Từ 1/1/2025, các giao dịch nào bị dừng nếu tài khoản chưa định danh?
Từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online.
Những trường hợp bị ngừng giao dịch nếu không xác thực sinh trắc học
Theo các thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số giao dịch ngân hàng buộc xác thực sinh trắc học theo quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, Thông tư 17 quy định chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).
Từ 01/01/2025: Không xác thực sinh trắc học sẽ không thể giao dịch online. (Ảnh minh họa)
Thông tư 18 cũng yêu cầu giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính... Còn các giao dịch thẻ trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS) vẫn diễn ra bình thường, không yêu cầu phải sinh trắc học.
Như vậy, giao dịch ngân hàng bị dừng nếu không xác thực tài khoản bao gồm: Các giao dịch trực tuyến như chuyển tiền qua Internet Banking và Mobile Banking; thanh toán hóa đơn; liên kết và sử dụng ví điện tử.
Với hình thức giao dịch tại máy ATM hoặc CDM, khách hàng cũng sẽ không thể sử dụng các dịch vụ như nộp, rút tiền mặt; chuyển khoản và thanh toán.
Với dịch vụ thẻ, các giao dịch bị dừng nếu không xác thực thông tin khách hàng sẽ là: Kích hoạt hoặc gia hạn thẻ; thanh toán thẻ qua POS.
Ngoài các dịch vụ trên, nếu tài khoản ngân hàng không xác thực thông tin, khách hàng sẽ không thể sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán giao dịch mua sắm trực tuyến.
Theo quy định tại Luật Căn cước, từ ngày 1/1/2025, chứng minh nhân dân (CMND) và căn cước công dân (CCCD) 9 số sẽ không còn hiệu lực.
Do đó, người dân cũng cần cập nhật CCCD gắn chip và thực hiện xác thực sinh trắc học để tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Các quy định này của NHNN nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch online và giúp giảm thiểu tối đa hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng cho rằng việc khách hàng không cập nhật thông tin trước ngày 1/1/2025 sẽ dẫn đến gián đoạn trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch tài chính cá nhân.
Về việc người Việt Nam ở nước ngoài, giám đốc ngân hàng số của một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài không mang thẻ căn cước hoặc CCCD thì việc xác thực sinh trắc sẽ khó khăn. Khi đó, những cá nhân này buộc phải về nước và cập nhật dữ liệu sinh trắc học thì mới có thể giao dịch được.
Còn những người có mang căn cước công dân gắn chip đi và có đầy đủ các dữ liệu về sinh trắc học về gương mặt, về các dữ liệu về số căn cước thì các dữ liệu đấy sẽ được cập nhật online dựa trên app của ngân hàng.
Hiện các app của ngân hàng đã có sẵn tính năng cập nhật sinh trắc học trực tuyến. Người dùng chỉ cần làm đúng hướng dẫn với công nghệ NFC thì cũng có thể cập nhật dữ liệu sinh trắc học ngay lập tức nếu có mang theo CCCD.
Các bước để tự xác thực sinh trắc học tại nhà
Để có thể tự cập nhật thông tin sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng/ví điện tử tại nhà, người dùng cần chuẩn bị CCCD có gắn chip hoặc thẻ căn cước và làm theo các bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Truy cập vào ứng dụng của ngân hàng/ví điện tử trên thiết bị thông minh.
- Bước 2: Chụp hình hai mặt CCCD có gắn chip hoặc thẻ căn cước.
- Bước 3: Quét chip trên CCCD/thẻ căn cước trên điện thoại có NFC để kết nối thông tin.
- Bước 4: Chụp ảnh khuôn mặt để xác thực.
Trường hợp người dân không có điện thoại thông minh hoặc điện thoại không có NFC hoặc không tự cài sinh trắc học tại nhà được thì có thể đến phòng giao dịch của ngân hàng mà mình đã mở thẻ để được hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. Lưu ý, khi đi cần mang theo thẻ CCCD hoặc thẻ căn cước.
Với quy định tại Thông tư 18 do NHNN ban hành, thông tin sinh trắc học không chỉ dùng trong trường hợp chuyển khoản mà còn được đưa vào sử dụng để xác định tài khoản chính chủ. Đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản "rác", vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo.