Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thi đua ái quốc” và sự vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc là văn kiện có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước nói riêng, với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, thể hiện sự sáng tạo, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của dân tộc, là động lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội và con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 75 năm qua, nhưng những tư tưởng cốt lõi trong lời kêu gọi Thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị và có tính thời sự sâu sắc đối với phong trào thi đua ái quốc hiện nay.
Một số quan điểm của Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc
Thi đua yêu nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đã từng bước phát triển, thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng, đem lại những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ I (6/5/1952) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu, là công việc thường xuyên, liên tục, là “công việc hàng ngày của tất cả mọi người”, thi đua ở mọi lúc, mọi nơi, trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước. Thi đua với tinh thần: “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua.” Thi đua không chỉ là hoạt động cụ thể, sáng tạo trong lao động sản xuất và chiến đấu, mà thi đua còn là một hoạt động mang tầm tư tưởng, chính trị và tinh thần. Qua phong trào thi đua sẽ đánh giá được ý chí, nghị lực của con người, tinh thần đoàn kết nhất trí trong cộng đồng dân cư và toàn thể dân tộc. Thi đua chính là môi trường tốt nhất để tăng cường và phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, là sợi dây gắn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Thông qua phong trào thi đua, mỗi người dân Việt Nam sẽ có cơ hội phát huy khả năng, thế mạnh của mình, cống hiến trí lực vào sự nghiệp cách mạng chung: “Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm” phấn đấu vì mục tiêu làm cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một thành tố quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước được hình thành và phát triển trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về vai trò của quần chúng. Từ tiếp thu và phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; từ thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc được thể hiện nổi bật trong tác phẩm: Lời kêu gọi thi đua ái quốc, trong các bài nói của Người từ “Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc” lần I, II, III, IV và trong hơn 30 bài nói và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các hội nghị thi đua yêu nước của các ngành, các giới, các lực lượng, các địa phương từ năm 1951 đến 1968.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc được tập trung ở một số nội dung sau đây:
Thi đua và yêu nước là hai thành tố luôn gắn bó mật thiết, biện chứng với nhau. Trên cơ sở kế thừa truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua thông qua những hoạt động cụ thể của mỗi con người trong quá trình lao động sản xuất và chiến đấu. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua và ái quốc có mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa vận mệnh quốc gia, dân tộc và thi đua: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua yêu nước là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân và hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, yêu công việc cách mạng, thực hiện tốt công việc hàng ngày. Thi đua chính là động lực thúc đẩy đất nước hùng cường: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước quật cuờng chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, chúng ta phải đi mau. Vì vậy, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”.
Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “Thi đua là yêu nước, thi đua là đoàn kết, Thi đua là cải tạo bản thân; là hoàn thành nhiệm vụ; Tổ chức đoàn kết, vững mạnh” Con người tiến bộ: khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, cải tạo bản thân con người. Mục đích của Thi đua yêu nước là thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng tiến tới mục đích cuối cùng là làm cho nước nhà nhanh được độc lập, tự do, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, đời sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc – kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Thi đua yêu nước phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… phải bám sát mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua lần thứ IV), tháng 12/1966, tại Hà Nội (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lực lượng tham `gia thi đua yêu nước là toàn dân: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau… mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Động lực thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, là “lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Thi đua yêu nước là một phong trào cách mạng rộng lớn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến tất cả các thành phần, tầng lớp, xã hội. Do đó Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức một cách chặt chẽ, thông suốt, liên tục và bền bỉ. Do đó, khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn các cấp ủy phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát động, nuôi dưỡng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Phương châm thi đua yêu nước: Theo Hồ Chủ tịch “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề” mà là “Người đó trước hiểu biết dẫn dắt người đi sau”, “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”. Thi đua phải gắn liền với khen thưởng, khen thưởng phải đúng người, đúng việc và kịp thời. Cách làm thi đua: Dựa vào lực lượng của dân; Dựa vào tinh thần của dân; Để gây hạnh phúc cho dân.
Thi đua ái quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không đơn thuần thể hiện ở những lời kêu gọi, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến từng phong trào thi đua cụ thể, thi đua phải có tính thực tiễn, phải đem lại kết quả thiết thực, qua thi đua phải thực sự đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc, nền độc lập của dân tộc ngày càng được đảm bảo, giữ vững.
Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy, dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào thi đua yêu nước. Ngày 01/6/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 2 sắc lệnh: Sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc tư và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp; Sắc lệnh số 196-SL về việc đề cử những cán bộ có uy tín trong Chính phủ, Quốc hội, đoàn thể vào Ban vận động thi đua ái quốc do cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Người chỉ đạo Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương phải có kế hoạch, chương trình huấn luyện thiết thực, có ban huấn luyện, cán bộ huấn luyện chuyên nghiệp làm nòng cốt cho các phong trào thi đua ở các cấp, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.
Người luôn nhấn mạnh, để thi đua đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống, thì cần phải bám sát phong trào thi đua. Phải phát huy được truyền thống yêu quê hương, đất nước ở mỗi con người Việt Nam, phải có kế hoạch thi đua cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân tham gia phong trào, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh bệnh thành tích, hình thức… Bên cạnh đó, để phong trào thi đua đạt kết quả tốt thì cần phải có sự đánh giá tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về những kết quả đã đạt được để kịp thời phát huy những mặt tích cực, sửa đổi những mặt hạn chế … Người chỉ rõ: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”
Thi đua ái quốc trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đảng, Chính phủ đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 27/3/1948, trong bối cảnh khó khăn, thách thức của những năm đầu cuộc kháng chiến kiến quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ “Thi đua ái quốc là gì? Là ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai (1945 – 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều phong trào thi đua được phát động như: Phong trào “Tuần lễ vàng”, xây dựng Quỹ Độc lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến, Quỹ đảm phụ quốc phòng, phong trào Bình dân học vụ “diệt giặc dốt”, phong trào thi đua xây dựng “Đời sống mới”, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp như: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (ngày 01/3/1950), thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” (tháng 02/1951), “thi đua đóng thuế nông nghiệp” (tháng 3/1953),… Tại Đại hội chiến sỹ thi đua yêu nước lần thứ I….
Các phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975): Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết ngày 26/01/1961 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”, và nhất là từ khi miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, Các phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công,” “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… ở miền Nam; các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,… ở miền Bắc.
Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cùng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất: Đảng ta tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (năm 1986), đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Trong lĩnh vực Giáo dục – đào tạo, thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”; “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Thầy gương mẫu, trò chăm ngoan, trường khang trang, lớp thân thiện”; phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Khu vực sản xuất – kinh doanh có phong trào: “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khu vực hành chính, sự nghiệp với phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, thực hiện Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao sự hài lòng của người dân về các dịch vụ xã hội; Lĩnh vực Y tế có phong trào: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Lương y phải như từ mẫu”; phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”…
Phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,… Và gần đây là cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua đã bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực.
Vận dụng tư tưởng Thi đua ái quốc Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Nhận thức được tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào thi đua yêu nước, coi đó là động lực quan trọng hàng đầu đưa nước ta vượt qua khó khăn thử thách, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo đà đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất cần làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thi đua ái quốc trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nhờ phong trào thi đua yêu nước mà nhân dân ta đã từng bước giành thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, nước ta thực hiện đường lối đổi mới, bước sang nền kinh tế thị trường, có không ít nhận thức sai lầm cho rằng thi đua lúc này không còn quan trọng nữa, bởi vì trong nền kinh tế thị trường mạnh ai người ấy làm trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Điều này trái ngược với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, vì theo Người, thi đua là tất yếu, là “công việc hàng ngày của tất cả mọi người”, là vấn đề chiến lược lâu dài, luôn có tính thời sự, thi đua không chỉ trong lịch sử, hiện tại mà cả tương lai: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm nào” và “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta làm chủ nước nhà”. Thi đua ở mọi lúc, mọi nơi, trước đây, thi đua kháng chiến, kiến quốc thành công, thì ngày nay thi đua nhằm đảm bảo nền độc lập vững chắc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, thi đua phải thiết thực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thông qua các bài viết, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh công việc thi đua là trách nhiệm của toàn xã hội, được thực hiện trong mọi lúc, mọi nơi, thi đua phải thiết thực, hiệu quả, với tinh thần: “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua”.
Nhận thức được tầm quan trọng của thi đua trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã có những chỉ đạo sát sao đối với các phong trào thi đua nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của phong trào thi đua trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, thi đua yêu nước lại có những nét mới về chất và đặc điểm mới, cũng như mục tiêu mới. Do vậy, khi đề ra mục tiêu thi đua phải luôn gắn liền với nhiệm vụ công việc hàng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng để hướng quần chúng nhân dân vào mục tiêu đó mà phấn đấu thi đua đạt kết quả tốt.
Thi đua phải có mục đích, mục tiêu cụ thể. Nếu như trước kia, thi đua nhằm ba mục đích: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, thì nay mục tiêu của thi đua phải luôn bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của từng địa phương, đơn vị. Mỗi cá nhân, tập thể phải có mục tiêu cụ thể, thiết thực trong quá trình thi đua, thi đua phải gắn chặt với các hoạt động lao động, sản xuất, học tập của từng ngành, nghề, với mọi lứa tuổi, từng vùng miền… Thi đua phải có mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Gắn liền với thi đua hăng say lao động sản xuất cần phải thi đua cần, kiệm, liêm, chính, chống quan liêu, tham ô lãng phí.
Thi đua là dùng lực lượng của dân, tinh thần của dân để đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Thi đua là phong trào của dân, vì lợi ích của dân và do chính dân thực hiện. Do vậy, muốn phong trào thi đua đạt kết quả tốt cần phải huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trên phạm vi toàn quốc với tinh thần: “Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều”.
Thứ ba, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác thi đua.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác thi đua. Trong các bức thư gửi Hội thi đua ái quốc, Người thẳng thắn phê bình những mặt chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khen ngợi những việc đã làm được và cần phát huy hơn nữa. Trong Thư gửi Hội Thi đua ái quốc tháng 6/1949, Người viết: “Tôi gửi lời thân ái chúc Hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là vài ý kiến của tôi đối với phong trào thi đua ái quốc, để giúp cho các đại biểu thảo luận: Phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái. Nhiều đơn vị đã có kết quả khá. Nhưng: Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng; Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm. Vậy tôi rất mong Hội nghị tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy, và mỗi một cán bộ, mỗi một đồng bào, mỗi một ngành đều ra sức thiết thực thi đua với tinh thần chuẩn bị tổng phản công. Như vậy, thì thi đua nhất định thành công.”
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phong trào thi đua ái quốc, ngày 23/1/2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), trong đó nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, đưa phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực to lớn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong thi đua, khen thưởng như: “bệnh thành tích”, “hão danh”, thậm chí là “chạy” các hình thức khen thưởng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy huân chương”; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.
Gắn liền với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác thi đua thì sự cần thiết phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, người cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng. Người lãnh đạo làm công tác thi đua, khen thưởng ngoài việc nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, thì cần có tinh thần hăng say, nhiệt tình với công việc, có năng lực, có khả năng tổ chức phong trào, “chí công vô tư” trong đánh giá, bình xét thi đua…
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn Ban thi đua khen thưởng, kịp thời động viên khen thưởng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, ngày 10/12/2020
Những năm gần đây, công tác thi đua khen thưởng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thoát nghèo, phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các phong trào thi đua mới tiếp tục được phát động tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi con người Việt Nam, các Đại hội thi đua toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, qua đó biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua toàn quốc. Công tác khen thưởng từng bước được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời và quan tâm người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng phải phản ánh đúng kết quả của từng phong trào, cá nhân thi đua, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương, khơi gợi tinh thần thi đua yêu nước đối với mọi người dân. Việc khen thưởng, động viên cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời, không nhất thiết phải để đến kỳ sơ, tổng kết mới làm.
Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 19/CT-TW, ngày 22/12/2007, Bộ Chính trị (khóa IX) về việc kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng (2003); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (2013); Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 06/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Bản quy định về đối tượng, tiêu chuẩn Anh hùng thời kỳ đổi mới và các danh hiệu thi đua khác; Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 19/12/2014 về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai rộng lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các Anh hùng, chiến sỹ thi đua được chú trọng, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội; công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học, kịp thời hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng.
75 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đến nay tư tưởng của người về thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Việc vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong thực tiễn đổi mới hôm nay là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, qua đó phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong phạm vi cả nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa nước ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tiến tới xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Bác Hồ hằng mong muốn.
1. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 379
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,tr. 270
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,tr. 419
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 444
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 270
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.9, tr.71.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 270
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 549
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 557
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 236
Thạc sĩ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng