Béo lên ở tuổi trung niên có thể làm giảm tuổi thọ
Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí JAMA Network Open, việc để cơ thể béo lên ở tuổi trung niên có thể khiến bạn mất đi tới 5 năm tuổi thọ.
Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí JAMA Network Open, việc để cơ thể béo lên ở tuổi trung niên có thể khiến bạn mất đi tới 5 năm tuổi thọ.
Trước đó, các chuyên gia tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã thu thập dữ liệu bảo hiểm y tế của 29.621 người trên 65 tuổi, từng tham gia vào một nghiên cứu sức khỏe dài hạn. Qua 50 năm theo dõi, khoảng 13.000 người đã qua đời.
Để đánh giá nguy cơ tử vong theo cân nặng, nhóm nghiên cứu đã chia người tham gia thành các nhóm khác nhau dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI). Kết quả phân tích cuối cùng chỉ ra rằng người càng béo phì thì tuổi thọ càng ngắn. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người béo phì nghiêm trọng là 77,7, người béo phì vừa là 80,8 và người thừa cân là 82,1. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người có cân nặng khỏe mạnh là 82,3.
Tuy không phân tích lý do tử vong, song nhóm nghiên cứu lưu ý người béo phì dễ mắc các bệnh đi kèm hơn, trong khi thể trạng thừa cân dễ dẫn đến tình trạng viêm và tích tụ mỡ trong động mạch, gây căng thẳng cho tim và các nội tạng quan trọng. Theo đó, thời gian phải “chung sống” cùng bệnh tật của người béo phì nghiêm trọng là 10,32 năm, người béo phì vừa là 9,8 năm và người thừa cân là 7,2 năm, so với chỉ 6,1 năm ở người có cân nặng khỏe mạnh. Điều này cũng khiến những người thừa cân và béo phì ở tuổi trung niên tiêu tốn chi phí y tế cao hơn người có cân nặng cân đối.
Tiến sĩ Sadiya Khan – tác giả chính nghiên cứu – nhận định, kết quả này chứng minh rằng “đại dịch” béo phì không chỉ tác động đến sức khỏe và cuộc sống của từng cá nhân mà còn làm tăng gánh nặng y tế đối với xã hội.
Theo Daily Mail