Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ
Chiều ngày 27/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 và Di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, thăm hỏi, tặng quà các đại biểu người có công trên địa bàn.
Chiều ngày 27/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 và Di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, thăm hỏi, tặng quà các đại biểu người có công trên địa bàn.
Dưới đây là bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (huyện Đại Từ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (huyện Đại Từ). (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
“Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; Các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ!
Thưa các đại biểu người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ và toàn thể các đồng chí!
1. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.
Hôm nay, đúng vào ngày 27/7, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, trong không khí hết sức thân tình, đầm ấm, tôi rất xúc động được gặp mặt, trò chuyện với các đại biểu người có công huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên – vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa; và đây cũng chính là nơi vào ngày 27/7/1947 đã diễn ra lễ công bố lấy ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói riêng những tình cảm sâu nặng, lời thăm hỏi ân cần, sự tri ân sâu sắc và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Buổi gặp mặt của chúng ta hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thưa đại biểu người có công và toàn thể các đồng chí!
2. Đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên đã xung phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương.
Hòa chung vào tinh thần chiến đấu của cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng đã luôn đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, anh dũng chiến đấu và hy sinh, cùng quân và dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể, xương thịt của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, các di chứng bệnh tật khác. Có không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Trong chuyến công tác lần này, tôi và Đoàn đại biểu đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 – địa điểm công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh – Liệt sĩ và Di tích lịch sử Quốc gia 60 Liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915 – nơi ghi dấu sự biết ơn và lòng thành kính đối với 60 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thưa đại biểu người có công và toàn thể các đồng chí!
3. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong tổng thể chính sách an sinh xã hội, chính sách với người có công luôn luôn được ưu tiên hàng đầu; chúng ta đã quan tâm dành nguồn lực vật chất và tinh thần để thực hiện các chế độ, chính sách với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về cả vật chất và tinh thần. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng phát triển. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả…
Mới đây, ngày 1/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong 20 năm qua và cũng là cao nhất so với mức điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp của các đối tượng khác; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công. Trong dịp này, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.
Thưa đại biểu người có công và toàn thể các đồng chí!
4. Ngoài các chính sách chung của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có những chính sách riêng, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân cả nước đã tích cực tham gia, có những nghĩa cử cao đẹp với người có công và thân nhân trong điều kiện có thể, bằng các hình thức phong phú, đa dạng, cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ đã có nhiều cố gắng đảm bảo các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Qua báo cáo, tôi xúc động được biết tỉnh Thái Nguyên có trên 130 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có gần 20 nghìn người đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí hằng năm thực hiện chi trả trợ cấp trên 600 tỷ đồng.
Riêng huyện Đại Từ có trên 15 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 1.516 liệt sĩ, 106 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 838 thương bệnh binh; hiện có 3.205 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Tôi đặc biệt xúc động khi biết nhiều bác, anh chị cựu chiến binh, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Các bác, các anh, các chị không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu, mà còn là những chiến sĩ tiên phong trong học tập, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thật sự là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao những kết quả mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng và trân trọng những thành công mà các bác, các anh chị cựu chiến binh trên cả nước đã đạt được, trong đó có các thương bệnh binh, người có công huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Thưa đại biểu người có công và toàn thể các đồng chí!
5. Mặc dù Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.
Tôi yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên:
– Tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
– Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
– Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Nhân dịp này, tôi mong các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói chung, 20 đại biểu tiêu biểu có mặt hôm nay nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất quý giá tốt đẹp của người “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi là những tấm gương sáng, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Thưa đại biểu người có công và toàn thể các đồng chí!
6. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã nêu rõ: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Là địa phương gắn liền với sự ra đời của Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, tôi đề nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hơn nữa đời sống của người có công trên địa bàn.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân tiếp tục chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hơn nữa bằng tất cả tấm lòng, trái tim của mình và với ý thức trách nhiệm cao nhất, coi đây là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Xin chúc các bác, các anh chị thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình Liệt sĩ, Người có công với cách mạng, cùng toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!”.
Theo Báo Chính phủ