Hotline: +84 0777. 943. 888

Bất ngờ mối liên hệ giữa não và ruột

02/11/2024 15:36

Các nghiên cứu mới về trục não- ruột gần đây đã giải thích rõ ràng mối tương quan khiến trầm cảm, lo âu thì dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa và ngược lại. Đáng chú ý, nghiên cứu tại Việt Nam đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích cho thấy, nguyên nhân do lo âu, trầm cảm chiếm hơn 62%.

Các nghiên cứu mới về trục não- ruột gần đây đã giải thích rõ ràng mối tương quan khiến trầm cảm, lo âu thì dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa và ngược lại. Đáng chú ý, nghiên cứu tại Việt Nam đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích cho thấy, nguyên nhân do lo âu, trầm cảm chiếm hơn 62%.

 Mg 9798 96

Các diễn giả tại Hội thảo khoa học “Trục não- ruột và vai trò của Probiotics trong trầm cảm, rối loạn lo âu”

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Trục não- ruột và vai trò của Probiotics trong trầm cảm, rối loạn lo âu”, được Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM tổ chức ngày hôm nay (22/11). Hội thảo quy tụ hơn 400 bác sĩ lĩnh vực tiêu hóa đến từ TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Trước khi các diễn giả đi sâu vào chuyên môn, BS.CK2 Trần Kiều Miên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nhấn mạnh rằng mối tương quan của trục não- ruột không chỉ là vấn đề mới đối với Việt Nam mà cả thế giới. Không chỉ mới, sự hiểu biết về trục não- ruột còn là vấn đề mang tính thời sự, bởi với sự bất ổn nói chung của đời sống hiện nay, trầm cảm và rối loạn lo âu rất dễ gặp phải. Do đó, càng hiểu biết nhiều hơn về trục não- ruột, các bác sĩ càng có cơ hội chẩn đoán và điều trị hữu hiệu các bệnh tiêu hóa nhưng nguyên nhân đến từ vấn đề tâm thần và ngược lại.

PGS.BS Quách Trọng Đức- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội BV Đại học Y dược TP.HCM, đã dẫn hàng loạt dữ liệu nghiên cứu để chỉ rõ mối tương quan không thể chối cãi giữa những bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa và trầm cảm, lo âu. Một nghiên cứu trên bệnh nhân ngoại trú mắc các bệnh tiêu hóa có rối loạn tâm thần kinh kèm theo cho thấy, có 42% bệnh nhân rối loạn lo âu, có 19% bệnh nhân trầm cảm. Điều đáng nói là, thời gian mắc các bệnh tiêu hóa càng kéo dài thì rối loạn tâm thần kinh càng nặng nề hơn.

“Trầm cảm và lo âu rất thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa. Trục não- ruột đóng vai trò chính yếu giúp giải thích các rối loạn tâm thần kinh và rối loạn tiêu hóa xảy ra trên cùng một bệnh nhân. Vi khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong ‘đối thoại’ não- ruột qua các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa…”- PGS. Đức kết luận.

Báo cáo của PGS. Đức không chỉ cung cấp góc nhìn cơ sở mà còn mở ra hướng giải quyết dựa trên mối tương quan trục não- ruột: Sử dụng Probiotics để điều trị các rối loạn tâm thần kinh đối với bệnh nhân mắc các bệnh tiêu hóa là một xu hướng nhiều triển vọng. Cụ thể hóa xu hướng này, TS.BS Đào Việt Hằng thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật (Trường đại học Y Hà Nội) đã giới thiệu một số kết quả lâm sàng, được xem là lần đầu thực hiện tại Việt Nam, khi sử dụng Ecologic Barrier ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng có biểu hiện lo âu, trầm cảm.

 Mg 9812 100

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Theo BS. Hằng, sau 2 tháng sử dụng Ecologic Barrier, một loại Probiotics trên 99 bệnh nhân, các triệu chứng lo âu, trầm cảm và chất lượng cuộc sống cải thiện có ý nghĩa trên bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng. Ngoài ra, nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy không ghi nhận tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. BS. Hằng cũng lưu ý rằng, đây là nghiên cứu bước đầu và cần thêm nhiều dữ liệu, song thực tế cho thấy hướng đi mới này rất nhiều hứa hẹn.

Cũng theo BS. Hằng, các nghiên cứu mới về trục não- ruột cũng đã làm rõ cơ chế tác động từ não đến ruột và ngược lại. Theo đó, thông qua hệ vi khuẩn chí đường ruột gồm hàng tỷ vi khuẩn với hơn 1.000 loại, tác động từ não đến ruột và ngược lại dựa vào các chất giúp miễn dịch, truyền dẫn… do hệ vi khuẩn chí sản sinh. Cơ chế này khiến các bất thường liên quan đến não (trầm cảm, lo âu…) sẽ ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn chí đường ruột, và ngược lại các bất thường liên quan đến hệ vi khuẩn chí này sẽ ảnh hưởng đến não với các biểu hiện lo âu, trầm cảm…

Giúp các bác sĩ tham dự hội thảo khoa học đi sâu, hiểu rõ hơn vai trò Probiotics, TS.BS. Phạm Hùng Vân- Chủ tịch Liên chi Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, đã giới thiệu rất chi tiết hệ vi khuẩn chí đường ruột, những tổn thất và cách hồi phục. Theo đó, toàn bộ hệ vi sinh đường ruột (vi khuẩn, vi nấm, vi rút) sống hài hòa, cân bằng với nhau. Các lợi khuẩn kiềm chế, phong tỏa các khuẩn gây hại. Toàn bộ hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò hàng rào, miễn dịch, bảo vệ và biến dưỡng (hấp thụ thức ăn). Hệ vi sinh đường ruột rối loạn sẽ gây ảnh hưởng trục não-ruột, do đó việc điều chỉnh rối loạn hệ vi sinh đường ruột là hết sức cần thiết.

Theo BS. Vân, có thể hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện chế độ ăn và loại bỏ các yếu tố nguy cơ để điều chỉnh rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Song song đó, vẫn còn cách điều chỉnh nhờ tác động trực tiếp đến hệ vi sinh đường ruột là bổ sung Probiotics. Đây là lợi khuẩn còn sống được điều chế bằng công nghệ mới, giúp cơ thể bổ sung kịp thời, nhanh chóng số lượng lợi khuẩn cần thiết, sớm phục hồi chức năng của hệ vi khuẩn chí đường ruột.

Nguyễn Xuân Lam

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888