Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
1. Chỉ đạo điều hành
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 05/01/2024 về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, cụ thể:
– Phân công Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Đơn vị và chuyên viên thường trực, chỉ đạo công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán (theo Công văn số 548/BYT-VPB1 ngày 05/02/2024 về việc Trực và Báo cáo trực Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024).
(Ảnh: Báo Thái Nguyên)
– Chỉ đạo toàn diện Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên Đán năm 2024.
– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.
– Yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Y tế thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp Tết theo quy định để tổng hợp gửi Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng. Nội dung báo cáo về công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, tình hình đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ khám chữa bệnh và các vấn đề khác. Đồng thời quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
– Yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
2. Về công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh
– Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) ban hành Công văn số 40/DP-DT ngày 16/01/2024 gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội năm 2024; trong đó, đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như sau:
+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh dịp Tết Nguyên Đán năm 2024; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.
+ Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
+ Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định.
+ Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian Tết.
– Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, các bệnh nguy hiểm và mới nổi, không để xâm nhập vào Việt Nam, trong đó có COVID-19, Đậu mùa khỉ. Giám sát chặt chẽ các bệnh lưu hành trong nước như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông – Xuân, dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội đầu năm tại các địa phương.
– Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch. Chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thu thập thông tin, phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh và hỗ trợ triển khai các biện pháp ứng phó trong các tình huống dịch bệnh hoặc các sự kiện y tế công cộng.
– Thành lập các Đội thường trực chống dịch bệnh và phân công trực để sẵn sàng kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp tại các địa phương trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2024.
3. Công tác khám bệnh, chữa bệnh
Bộ Y tế đã có Công văn số 228/BYT-KCB ngày 16/01/2024 chỉ đạo Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ và bệnh viện thuộc trường Đại học, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết, cụ thể:
– Bảo đảm thường trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Danh sách cán bộ trực được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
– Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
– Tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
– Có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như thảm họa do tập trung đông người tại các sự kiện và điểm du lịch, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm. Có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xấu xảy ra.
– Thực hiện báo cáo trực tuyến hàng ngày trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
4. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
– Bộ Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch số 1540/KH-BCĐTƯATTP ngày 13/12/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và mùa Lễ hội Xuân 2024.
– Chỉ đạo các Viện khu vực, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
– Chỉ đạo các địa phương ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết và mùa Lễ hội Xuân 2024 theo Kế hoạch số 1540/KH-BCĐTƯATTP ngày 13/12/2023 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết.
– Xây dựng nội dung thông điệp đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Giáp Thìn năm 2024; gửi 63 tỉnh, thành phố để triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Công tác chuẩn bị thuốc sẵn sàng phục vụ khám, chữa bệnh
Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh xảy ra mùa Đông – Xuân, Bộ Y tế ban hành Công văn số 10562/QLD-KD ngày 25/12/2023 gửi các Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ, các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, Hội dược học, Hiệp hội doanh nghiệp dược về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết, trong đó yêu cầu:
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương xây dựng Kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; thuốc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông – Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.
+ Chỉ đạo các Bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
+ Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá… và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.
+ Chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh, không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết.
+ Phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn.
– Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
– Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp tết để tăng giá thuốc.
6. Công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo dịp Tết Nguyên Đán 2024
– Bộ Y tế đã thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế tại một số bệnh viện tuyến trung ương và cơ sở y tế trên một số địa bàn tỉnh, thành phố. Ngày 8/2/2024 (29 Tết), Lãnh đạo Bộ Y tế đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm, kiểm tra, chúc Tết cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương; tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thăm, kiểm tra, chúc Tết cán bộ y tế và bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
– Bộ Y tế thành lập 05 Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.
– Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện chế độ Báo cáo hằng ngày và Báo cáo tổng hợp gửi Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng theo quy định.
Nguyễn Trang