Bộ Y tế tổ chức hội nghị công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm
Ngày 21/5/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Hội nghị kết nối Bộ Y tế với các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Ngày 21/5/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Hội nghị kết nối Bộ Y tế với các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tham dự có hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Tại điểm cầu địa phương có sự tham dự của đại diện các Sở, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh/thành phố…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: vấn đề đảm bảo ATTP rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, vấn đề an sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Các điểm cầu tham dự trực tuyến
Bên cạnh đó, còn có hai nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể.
Thứ nhất là về thể chế đã có Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan…;
Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở…
“Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn, mỗi năm xảy ra khoảng 100 vụ ngộ độc. Vấn đề đặt ra là tại sao đã có nhiều chỉ đạo, thể chế đã có mà tổ chức thực hiện thế nào vẫn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc như vậy… Qua hội nghị này, chúng ta cũng cần bàn thảo xem thể chế đầy đủ chưa, nếu chưa cần kiến nghị xem xét bổ sung, sửa đổi, thậm chí ban hành mới; khâu tổ chức thực hiện ở cơ sở như thế nào, tại sao khi cơ quan chức năng kiểm tra vẫn có cơ sở chưa có giấy về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có truy xuất nguồn gốc sản phẩm…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh: Chúng ta nỗ lực trong tăng cường công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm để hướng đến mục tiêu làm sao để hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc xảy ra, và xảy ra với quy mô nhỏ nhất, người mắc ít nhất, ảnh hưởng ít nhất đến sức khỏe người dân, an ninh, an toàn về an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
TS.Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm báo cáo tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.
Trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. “Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng các vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện…” – TS. Nguyễn Hùng Long phát biểu.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý ATTP tiên tiến. Tuy nhiên, để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật; và có cả nguyên nhân chủ quan như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt…
Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận; thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát biểu
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, trong một số vụ ngộ độc vừa rồi có quy định phải lưu mẫu và kiểm định, nhưng cơ sở không thực hiện; cùng đó quy định phải có kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng vẫn còn tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Hoặc cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành Nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát ATTP;
Hay các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.
Cũng theo thông tin tại hội nghị cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở…
Các đại biểu đại diện các bộ/ngành/ đơn vị liên quan tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và công tác chỉ đạo phòng, chống ngộ độc thực phẩm; triển khai các quy định pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024; báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động vật, thực vật trong 5 tháng đầu năm 2024.
Đại diện Sở Y tế các tỉnh: Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Sóc Trăng đã báo cáo tham luận về tình hình hoạt động phòng chống ngộ độc tại địa phương và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Sau khi nghe báo cáo, tham luận, thảo luận tại hội nghị, Thứ tưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ATTP, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Tổ chức giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố ATTP và công tác phân tích nguy cơ đối với ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm phát biểu
UBND các cấp kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP. Quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn, tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác; quan tâm nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm; tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm ATTP và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Theo Bộ Y tế