Bát nháo tại nhiều phòng khám tư
TP. HCM hiện có hơn 8.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân, trong đó, có không ít các phòng khám có nhiều biểu hiện phớt lờ những quy định của pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh, khiến nhiều người bệnh phải lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang” oan uổng.
TP. HCM hiện có hơn 8.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân, trong đó, có không ít các phòng khám có nhiều biểu hiện phớt lờ những quy định của pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh, khiến nhiều người bệnh phải lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang” oan uổng.
Từ đầu tháng 5/2024, trên cơ sở những phản ảnh của người dân, sau nhiều ngày thâm nhập các phòng khám tư, để thẩm tra, xác minh, phóng viên (PV) đã ghi nhận nhiều thực trạng đáng báo động. Điều đáng nói bát nháo trong phòng khám tư không chỉ xảy ra tại phòng khám của các bác sĩ chuyên môn, mà còn hiện hữu của không ít bác sĩ đang là giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó khoa của nhiều bệnh viện lớn ở TP. HCM.
Bài 1: Bệnh nhân là “chùm khế ngọt”
Luật Khám, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009, cấm bác sĩ (BS.) vừa khám bệnh, vừa bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, điểm a khoản 6 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định, nếu BS. vi phạm hành vi nói trên thì bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, không ít BS., trong đó có cả trưởng, phó khoa và giám đốc, phó giám đốc nhiều bệnh viện (BV) mặc dù biết rất rõ những quy định nói trên nhưng vẫn cố tình “làm liều” để thu lợi.
Bác sĩ và nhà thuốc “bắt tay nhau”; Người bán thuốc kiêm truyền dịch
Lấy lý do gần đây “đi ngoài”, mỗi ngày 3-4 lần, PV ghé vào phòng khám của BS. T ở Quận 4, TP. HCM. Theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám phải có diện tích tối thiểu 10 m2. Tuy nhiên, bằng mắt thường quan sát, phòng khám của BS. T có thể chưa đến 10m2, chật hẹp, sơ sài, nằm sau nhà thuốc tây. Trước cửa phòng khám, PV thấy dán tấm bảng “Bệnh nhân truyền dịch nên đến sớm trước 7 giờ tối”. Cạnh phòng khám, PV thấy 3-4 người đang nằm trên giường truyền dịch.
Tới lượt, PV bước vào phòng. Một thanh niên ngồi trước máy tính hỏi tên, tuổi và bảo PV nằm trên giường. Sau đó, BS. T tới đo huyết áp, hỏi han tình trạng bệnh của PV. Trao đổi chưa đầy 1 phút, BS. T không cho PV biết bệnh gì, mà chỉ yêu cầu chích thuốc. Nghe PV nói sợ đau, BS. T liền bảo: “Vậy tôi cho 2 ngày thuốc, uống hết quay lại tái khám”.
Nói xong, BS. T bảo PV ra nhà thuốc kèm theo địa chỉ, để mua thuốc, mà không đưa toa. Trong lúc ngồi chờ, quan sát thấy 2 phụ nữ nhìn vào màn hình vi tính, rồi một trong 2 người đó đi lấy thuốc cho PV. Lúc này, PV mới biết toa thuốc được BS. T nhập vào máy tính tại phòng khám, rồi truyền thẳng tới máy tính đặt tại nhà thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc BS. T và nhà thuốc “bắt tay”, để bán thuốc cho người bệnh.
Trong lúc chờ khám bệnh, PV còn thấy 2 phụ nữ bán thuốc thỉnh thoảng đi vào trong để hỏi han bệnh nhân, theo dõi những thiết bị đang truyền dịch, thể hiện vừa là “nhân viên bán thuốc vừa là người truyền dịch”.
Người “ảo” siêu âm
Trong vai người bị chứng đầy bụng, đau ê vùng bụng và thường đi ngoài nhiều lần vào ban đêm, PV ghé vào phòng khám của BS. H, hiện đang công tác tại BV TV, TP. HCM.
PV được một nhân viên nữ mặc áo xanh, không mang bảng tên phát số thứ tự rồi bảo ngồi chờ. Tới lượt, PV bước vào phòng và được BS. H yêu cầu lên giường nằm. Tiếp theo, BS. H nói PV vén áo để thăm khám. Sau khi nhìn vào bụng PV vài giây, BS. H “phán” PV bị đầy hơi, căng to, nên phải siêu âm.
PV bước vào phòng bên cạnh để siêu âm vùng bụng và người siêu âm cho PV là một người đàn ông mặc áo blouse. Vài phút sau, người đàn ông này đưa PV kết quả siêu âm rồi bảo gặp BS. H. Nhìn kết quả siêu âm, BS. H nói PV bị viêm ruột, rồi bảo một nữ nhân viên mặc áo trắng đưa PV đi truyền dịch.
PV không khỏi bất ngờ khi phát hiện phòng truyền dịch nằm cạnh nhà bếp và có nhiều giường xếp được kê bên trong. Tại đây, gần 10 người vừa già, vừa trẻ đang nằm truyền dịch. Lấy lý do truyền dịch tốn nhiều thời gian, PV từ chối. Nữ nhân viên liền yêu cầu PV tiêm thuốc tại chỗ nhưng PV lắc đầu vì sợ đau. Nữ nhân viên liền nói: “Vậy anh uống thuốc, nếu bệnh không giảm thì quay lại sau”. Vài phút sau, nữ nhân viên đưa PV bịch thuốc và thu 295.000 đồng. Nhìn bịch thuốc, PV thấy nhiều loại không nhãn không tên.
Trong quá trình khám bệnh tại đây, PV ghi nhận nhiều bệnh nhân được phòng khám cho xông dung khí thông qua ống nhựa. Do khá nhiều bệnh nhân xông dung khí nên ống nhựa để đầy dưới đất, mặc đông người bước qua bước lại. Không ít bệnh nhân cho rằng phòng khám của BS. H chẳng khác một “bệnh viện” thu nhỏ, vì các hoạt động khám bệnh, siêu âm, bán thuốc, tiêm chích, truyền dịch, xông dung khí diễn ra song song.
Truy cập thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, PV được biết nhân sự tại phòng khám này chỉ có BS. H. Tuy nhiên trong quá trình khám bệnh, PV ghi nhận tại phòng khám còn có một người đàn ông phụ trách siêu âm tên K và nhiều nữ nhân viên mặc áo trắng, áo xanh không mang bản tên, chịu trách nhiệm tiêm chích, truyền dịch, xông dung khí, bán thuốc, thu tiền.
Sở Y tế TP. HCM cho phép phòng khám này hoạt động thứ Hai đến thứ Bảy, từ 17 giờ tới 20 giờ. Thế nhưng, phòng khám này lại treo bảng “Buổi sáng: Có khám bệnh và bán thuốc. Buổi chiều: Khám bệnh bình thường”. Điều này cho thấy phòng khám hoạt động cả ngày.
Hôm khám bệnh tại phòng khám của BS. H, PV phải trả 295.000 đồng. Đây được xem là giá thấp, bởi không ít bệnh nhân khác phải trả gần 500.000 đồng. Trao đổi với PV, BS. H cho biết trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 50 bệnh nhân. Lấy bình quân mỗi bệnh nhân phải trả 350.000 đồng, thì một ngày BS. H thu gần 18 triệu đồng, một con số không nhỏ. Bệnh nhân đúng là “chùm khế ngọt” để BS. H “hái tiền” mỗi ngày.
Bác sĩ phòng khám thừa nhận sai
Làm việc với PV, BS. T và BS. H thừa nhận việc bán thuốc, tiêm chích, truyền dịch tại phòng khám là sai quy định.
Liên quan 2 phụ nữ vừa bán thuốc vừa truyền dịch, BS. T cho biết, một trong 2 phụ nữ là dược sĩ trung cấp và người này kiêm nhiệm cả việc truyền dịch cho bệnh nhân.
Đề cập người đàn ông tên K thực hiện siêu âm cho bệnh nhân tại phòng khám, BS. H cho rằng ông này không có tên trong danh sách, kể cả một số nhân viên nữ đang làm việc tại đây.
Liên quan tấm bảng treo trước phòng khám có nội dung “Buổi sáng: Có khám bệnh và bán thuốc. Buổi chiều: Khám bệnh bình thường”, BS. H cho biết, tấm bảng được treo từ đợt dịch COVID-19 năm 2021 và quên tháo xuống. BS. H cũng thừa nhận có tổ chức khám bệnh cả buổi sáng, cho dù chưa được Sở Y tế TP. HCM cho phép.
Trần Ngọc – T. Luân – Thu Hiền