Hotline: +84 0777. 943. 888

Báo chí Cách mạng Việt Nam – Chuyện những ngày đầu “Không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”

02/11/2024 15:30

Báo chí Cách mạng Việt Nam sắp chạm mốc 100 năm ra đời và phát triển. Để có được hành trang vẻ vang, nhiều dấu ấn như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới bối cảnh những ngày đầu và nỗ lực tạo dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những ngày đầu của Báo chí Cách mạng Việt Nam ra sao, những điều kiện, yếu tố nào đã góp phần khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng… sẽ là nội dung chính của chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam: Chuyện của những ngày đầu”.

Báo chí Cách mạng Việt Nam sắp chạm mốc 100 năm ra đời và phát triển. Để có được hành trang vẻ vang, nhiều dấu ấn như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới bối cảnh những ngày đầu và nỗ lực tạo dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những ngày đầu của Báo chí Cách mạng Việt Nam ra sao, những điều kiện, yếu tố nào đã góp phần khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng… sẽ là nội dung chính của chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam: Chuyện của những ngày đầu”.

“Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”… Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm kiếm con đường cứu nước, dường như đã rất tâm đắc những quan điểm ấy của V.I. Lênin về báo chí. Và đó cũng chính là một trong những nguyên cớ đầu tiên cho sự ra đời của tờ Thanh Niên của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Từ sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước những năm đầu thế kỷ XX

Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương… Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương/Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”/Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì còn trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì Cụ còn mang nặng cốt cách phong kiến” – đó là những nhận xét của nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành những năm đầu thế kỷ XX trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành tuy lúc đó chưa gặp chủ nghĩa xã hội, nhưng đã thể hiện tầm vóc vượt trước quan điểm cứu nước đương thời là tự ra đi tìm đường cứu nước, không dựa dẫm vào nước nào; không nhờ vả, kêu gọi người khác giúp mình.

Từ sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước tại Việt Nam thời điểm ấy, chàng trai Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Sau này, Người đã nói với nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế… Trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”.

khong co to bao chinh tri thi khong the co phong trao goi la chinh tri hinh 1
Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng – cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Amiral Latouche Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Và ngày 3/6/1911, Người xuống tàu buôn Pháp và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5/6/1911 tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi mang tên Nguyễn Tất Thành.

Tới sự tâm đắc với quan điểm của Lê Nin về báo chí

Con tàu Amiral Latouche Tréville đến Marseille ngày 6/7/1911, tuy nhiên, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành không ở lại Pháp, mà còn đến một số nước ở châu Phi, châu Mỹ, đến nước Anh, tham gia nhiều hoạt động và cuối năm 1917 mới trở lại nước Pháp.

Từ đây, Người bắt đầu những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi tại nước ngoài. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Cũng năm đó, tại Hội nghị ở Versailles, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” (bản Yêu sách tám điểm) gửi tới Hội nghị, gây chấn động nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp vừa mới thành lập, Người cùng một số nhà cách mạng ở các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Cũng chính những năm tháng này, Người bắt gặp và rất tâm đắc những quan điểm của V.I. Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”; “Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.

Người đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của báo chí cách mạng, coi đây là một mặt trận, là một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người khẳng định: báo chí cách mạng phải là cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng, là người dẫn đường về tư tưởng, chính trị, hướng dẫn tuyên truyền về chủ trương, đường lối cách mạng, phản ánh đời sống và tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: “Báo chí là một dạng tiếng nói được ghi lại, truyền rộng ra, phổ biến đến đông đảo người đọc, giúp họ hiểu biết thêm những vấn đề họ chưa hiểu, mong đợi, thắc mắc,… Tờ báo sẽ như một tuyên truyền viên không có mặt mà vẫn đến được với quần chúng. Tờ báo còn hiện diện, tồn tại của một tổ chức cách mạng. Nó đưa ra những sự thật, nên có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền”.

Người cũng nhận diện rõ, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng; Không có một tổ chức tiên phong để lãnh đạo cách mạng theo đường lối và bước đi thích hợp thì cách mạng không thể thành công. Mà muốn phát động và mở rộng nhanh chóng phong trào cách mạng, muốn đi đến sự nhất trí về lý luận, chính trị và tư tưởng để xây dựng tổ chức cách mạng tiên phong thì không thể không có tờ báo cách mạng. Tờ báo ấy – theo quan niệm của Lenin sẽ như một bộ phận của cái lò rèn khổng lồ thổi cho mỗi tia lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và của sự phẫn nộ trong nhân dân bùng lên thành một đám cháy lớn.

Lenin từng bày tỏ quan điểm: Theo ý chúng tôi thì điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập cái tổ chức mong muốn, và cuối cùng sợi dây chính là nếu nắm được nó thì chúng ta có thể sẽ không ngừng phát triển, củng cố và mở rộng tổ chức ấy phải là việc thành lập tờ báo chính trị toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện. Từ việc nhận thức rõ quan điểm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị như mong muốn là cần phải thành lập ngay một tờ báo làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, không có báo thì không thể chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức cơ sở, các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động bí mật. Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lenin: Cái mà nhất thiết chúng ta cần phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Nếu đảng cách mạng không biết thống nhất tác động của mình với quần chúng bằng tiếng nói của báo chí thì ý muốn tác động bằng các phương pháp khác, mạnh mẽ hơn, chỉ là một ảo tưởng mà thôi.

Anh Thư (Nhà báo và Công luận)

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888