Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 9/4/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì Hội nghị phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Ngày 9/4/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì Hội nghị phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và hơn 300 điểm cầu trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì Hội nghị phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết ngày 09 tháng 01 năm 2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khoá XV, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã giao Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc hội nghị
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Một số nội dung quan trọng đã được quy định chi tiết, bao gồm:
Một số quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề, cụ thể hoá các nội dung về hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề.
Thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh đã có thay đổi, trong đó rút ngắn thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y rút ngắn thời gian thực hành từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành.
Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đã được giảm bớt và đơn giản hoá, trong đó, đã bỏ phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, thay thế lý lịch cá nhân bằng sơ yếu lý lịch tự thuật, không bắt buộc xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã trong sơ yếu lý lịch. Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2027 đối với bác sĩ, từ 01 tháng 01 năm 2028 đối với y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Với 3 chức danh hành nghề mới bao gồm: Dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng đã được quy định cụ thể về thực hành, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép hành nghề đã được quy định cụ thể để thực hiện cấp giấy phép hành nghề từ 01 tháng 01 năm 2024, tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ 01 tháng 01 năm 2029 theo lộ trình của Luật. Trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đối tượng thuộc diện cấp giấy phép hành nghề sẽ được cấp phép mà không phải qua kiểm tra đánh giá năng lực. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề trước đây không phải kiểm tra đánh giá năng lực theo quy định của Luật.
Đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…
Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đã có sự điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn và đồng thời giải quyết nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh lưu động đã được quy định cụ thể, đặc biệt quy định cụ thể điều kiện, danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa là một điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được cụ thể hoá.
Thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định cũng đã quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới. Như vậy, theo quy định của Luật và Nghị định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam, thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hoá so với quy định trước đây.
Quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử nghiệm lâm sàng thiết bị y tế cũng đã được quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc đưa các kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế mới vào Việt Nam hoặc được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam có quy trình, hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, áp dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị định quy định cụ thể về quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Hơn 300 điểm cầu trên toàn quốc tham dự hội nghị
Một trong những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch COVID-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hoá Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh Nghị định số 96/2023/NĐ-CP do Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư quy định cụ thể một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 27, 28, 30, 32, 34) nhằm cụ thể hoá một số nội dung do Luật giao. Các quy định liên quan đến phạm vi hành nghề, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hoạt động của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế thuộc đơn vị, cơ quan, tổ chức, nội dung thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức và hoạt động của hội đồng chuyên môn trong giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, quy định mẫu hồ sơ bệnh án.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 299/KH-BYT ngày 11/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết Luật Khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh bảm đảm đúng tiến độ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhấn mạnh quan điểm xây dựng Nghị định là nhằm thể chế hóa kịp thời tinh thần của Luật Khám bệnh, chữa bệnh với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như: Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân theo hướng công bằng, chất lượng, phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỉ cương, kỉ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. Nghị định 96/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 9 chương, 149 điều, 7 phụ lục. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định tập trung chủ yếu vào một số vấn đề liên quan đến cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kĩ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sang trong khám chữa bệnh; quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đảm bảo cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn các quy định về lộ trình thực hiện, quy trình chuyển tiếp liên quan đến giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động.
Hội nghị cũng nghe phần trình bày chi tiết của đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về những nội dung căn bản trong Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh tập trung vào 6 nội dung chính bao gồm: thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh; cấp giấy phép hành nghề và đăng kí hành nghề; cấp giấy phép hoạt động và các hình thức tổ chức; xếp cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực để cấp giấy phép hành nghề và Hội đồng y khoa quốc gia.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị
Đối với việc thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì nội dung, chương trình thực hành do cơ sở hướng dẫn thực hành tự xây dựng và tự chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và phạm vi hành nghề theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT.
Theo đó, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, trong đó thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng; thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng; thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 06 tháng, trong đó thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 05 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 01 tháng; thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 06 tháng; thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 06 tháng, trong đó thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện là 03 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng; thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 09 tháng. Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với việc cấp giấy phép hành nghề và đăng kí hành nghề. Điều kiện, trường hợp, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép hành nghề đối với người hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện theo quy định từ Điều 126 đến Điều 136 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP. Nghị định quy định cụ thể điều kiện để cấp mới giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp, cấp lại giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp, gia hạn giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp, điều chỉnh giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ đào tạo, thực hành trong giai đoạn chuyển tiếp.
Với quy định về nguyên tắc đăng kí hành nghề, thì người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công: khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề; phụ trách một bộ phận chuyên môn; chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp: hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện; được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, hoặc tình trạng khẩn cấp; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt; khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn; trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Việc cấp giấy phép hoạt động và các hình thức tổ chức Nghị định 96/NĐ-CP quy định có thêm 1 số hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác biệt so với trước đây. Cùng với đó là một số quy định mới trong việc cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị định cũng đưa ra những quy định về đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản của cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Hàng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thực hiện đánh giá chất lượng theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và gửi kết quả tự đánh giá về cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả đánh giá chất lượng phải được niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ kết quả tự đánh giá do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự công bố, cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn ngẫu nhiên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc đánh giá lại theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật:
– Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng;
– Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề;
– Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị định cũng đưa ra quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó phải kiểm tra, đánh giá năng lực cấp phép hành nghề đối với bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sang, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng. Không kiểm tra đánh giá năng lực cấp phép hành nghề đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Nội dung kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các chức danh bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng thực hiện dựa trên chuẩn năng lực nghề nghiệp tương ứng với từng chức danh và bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Thực hiện nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng tiêu chí của cơ sở là địa điểm tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Dự kiến từ năm 2027 sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra đánh giá trên toàn quốc.
Theo Bộ Y tế