Xếp hạng các yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguy cơ trầm cảm
Trước tỷ lệ tự tử đáng báo động ở giới trẻ, Tiến sĩ Joanna Dipnall thuộc Đại học Swinburne (Úc) lần đầu tiên đưa ra Chỉ số nguy cơ trầm cảm (RID) giúp chuyên gia y tế xác định người có khuynh hướng mắc bệnh, từ đó có giải pháp can thiệp sớm hơn.
Trước tỷ lệ tự tử đáng báo động ở giới trẻ, Tiến sĩ Joanna Dipnall thuộc Đại học Swinburne (Úc) lần đầu tiên đưa ra Chỉ số nguy cơ trầm cảm (RID) giúp chuyên gia y tế xác định người có khuynh hướng mắc bệnh, từ đó có giải pháp can thiệp sớm hơn.
Công bố trên tạp chí Tâm thần học Úc và New Zealand, Tiến sĩ Dipnall cho biết đã phân tích dữ liệu của hơn 5.500 người trưởng thành và xem xét mối liên quan giữa trầm cảm với 5 yếu tố RID gồm: Nhân khẩu học, lối sống, chế độ ăn uống, các chỉ dấu sinh học và rối loạn soma.
Tiến sĩ Dipnall phát hiện, mặc dù các yếu tố khác trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng nguy cơ trầm cảm, song chế độ ăn uống nổi lên như yếu tố liên quan nhiều nhất. Cụ thể, những người thường xuyên tiêu thụ trái cây tươi, rau củ, đặc biệt rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám và bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám ít có nguy cơ bị trầm cảm, trong khi những người có chế độ ăn chứa nhiều đường và thực phẩm chế biến thì dễ mắc bệnh hơn.
Điều này được chứng thực bằng một nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Felice Jacka thuộc Trung tâm Thực phẩm và Tâm thần Deakin (Úc), trong đó phát hiện ruột và hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chức năng miễn dịch đồng thời ảnh hưởng sức khỏe của não bộ. Qua nghiên cứu trên động vật, các chuyên gia nhận thấy việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng tác động đến chức năng của vùng chân hải mã (hippocampus), vùng não quan trọng liên quan đến khả năng học tập, ghi nhớ và điều hòa tâm trạng.
Sau chế độ ăn uống, Tiến sĩ Dipnall xác định yếu tố về lối sống (như khả năng làm việc, hoạt động thể chất, giấc ngủ, thói quen hút thuốc, tình dục và sử dụng thuốc hoặc chất gây nghiện) có tác động đáng kể đến nguy cơ trầm cảm. Tiếp đến là rối loạn triệu chứng thực thể, biểu hiện bằng những cơn đau, sự mệt mỏi, ảnh hưởng tới khớp, sức khỏe đường ruột, chức năng thị giác, thính giác, hô hấp cũng như chức năng gan, tuyến giáp. Tóm lại, Tiến sĩ Dipnall cho biết một người có nguy cơ cao bị trầm cảm nếu có chế độ ăn uống kém lành mạnh, lối sống thất thường và không vận động thể chất.
Tiến sĩ Dipnall cũng hy vọng qua nghiên cứu này mọi người hiểu được trầm cảm không phải bệnh lý đơn giản. Tuy một số yếu tố gây trầm cảm không nằm trong tầm kiểm soát, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi nhằm cải thiện thậm chí đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, chế độ ăn giàu chất xơ được coi là chìa khóa giúp duy trì trạng thái tâm thần khỏe mạnh. Năng tập thể dục, giảm căng thẳng và xây dựng thói quen ngủ tốt cũng là những yếu tố giúp người bệnh ổn định và hồi phục sức khỏe.
Theo SMH