngộ độc rượu khiến cho cơ thể mất nhiều nước do các chất cồn khiến cơ thể nóng lên và cùng với đó khi ngộ độc sẽ khiến cơ thể hạ nhiệt, toát mồ hôi. Bên cạnh đó, nôn cũng là nguyên nhân gây mất nước.

– Co giật xuất hiện khi đường huyết bị hạ đột ngột do không xử trí ngộ độc rượu kịp thời.

– Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim ngừng đập bất kỳ lúc nào hoặc mất mạch, tim đập không đều.

– Ảnh hưởng tổn thương trực tiếp đến não nếu người bệnh rơi vào tình trạng hôn mê. Phần lớn những người bệnh hôn mê do ngộ độc rượu thường khó hồi phục như trạng thái ban đầu.

– Tử vong bất kỳ lúc nào nếu không được xử trí ngộ độc rượu kịp thời.

Cách xử trí ngộ độc rượu khẩn cấp

Theo BSCKII Bùi Văn Tám – Trưởng Khoa Hội sức tích cực Nội và Chống độc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cách xử trí ngộ độc rượu khẩn cấp và an toàn nhất chính là gọi ngay đến số điện thoại cấp cứu và đưa người có dấu hiệu ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ đợi thì người thân hoặc người xung quanh cần thực hiện một số cách sơ cứu tạm thời như:

– Giữ người bệnh tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có y tế cấp cứu.

– Không nên để người bất tỉnh một mình để giúp tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Lúc này có thể đặt người bệnh nằm đầu cao hoặc ngồi. Trường hợp nếu không thể ngồi thì nên đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.

– Hô hấp nhân tạo khi có dấu hiệu ngưng thở cho đến khi có hỗ trợ từ y tế chuyên nghiệp. Quan sát các diễn tiến của người bệnh để thông tin ngay khi có bác sĩ cấp cứu.

– Giữ người bệnh nằm yên và hạn chế cử động để tránh va đập vào các vật cứng.

– Giữ ấm cơ thể cho người bệnh để tránh hạ thân nhiệt đột ngột gây tử vong

– Ghi nhớ về loại rượu hoặc lấy mẫu loại rượu người bệnh đã uống để cung cấp cho bệnh viện. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có thể xác định đúng loại ngộ độc để có thể xử trí ngộ độc cấp cứu kịp thời.

Ngộ độc rượu là tình trạng khẩn cấp cần được cấp cứu ngay khi phát hiện các triệu chứng để tránh trường hợp chuyển biến nặng hoặc nghiệm trọng hơn là tử vong. Việc xử trí ngộ độc rượu kịp thời không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp cho người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm.

 BSCKII Bùi Văn Tám – Trưởng Khoa Hội sức tích cực Nội và Chống độc,

Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888