Bể bơi và vấn đề sức khỏe tuyến giáp
Mùa hè đang đến rất gần, các bể bơi đã mở cửa và bạn đã sẵn sàng dành cả ngày ở các bể bơi để giải nhiệt! Như bạn có thể biết, hầu hết các bể bơi đều sử dụng clo để khử trùng và giữ sạch bể bơi. Đây là một chất khử trùng hóa học có khả năng gây hại cho sức khỏe của bạn, bao gồm cả tuyến giáp.
Mùa hè đang đến rất gần, các bể bơi đã mở cửa và bạn đã sẵn sàng dành cả ngày ở các bể bơi để giải nhiệt! Như bạn có thể biết, hầu hết các bể bơi đều sử dụng clo để khử trùng và giữ sạch bể bơi. Đây là một chất khử trùng hóa học có khả năng gây hại cho sức khỏe của bạn, bao gồm cả tuyến giáp.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Clo và những ảnh hưởng của Clo như thế nào đến chức năng tuyến giáp của bạn và cách giảm tiếp xúc với Clo để bạn không bỏ lỡ niềm vui bơi lội mùa hè!
Clo là gì?
Như đã đề cập, Clo là một chất khử trùng hóa học có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và virus trong nước. Nguồn cung cấp nước công cộng và bể bơi thường sử dụng Clo làm chất khử trùng. Trong bể bơi được khử trùng bằng Clo, Clo liên kết với các chất thải từ cơ thể bao gồm nước tiểu, mồ hôi, bụi bẩn hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân (mỹ phẩm trang điểm, chất khử mùi, các sản phẩm dành cho tóc, v.v.). Khi Clo và và các chất này kết hợp với nhau sẽ tạo ra Chloramine, là một sản phẩm phụ khử trùng (DBP). Chloramines được tìm thấy trong không khí xung quanh bể bơi. Chloramin có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp, đỏ mắt, kích ứng da và phát ban thường liên quan đến việc bơi trong Clo. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến phổi và da của bạn, Clo và Chloramine có thể góp phần gây rối loạn chức năng tuyến giáp bằng cách thay thế iốt.
Clo, Iốt và tuyến giáp của bạn
Iốt là một chất quan trọng để duy trì chức năng của tuyến giáp vì tuyến giáp cần một lượng lớn Iốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Nếu không có đủ Iốt, tuyến giáp của bạn không thể tạo ra đủ hormone tuyến giáp, dẫn đến tuyến giáp hoạt động kém và gây ra các triệu chứng của bệnh suy giáp. Iốt được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm bạn ăn, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, trứng hoặc cá nước ngọt. Khi cơ thể bạn tiêu hóa những thực phẩm này, Iốt sẽ đi vào máu của bạn. Từ đây, một chất vận chuyển chuyên biệt trên tế bào tuyến giáp sẽ di chuyển Iốt vào tuyến giáp của bạn. Tuy nhiên việc tiếp xúc với clo hoặc Chloramine qua da, uống nước hoặc hít phải sẽ ảnh hưởng đến quá trình này. Các hợp chất halogen hóa, bao gồm Clo, có thể cạnh tranh với Iốt để vận chuyển vào tuyến giáp của bạn. Khi điều này xảy ra, tuyến giáp của bạn sẽ hấp thụ Clo thay vì Iốt, hạn chế hiệu quả lượng Iốt có sẵn để tạo ra hormone tuyến giáp. Một số người có nguy cơ cao – chẳng hạn như những người bị thiếu Iốt tiềm ẩn, những người đang bị suy giáp có thể dễ bị ảnh hưởng hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều ủng hộ mối liên hệ này giữa Clo và tuyến giáp của bạn. Một nghiên cứu từ năm 1986 đã xem xét tác động của việc uống nước có Clo lên tuyến giáp. Kết quả cho thấy việc uống Clo không gây thiếu Iốt dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Một nghiên cứu từ năm 1993 cho thấy kết quả tương tự – việc tiếp xúc ngắn hạn với nước uống có Clo không ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tuyến giáp ở nam giới và phụ nữ khỏe mạnh. Kết quả cho thấy nồng độ hormone tuyến giáp giảm nhẹ. Tuy nhiên, do nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) vẫn giữ nguyên nên các nhà nghiên cứu kết luận rằng clo không làm thay đổi chức năng tuyến giáp. Gần đây nhất, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy những tác động bất lợi đối với sức khỏe có thể không liên quan đến các sản phẩm phụ khử trùng (DBP), ví dụ như Chloramine. Đã có hướng dẫn về mức clo an toàn trong hồ bơi và nước uống. Khi mức vượt ra ngoài phạm vi đó, hồ bơi và đồ uống sẽ không an toàn và cần phải được xử lí. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng DBP nếu được kiểm soát chặt chẽ ít có khả năng gây ra tác dụng phụ lên sức khỏe của bạn. Tuy nhiên cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu đầy đủ mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với clo và chức năng tuyến giáp của bạn.
Các cách để giảm tiếp xúc với Clo
Rõ ràng trong thời tiết nóng nực, không ai muốn bỏ lỡ niềm vui trong thời gian bơi lội! Tuy nhiên, đồng thời, bạn cũng muốn giữ cho tuyến giáp của mình khỏe mạnh. Dưới đây là những cách để giảm mức độ tiếp xúc với clo của bạn:
Lựa chọn hồ bơi được quản lí tốt: Bạn nên lựa chọn các hồ bơi được bảo quản đúng cách và thường xuyên kiểm tra chất lượng nước. Đảm bảo rằng Clo và các chất khử trùng khác được sử dụng một cách đúng liều lượng trong mức cho phép để duy trì điều kiện bơi an toàn. Bơi ở bể bơi ngoài trời thay vì bể bơi trong nhà cũng có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với Clo, vì bể bơi trong nhà thông gió kém có thể làm tăng mức độ tiếp xúc với các sản phẩm phụ khử trùng (DBP) trong đó có Chloramine. Các bể nước mặn hoặc các bể sử dụng tia cực tím hoặc ion hóa để khử trùng sẽ sử dụng ít hóa chất hơn.
Thực hiện vệ sinh tốt: Bạn nên đi tắm trước khi vào hồ bơi. Tắm trước khi vào hồ bơi sẽ giúp loại bỏ mồ hôi và chất thải cơ thể, giảm sự hình thành chloramine. Mặt khác, khi tóc và da hấp thụ nước sạch, khả năng hấp thụ clo của cơ thể sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tắm ngay sau khi ra khỏi hồ bơi. Ngồi trong bộ đồ bơi ướt làm tăng kích ứng da do Clo gây ra. Đừng quên giặt sạch bộ đồ bơi trước khi mặc lại.
Sử dụng các biện pháp bảo vệ: Thoa kem chống nắng hoặc dùng dầu dừa. Dầu dừa giúp làn da của bạn duy trì độ pH tự nhiên và cung cấp thêm sự bảo vệ, làm giảm sự hấp thụ Clo. Bạn cũng nên đeo kính bơi dưới nước để tránh kích ứng mắt. Ngoài ra, hãy đội mũ bơi để giảm tình trạng khô tóc.
Bù nước cho làn da của bạn sau khi bơi: Thoa kem dưỡng da hoặc kem không mùi để giúp dưỡng ẩm và cấp nước cho làn da của bạn. Uống đầy đủ nước hoặc sử dụng các dung dịch vitamin C có thể giúp cân bằng tác dụng của clo trên da của bạn.
Mặc dù mối quan hệ giữa việc tắm hồ bơi và nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp là phức tạp và vẫn đang được nghiên cứu, nhưng nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp là điều cần thiết cho sức khoẻ của bạn. Điều quan trọng nhất, hãy luôn nhớ rằng việc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để nhận được lời khuyên và đề xuất phù hợp với cá nhân bạn là chìa khoá quan trọng để quản lý tình trạng của bạn một cách hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu
Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, vú và lồng ngực, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội