Hotline: +84 0777. 943. 888

Bảo vệ mắt cho bệnh nhân trong gây mê và hồi sức tích cực

02/11/2024 15:41

Theo các báo cáo trên thế giới, trong phẫu thuật, các biến chứng về mắt được xếp thứ 11 trong các biến chứng liên quan đến gây mê với tỷ lệ khoảng 1%. Còn tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) có khoảng 20-42% bệnh nhân có tổn thương biểu mô giác mạc, những tổn thương này gây nên sự đau đớn, khó chịu, thậm chí gây giảm hoặc mất thị lực cho bệnh nhân.

Theo các báo cáo trên thế giới, trong phẫu thuật, các biến chứng về mắt được xếp thứ 11 trong các biến chứng liên quan đến gây mê với tỷ lệ khoảng 1%. Còn tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) có khoảng 20-42% bệnh nhân có tổn thương biểu mô giác mạc, những tổn thương này gây nên sự đau đớn, khó chịu, thậm chí gây giảm hoặc mất thị lực cho bệnh nhân.

Các biến chứng mắt thường khó phát hiện sớm và dễ bỏ qua do bệnh nhân không cảm nhận được tình trạng giảm thị lực hay đau mắt bởi đã được gây mê hoặc dùng thuốc an thần. Những tổn thương này thường gây khó chịu, đau đớn, thậm chí gây giảm hoặc mất thị lực cho người bệnh.

Ở các bệnh nhân an thần thở máy bị tổn thương mắt, tổn thương giác mạc là phổ biến nhất với tỷ lệ mắc khoảng 44%. Nguyên nhân là do có khoảng 60% người bệnh khi được gây mê hoặc dùng thuốc an thần không nhắm mắt hoàn toàn.

Các tổn thương giác mạc thường nhẹ và thoáng qua nhưng cũng có thể trở nên phức tạp do bội nhiễm hoặc thủng giác mạc. Được chia thành 4 loại:

– Tổn thương mắt do tác động vật lý lên giác mạc

– Bệnh viêm kết mạc tiếp xúc

– Sưng nề kết mạc

– Viêm kết mạc hoặc giác mạc do nhiễm khuẩn

Các tổn thương giác mạc, tổn thương mắt đều có thể gây giảm thị lực kéo dài, đôi khi ở cả 2 mắt và khá nghiêm trọng. Biểu hiện ở bệnh nhân tỉnh táo bởi triệu chứng đau, mắt đỏ và giảm thị lực.

Tuy nhiên, biến chứng về mắt trong phẫu thuật và hồi sức tích cực có thể phòng ngừa bằng việc phối hợp nhiều biện pháp khác nhau.

Phòng ngừa các tổn thương giác mạc

Theo nghiên cứu của George và cộng sự (2017), ở các bệnh nhân bị trợt giác mạc trong quá trình phẫu thuật thì 90% xảy ra ở nhóm bệnh nhân không được bảo vệ mắt trong gây mê toàn thân, 6,6% ở nhóm được dán mắt và 3,3% ở nhóm được dán mắt kết hợp tra mỡ mắt. Vì tỷ lệ tổn thương giác mạc ở nhóm không được bảo vệ lớn hơn nhóm được bảo vệ, nghiên cứu đã kết luận các biện pháp bảo vệ mắt phải được thực hiện trong tất cả trường hợp gây mê toàn thân. Các biện pháp bảo vệ mắt bao gồm:

– Dùng băng dán kín mi mắt: phương pháp này ưu việt hơn so với các phương pháp khác (nhỏ mắt, kính bảo hộ, áp tròng nước mắt).

– Cần phải dán kín mắt hoàn toàn và thường xuyên kiểm tra lại trong suốt quá trình bệnh nhân được gây mê hoặc an thần.

– Ngoài trừ trường hợp khởi mê nhanh, dán mắt nên được thực hiện ngay sau khi bệnh nhân mất phản xạ mi mắt, trước khi đặt ống nội khí quản, để giảm nguy cơ tổn thương thương giác mạc, tránh các tác động từ nhân viên y tế và dụng cụ, thuốc, hoá chất trong quá trình đặt nội khí quản.

– Các phẫu thuật có nguy cơ tổn thương mắt cao (phẫu thuật đầu và cổ, tư thế nghiêng hoặc sấp) cần: sử thuốc nhỏ mắt như methylcellulose hoặc gel kết hợp với dán kín mắt bằng băng dính hoặc có thể sử dụng miếng dán sinh học thay thế. Không nên dùng các thuốc chứa dầu như parafin do gây nhiều tác dụng không mong muốn.

– Cần xây dựng quy trình và đạo tạo nhân viên tại các Khoa gây mê và hồi sức tích cực về chăm sóc và bảo vệ mắt cho bệnh nhân.

Phòng ngừa tổn thương mắt do mạch máu:

– Tránh áp lực trực tiếp vào nhãn cầu ở bệnh nhân nằm sấp, đặc biệt khi phẫu thuật kéo dài, cần sử dụng dụng cụ đỡ đầu phù hợp để không có tác động trực tiếp lên nhãn cầu và giữ đầu cổ bệnh nhân ở tư thế sinh lý nhất, từ đó thuận lợi cho việc tưới máu lên vùng đầu mặt cổ.

– Cần phải kiểm tra lại tư thế bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật hoặc hồi sức tích cực.

– Nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao 10 độ để giảm áp lực nội nhãn.

– Duy trì huyết động ổn định, duy trì tốt thể tích tuần hoàn, cân bằng nội môi trong suốt quá tình phẫu thuật và hồi sức.

– Ở tư thế nằm, thần kinh thị nhạy cảm với tình trạng hạ huyết áp, thiếu dịch, thiếu máu hơn não. Vì thần kinh thị không có cơ chế tự động điều chỉnh để điều chỉnh tưới máu như dòng máu não (CBF). Một số cơ sở y tế đang nghiên cứu và ứng dụng kiểm tra kích thước thần kinh thị dưới hướng dẫn siêu âm trong quá trình phẫu thuật và hồi sức tích cực để phát hiện và xử lý sớm các tình trạng trên.

Hình ảnh: Gối sillicon đỡ đầu bệnh nhân ở tư thế sấp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. George T. A., Abraham B., George N. (2017): The need for eye protection during general anaesthesia and the efficacy of various eye protection methods. International Journal of Research in Medical Sciences, 5 (4): 1224 – 1229.

2. Grixti A., Sadri M., Watts M. T. (2013): Corneal protection during general anesthesia for nonocular surgery. Ocul Surf, 11 (2): 109 – 118.

3. Moos D. D., Lind D. M. (2006): Detection and treatment of perioperative corneal abrasions. J Perianesth Nurs, 21 (5): 332 – 338.

4. Shkurupii D. A., Harkavenko M. О., Kholod D. A. (2018): Ophthalmological complications of general anesthesia. Ukrainian Medical Stomatological Academy, Poltava, Ukraine, 26 (1) : 66 – 71.

5. Hawa Keita, Jean-Michel Devys, Jacques Ripart and et al (2017) Eye protection in anaesthesia and intensive care. Anaesthesia Critical Care & Pain Medicine, Volume 36, Issue 6 , 411-418.

Văn Hữu – Mai Anh, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888