Hotline: +84 0777. 943. 888

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non

27/11/2024 15:48

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với sức khỏe trẻ thơ. Nó góp phần nâng cao sức học tập, lao động và vui chơi của trẻ nhỏ trong giai đoạn xã hội phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, nếu thực phẩm không đảm bảo chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thì có nguy cơ trẻ sẽ bị suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng.

 Một số biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non

- Xây dựng kế hoạch

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ nhỏ, nhà trường cần xây dựng các kế hoạch như kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, kế hoạch vệ sinh an toàn thực phẩm hay kế hoạch phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế… Bên cạnh đó, cần xây dựng các thực đơn đa dạng, phong phú, chú trọng sử dụng các loại thực phẩm tại địa phương, đảm bảo đủ calo và chất dinh dưỡng cho các trẻ nhỏ. Đồng thời, hạn chế sử dụng những thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như xúc xích, mì tôm, bánh kẹo...

Các kế hoạch cần được thông qua liên tịch và liên tịch thống nhất, sau đó triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên của nhà trường và triển khai sâu rộng đến phụ huynh học sinh như họp phụ huynh, họp Ban đại diện cha mẹ học sinh...

- Phối hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với trường mầm non bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, nhà trường cần ký kết hợp đồng và làm việc với những công ty cung cấp thực phẩm có các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm như ISO 22000, HACCP, ISO 9001 hay Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... có uy tín, đảm bảo chất lượng và có đầy đủ giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp, phải cung cấp đủ nguồn thực phẩm theo yêu cầu và phải có trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo giá cả hợp lý và ổn định.

- Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra và giao nhận thực phẩm

Nhà trường cần chú trọng vào khâu kiểm tra chất lượng và số lượng thực phẩm trước khi đưa vào sơ chế, chế biến, đặc biệt cần có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ theo quy định về tự kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đã kiểm tra thực phẩm thì nhân viên giao thực phẩm và các thành viên cần ký tên vào sổ giao nhận và kiểm phẩm.

an-toan-thuc-pham-trong-truong-mam-non.jpg

- Phòng chống nhiễm bẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nơi chế biến

Không chỉ đảm bảo thực phẩm an toàn, việc chế biến thức ăn, bếp ăn cần được xây dựng theo nguyên tắc một chiều từ khâu sơ chế, đến khâu chia thức ăn, có đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho bếp ăn và được sắp xếp khoa học, phân biệt giữa dụng cụ chế biến sống và chín.

Nơi chế biến phải thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ, thực hiện theo “10 nguyên tắc vàng” trong chế biến thực phẩm an toàn và 5 “chìa khóa vàng” để có thực phẩm an toàn, “bếp ăn 5 tốt”…

Đối với đội ngũ nhân viên nhà bếp phải được tập huấn kiến thức về ATTP và được khám sức khỏe định kỳ. Trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ thì đầu tóc cần gọn gàng, móng tay cắt ngắn và rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến và phân chia thức ăn cho trẻ.

Vệ sinh các dụng cụ chế biến thực phẩm thường xuyên sau khi sử dụng, rác phải để đúng nơi quy định và cần chuyển ra ngoài mỗi ngày.

Hàng ngày, trước khi bếp hoạt động, nhà trường phải phân công cụ thể nhân viên giờ nào, ca nào thay phiên nhau đến sớm để làm công tác thông thoáng phòng cho khí lưu thông, lau dọn sàn nhà, kệ bếp và kiểm tra hệ thống ga, điện trước khi hoạt động. Nếu có điều gì không an toàn thì báo ngay cho ban quản lý và lãnh đạo nhà trường để kịp thời xử lý.

Ngoài công tác vệ sinh hàng ngày, hàng tháng phải tổng vệ sinh xung quan nhà bếp, nơi ăn uống và dụng cụ chế biến thực phẩm…

Vệ sinh môi trường

Nguồn nước

Nước đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong khâu chế biến thực phẩm và vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ. Nếu nước nhiễm bẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nước an toàn được sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là nước sạch lấy từ giếng khoan hoặc nước máy… và nước cũng phải kiểm định về vệ sinh an toàn thường xuyên. Bên cạnh đó, nước uống phải được đun sôi để nguội và đựng vào bình có nắp, đảm bảo luôn có đầy đủ nước uống cho học sinh.

Xử lý chất thải

Trong trường học sẽ có rất nhiều loại chất thải khác nhau như rác thải, nước thải, khỉ thải… vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Các chất thải, rác thải phải cho vào thùng rác có nắp đậy và nhà trường cần ký kết hợp đồng với phòng vệ sinh môi trường để họ thu gom và xử lý rác hàng ngày. Đồng thời, trường mầm non phải có cống thoát nước ngầm để không có mùi hôi và khu vệ sinh đại tiểu tiện cần vệ sinh thường xuyên cọ rửa sạch sẽ.

Tuyên truyền và bồi dưỡng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các khóa học, buổi gặp mặt, bồi dưỡng cho các cán bộ giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh về kiến thức dinh dưỡng và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà trường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản, pháp luật quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần phối hợp với y tế, cán bộ quản lý và các bên liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chế biến thực phẩm và hoạt động ăn uống của trẻ để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của trẻ nhỏ, học sinh mầm non.

Bùi Sơn